Ở Phiên thứ 2: Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp quản trị tòa soạn báo chí số ở khu vực ASEAN trong Hội thảo “Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp quản trị tòa soạn báo chí số ở khu vực ASEAN” được tổ chức vào 7/12, tại Hà Nội, các chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan báo chí đã cùng nhau thảo luận, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi để thực hiện chuyển đổi hoạt động tòa soạn của các cơ quan báo chí hướng tới xây dựng mô hình tòa soạn số.
Mô hình toà soạn số: Xu thế tất yếu
Trong báo cáo về tổng quan Báo chí Thế giới năm 2023 hướng tới năm 2024, Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản Tin tức Thế giới (WAN-IFRA) cho biết, một trong những ưu tiên quan trọng của các tòa soạn trong năm 2024 sẽ là nghiên cứu phát triển sản phẩm và quản trị tòa soạn số.
Là lãnh đạo tờ báo điện tử chính thống hàng đầu Việt Nam, ông Trần Tiến Duẩn – Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus – TTXVN cho biết, để bắt kịp với xu hướng của báo chí kỹ thuật số, có năng lực thực hiện những nhiệm vụ trên, các tòa soạn cần xây dựng một hạ tầng kỹ thuật và hệ thống quản trị nội dung (CMS) đủ mạnh để công nghệ số phát huy hiệu quả phục vụ báo chí, giúp những người làm báo trong thời đại công nghệ số giảm bớt những công việc lặp đi lặp lại mà tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra những sản phẩm sáng tạo.
“TTXVN đã xác định chiến lược hội tụ các nền tảng số của mình, do vậy các CMS, NPS của toàn ngành dần được tích hợp trong một thể thống nhất giúp cho việc điều phối, quản lý, hợp lực thông tin và quảng bá chéo các sản phẩm thông tin được tốt hơn”, ông Trần Tiến Duẩn cho biết.
Để chuyển đổi số báo chí, cũng như xây dựng mô hình toà soạn số, ông Trần Tiến Duẩn nhấn mạnh đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để xây dựng tòa soạn số, do tư duy làm báo truyền thống sẽ khó đáp ứng những yêu cầu, thách thức mới của kỷ nguyên số.
Bên cạnh đó, công nghệ hiện nay đồng hành cùng báo chí, do vậy theo ông Duẩn, các tòa soạn cần dành khoản kinh phí nhất định cho việc phát triển, hoặc tìm hướng liên kết với các công ty công nghệ theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
“Để có chi phí đầu tư vào công nghệ, các tòa soạn cần đa dạng hóa nguồn thu, mở hướng kinh doanh dựa trên sản phẩm thế mạnh của mình, trong đó có doanh thu từ công chúng báo chí qua thu phí, tổ chức sự kiện, chiến dịch truyền thông với các sản phẩm báo chí hiện đại chất lượng phát trên nhiều kênh và đa nền tảng, kinh doanh dữ liệu…”, Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus đưa ra giải pháp.
Chia sẻ về thực tế hoạt động báo chí truyền thông tại Lào, ông Aditta Kittikhoun, Hội Nhà báo Lào cho biết, hiện nay, người dân Lào phần lớn chuyển qua sử dụng mạng xã hội với sự áp đảo của Facebook và sự thâm nhập của thiết bị di động. Tại Lào, mạng xã hội là internet và internet là mạng xã hội.
“Chúng tôi thấy được sự ảnh hưởng gia tăng của công ty Mạng xã hội trong hệ sinh thái truyền thông ở không chỉ Lào mà còn nhiều quốc gia khác”, ông Aditta Kittikhoun nhận định.
Theo ông Aditta Kittikhoun, quá trình chuyển giao từ báo chí truyền thống lên trực tuyến thông qua các website và sau đó là mạng xã hội – tạo ra những cơ hội và thách thức nhất định. Thách thức như mạng xã hội nắm quá nhiều quyền kiểm soát, từ là kênh phân phối cho tới đối thủ cạnh tranh của các công ty truyền thông khác; trùng lặp nội dung và giảm sự phát triển của các websites. Trong khi đó, cơ hội là tạo ra hình thức truyền thông mới tiếp cận nhiều người hơn, tạo sự trao đổi mạnh mẽ hơn.
