Để có những đánh giá một cách khách quan của các đại biểu chia sẻ về hội thảo cũng như những kỳ vọng mà hội thảo mang lại, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi bên lề với các nhà báo đến từ các quốc gia thuộc Liên đoàn các nhà báo Asean.
Ông Aditta Kittikhoun, Chuyên gia PR, Marketing và truyền thông, nhà đầu tư, doanh nhân (Lào):
Chia sẻ những hiểu biết và suy nghĩ về những giải pháp thiết thực
Cuộc họp ngày hôm nay khá thú vị và hiệu quả vì các bạn đang tập hợp tất cả các phương tiện truyền thông của tất cả các hiệp hội báo chí từ tất cả các nước lại với nhau để chia sẻ những hiểu biết và suy nghĩ về những giải pháp. Đặc biệt, tôi rất quan tâm đến phương tiện truyền thông xã hội được chia sẻ tại hội thảo.
Các nội dung tại Hội thảo báo chí quốc tế: “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” là những điều quan trọng đối với tất cả các nhà báo, công ty và tổ chức báo chí ở ASEAN. Tôi nghĩ mạng xã hội sẽ là tương lai của truyền thông và chúng ta phải hiểu về nó để tìm cách phát triển báo chí trong bối cảnh hiện nay.
Bản thân đất nước Lào của chúng tôi cũng là một nước khá độc đáo trên thế giới. Một đất nước rất nhỏ, dân số ít. Đi tắt đón đầu, chúng tôi đã bỏ qua những bước lẽ ra phải được thực hiện ở cả các quốc gia lớn hơn. Và vì vậy, sẽ rất thú vị nếu tôi chia sẻ quan điểm của chúng tôi, cũng như học hỏi từ các nền báo chí ở Việt Nam và các nước khác ở ASEAN.
Ông Khieu Kola, Nhà báo, Nhà sản xuất tin tức cấp cao, Phân tích tin tức quốc tế, tại Cambodia News Channel (Campuchia)
Báo chí giúp các nước trong khối ASEAN gắn kết bền chặt hơn
Để chuyển đổi phương tiện truyền thông truyền thống sang kỹ thuật số ở mức cao hơn, chúng tôi mong muốn có thêm kiến thức, hiểu biết để có thể giải quyết những thách thức mà báo chí Campuchia, Việt Nam và các nước ASEAN đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi số.
Cơ quan báo chí của chúng tôi cũng có các cơ quan thường trú ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, vì vậy chúng tôi cũng có những kinh nghiệm trong môi trường báo chí số để có thể chia sẻ trong hội thảo lần này.
Chúng ta có những đặc thù khác nhau nhưng chúng ta có điểm chung là gắn kết sự ổn định. Chúng ta hợp tác vì sự phát triển của con người trong hơn 700 triệu dân ở Đông Nam Á. Và báo chí là một lĩnh vực có thể giúp các nước trong khối ASEAN gắn kết hơn, cũng như góp phần vào sự phát triển chung.
Cũng giống như các bạn đồng nghiệp ở Việt Nam, chúng tôi đến từ Phnom Penh – Campuchia để chia sẻ kinh nghiệm và cũng để học hỏi từ 100 năm làm báo của các bạn ở đây.
Ông Agus Sudibyo, Chủ tịch Hội đồng Giám sát Cơ quan phát thanh truyền hình công cộng TVRI, Hội Nhà báo Indonesia:
Chúng ta không thể một mình bước đi
Như tình trạng chung ở các nước ASEAN, báo chí Indonesia cũng đang đối mặt với thách thức lớn trong thời đại kỹ thuật số. Kinh tế báo chí đang suy giảm tại Indonesia khi nguồn thu đang bị các ông lớn công nghệ kiểm soát. Doanh thu quảng cáo số ở Indonesia cũng bị Google và Facebook thâu tóm.
Đây là một thách thức lớn với cộng đồng báo chí nói chung ở ASEAN nói chung, ở Indonesia chúng tôi nói riêng. Và báo chí các nước ASEAN cần phải hợp tác, chia sẻ những bài học, những kinh nghiệm hay để có thể tạo được sự ổn định trong kỷ nguyên chuyển đổi số, cũng như tạo ra sự cân bằng với các nền tảng toàn cầu như Google và Facebook.
Trước sức mạnh độc quyền của Google Facebook, chúng ta không thể một mình bước đi mà chúng ta cần phải xây dựng sự hợp tác, không chỉ giữa các cơ quan báo chí trong một quốc gia, mà cả trong khu vực và thậm chí cả trên bình diện quốc tế.
Hội thảo có nhiều giải pháp để giúp đỡ báo chí ở nước chúng tôi, từ việc nâng cao chuyên môn cho đến giải quyết các bài toán kinh doanh truyền thông. Điều này được thực hiện qua các quy định nhằm giúp báo chí có thể vượt qua được sức mạnh gần như ở mức thống trị của các gã khổng lồ công nghệ…