Ông Aditta Kittikhoun đưa ra khuyến nghị nhằm xây dựng môi trường truyền thông lành mạnh, các Chính phủ, Liên hiệp báo chí cần hỗ trợ những cơ chế quản lý hiệu quả hơn với các mạng xã hội, các hãng truyền thông cần đầu tư công nghệ mới như AI, cân nhắc mô hình kinh doanh mới nhằm đạt sự tin cậy của khách hàng, đa dạng hóa các kênh cung cấp thông tin. Cùng với đó, người dân cần tư duy phản biện nhưng mang tính xây dựng với các công ty truyền thông.
Chia sẻ về vai trò và điều kiện chuyển đổi từ tòa soạn biên tập truyền thống sang mô hình tòa soạn số hội tụ, nhà báo Mohamad Najiy Bin Muhammad Jefri – Thư ký Hiệp hội các nhà báo Malaysia cho hay, sự xuất hiện của Internet, xuất bản số và truyền thông xã hội đã tạo ra một sân chơi mới, đặt các cơ quan báo chí trước 2 lựa chọn: theo kịp hoặc mất độc giả.
“Chúng tôi không thể để mất độc giả của mình, vì vậy chúng tôi đã nỗ lực và chuyển đổi”, Muhammad Jefri nói.
Theo nhà báo Muhammad Jefri, việc xây dựng mô hình tòa soạn số đang mang lại rất nhiều cơ hội trong bối cảnh lượng độc giả báo in có xu hướng giảm, lượng khán giả xem truyền hình nhìn chung ổn định nhưng ngày càng già đi, còn thời lượng dành cho phương tiện truyền thông kỹ thuật số tăng lên nhanh chóng.
Các tòa soạn ngày nay sẽ chỉ hoạt động hiệu quả nếu sẵn sàng chuyển đổi thành trung tâm kỹ thuật số, tuy nhiên cần phải biết nội dung nào đặt ở đâu và khi nào để đạt hiệu quả cao nhất.
“Để đáp ứng nhu cầu của độc giả và duy trì môi trường làm việc thân thiện tại tòa soạn thì cần phải có một chiến lược khả thi và tạo lập một môi trường mà trong tương lai, các phương tiện truyền thông tổng hợp cũng như trí tuệ nhân tạo và máy móc có thể phát triển mạnh”, Thư ký Hiệp hội các nhà báo Malaysia nhấn mạnh.
Nhiều thách thức đặt ra xung quanh câu chuyện chuyển đổi số toà soạn
Trong phiên tọa đàm với chủ đề “Vấn đề đặt ra và giải pháp tối ưu hoá quản trị tòa soạn số ở các quốc gia ASEAN”, ông Chavarong Limpattamapanee, Chủ tịch Hội đồng báo chí quốc gia Thái Lan, Cố vấn cấp cao Liên đoàn các nhà báo Thái Lan, Quản lý Trung tâm Dữ liệu Báo Thairath Daily đã chia sẻ về quá trình chuyển đổi số, xây dựng tòa soạn số ở Báo Thairath Daily.
Ông Chavarong cho biết, thời gian đầu, Thairath Daily cũng chỉ thực hiện số hóa thông tin bằng cách lấy thông tin từ các ấn phẩm báo in đưa lên website. Tuy nhiên sau đó, ngày càng nhiều người theo dõi tin tức trên các trang mạng, và Thairath Daily nhận ra sự khác biệt giữa những người đọc tin trên mạng và các độc giả báo giấy.
“Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy những độc giả theo dõi tin tức trên mạng không phải muốn nhai lại những tin tức trên báo giấy mà muốn đọc những gì đó mới. Do đó, chúng tôi đã không đưa nguyên nội dung báo giấy lên website của mình mà bóc tách, chọn lọc, chỉ đưa những điểm chính phù hợp với những người đọc tin trên mạng”, ông Chavarong nói.
Đề cập đến cách thức xác định độc giả phù hợp với loại hình báo chí cụ thể, ông Nguyễn Hồng Sơn – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và công nghệ OSB nhấn mạnh hoàn toàn có thể dựa trên áp dụng công nghệ, phân tích dữ liệu độc giả để tìm ra ai là độc giả của nhóm sản phẩm nào.
Ông Sơn nhấn mạnh 2 phương án mà các tòa soạn báo chí có thể áp dụng, thứ nhất là dựa trên truyền thống đối tượng độc giả của mình, thứ hai là dựa trên các công nghệ để thu thập thông tin và tiến hành thử nghiệm, từ đó có được dữ liệu phản hồi từ độc giả để phân tích, điều chỉnh.
Về đầu tư công nghệ trong các tòa soạn, nhà báo Tạ Bích Loan đặt vấn đề: Việc mua mới công nghệ là không dễ dàng với quy mô các tòa soạn nhỏ, tuy nhiên nếu cải thiện dần dần có thể gây tốn kém hơn vì phải lồng ghép nhiều hơn. Việc đầu tư mới một cách tổng thể ngay từ đầu lại đối mặt với vấn đề không mới, đó là công nghệ có thể sẽ lạc hậu rất nhanh.
Về vấn đề này, ông Chavarong cho biết, ban đầu Thairath Daily cũng chỉ có tòa soạn nhỏ, sau đó dần dần mở rộng ra. Đặc biệt sau khi mạng xã hội trở nên phổ biến, cơ quan này đã sử dụng mạng xã hội để phân phối thông tin đồng thời cũng để thu thập thông tin.
Nhấn mạnh đến vấn đề con người trong việc đổi mới, chuyển đổi số quy trình sản xuất, xuất bản trong các cơ quan báo chí, ông Ngô Trần Thịnh – Trưởng Bộ phận Nội dung số, Trung tâm Tin tức Đài Truyền hình TP.HCM cho biết mỗi một cơ quan có quá trình hình thành, phát triển với đặc thù nhất định không chỉ về cơ sở vật chất, tổ chức nhân sự, mà còn về trình độ của mỗi nhân viên cũng là vấn đề gây nên cản trở lớn giữa tư duy làm báo cũ và cách thức áp dụng công nghệ mới.
“Đơn cử như giữa đội ngũ nhà báo kỳ cựu, có kinh nghiệm, thâm niên trong nghề được đào tạo về công cụ tác nghiệp phải có máy quay, máy ảnh, cuốn sổ, cây bút… thì tất nhiên sẽ gặp khó khăn và thậm chí là khó hòa nhập khi thế hệ phóng viên trẻ hiện nay nhanh nhạy trong việc sử dụng thiết bị điện tử hiện đại, dụng cụ tác nghiệp đơn giản, gọn nhẹ, đôi khi chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là có một bản tin hoàn hảo. Vậy chỉ tính riêng tư duy giữa cũ và mới trong hình thức tác nghiệp đã cho thấy có sự khó khăn, không thể thay đổi nhanh chóng trong một sớm một chiều”, ông Ngô Trần Thịnh dẫn chứng.
Tại Toạ đàm, các đại biểu từ các nước trong khu vực đều đánh giá, các điều kiện về nhân lực, tài chính và công nghệ là những vấn đề mang tính sống còn, đã và đang đặt ra đối với việc xây dựng và vận hành mô hình toà soạn số. Để xây dựng và vận hành một toà soạn số đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ từ con người, nền tảng kỹ thuật, công nghệ và kinh phí… Đây là bài toán hóc búa đối với hầu hết các cơ quan báo chí ở ASEAN hiện nay.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, hầu hết các ý kiến đều thống nhất quan điểm chuyển đổi số báo chí là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí và các tòa soạn số là sự hội tụ công nghệ với nội dung, vận hành, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả báo chí truyền thông.
Không chỉ phân tích khía cạnh nội dung, công nghệ, nguồn nhân lực… các ý kiến tại tọa đàm còn phân tích thực trạng và giải pháp quản trị tòa soạn số từ góc nhìn quản trị kinh doanh và quản trị tài chính ở các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam hiện nay; đề xuất cần đẩy mạnh phối hợp nghiên cứu về chuyển đổi số và quản trị tòa soạn số giữa các nước ASEAN, để tìm ra những giải pháp thiết thực, khả thi giúp xây dựng mô hình tòa soạn số tại các cơ quan báo chí ở Việt Nam cũng như các nước ASEAN trong thời gian tới.
“Các ý kiến và tinh thần tương tác, đoàn kết, sự thống nhất về nhận thức chuyển đổi số của các đại biểu tham luận, cho thấy triển vọng của khối báo chí ASEAN, đoàn kết, hướng tới sự phát triển nền báo chí quốc gia và khu vực chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, đồng chí Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Nhóm PV