TP HCMCác trí thức trẻ hướng dẫn nông dân trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng, sử dụng hệ thống thủy canh có thể thu lãi gần 120 triệu đồng cho bốn vụ một năm với diện tích 1.000 m2.
Thông tin được thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Trinh, Phó phòng nghiên cứu cây trồng và vật nuôi, Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Khu nông nghiệp công nghệ cao TP HCM) chia sẻ tại buổi tập huấn kỹ thuật trồng dưa lưới công nghệ cao. Hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện do Thành đoàn TP HCM phát động sáng 24/2.
Dưa lưới có tên khoa học Cucumis melo L. thuộc họ bầu bí, là cây ăn quả có thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 60 – 70 ngày) nên trồng được nhiều vụ trong năm với năng suất khá cao, đạt 2,5 – 3 tấn trên 1.000 m2. Theo thạc sĩ Trinh, dưa lưới phát triển tốt trong điều kiện khí hậu ấm, khô, nhiều ánh sáng, phù hợp trồng tại vùng Nam Bộ. Đây là loại cây ăn quả cho giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt với phụ nữ mang thai, giúp ngăn ngừa một số bệnh như loãng xương, giúp hạ huyết áp… Dưa lưới hiện có có thể trồng trên đất hoặc sử dụng giá thể trồng ở những khu vực đất bị nhiễm phèn, mặn.
Bà Trinh cho biết, tùy vào điều kiện đầu tư, nông dân có thể xây dựng nhà màng hoặc tự đóng cọc và dùng vật liệu che để ngăn chặn sâu bọ xâm nhập. Điều này giúp nông dân giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, giúp trái sinh trưởng phát triển tốt hơn. Nhà màng cần thiết kế theo kiểu mái ngói, che bằng loại bạt có khả năng cho nắng xuyên qua giúp cây quang hợp tốt nhất.
Ngoài nhà màng, nông dân cần đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt giúp kiểm soát lượng nước tưới, phân bón cho cây. Tùy vào giai đoạn phát triển của cây, nguồn nước và phân bón được cung cấp với tần suất và lượng khác nhau, giúp dưa lưới phát triển cho hiệu quả cao. Xơ dừa, vỏ đậu nành… được sử dụng làm giá thể cung cấp dinh dưỡng cho cây.
Dưa lưới cũng có thể trồng trên máng dài 10 – 20 cm hay lên luống trực tiếp ở những khu vực đất tốt. Giống được ươm trong khay thời gian 10 – 15 ngày. Khi cây được hai lá và đạt tiêu chuẩn như không bị dập, ngọn phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh… thì bắt đầu trồng.
Theo thạc sĩ Trinh, nguồn giống dưa lưới hiện chủ yếu xuất xứ từ Đài Loan, Nhật Bản, năng suất đạt 1,3 – 2 kg mỗi cây. Ở giai đoạn cây ra hoa, người trồng có thể thụ phấn thủ công hoặc sử dụng con ong làm sinh vật thụ phấn cho cây. Chuyên gia khuyến nghị người dân chỉ duy trì một quả mỗi cây và cắt ngọn sau một tháng trồng. Điều này giúp cây tập trung dinh dưỡng cho quả đạt trọng lượng cao nhất. Bề mặt lưới trên quả có độ đồng đều thì dưa lưới có chất lượng tốt nhất, quả có vị ngọt.
Theo chuyên gia, trong quá trình trồng, dưa lưới có thể bị một số sâu hại như bọ trĩ, bọ phấn và các bệnh như phấn trắng, sương mai, nứt thân chảy nhựa… Do vậy nông dân cần có kế hoạch phòng ngừa như kiểm soát phòng chống sâu bệnh từ giai đoạn ươm giống, xử lý nhà màng trước khi trồng, dùng một số loại bọ xít, bọ rùa để khống chế sâu hại hoặc dùng thuốc sinh học phòng trừ bệnh. Dưa lưới có thể trồng trên sân thượng bằng thùng xốp cho những khu vực có không gian chật hẹp, phù hợp quy mô hộ gia đình. Ở quy mô này người dân có điều kiện chăm sóc, kiểm tra tình trạng sâu bệnh tốt hơn nên khả năng cây bị bệnh thấp hơn so với trồng quy mô lớn. Trong khi khối lượng, chất lượng quả trồng trên sân thượng không thua kém so với các phương pháp trồng khác.
Theo tính toán, với diện tích 1.000 m2, chi phí đầu tư nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, giống, công lao động… khoảng 45,5 triệu đồng. Với diện tích này nông dân có thể thu dưa lưới đạt năng suất trên dưới 2,5 tấn mỗi vụ. Giá sỉ trên thị trường 30.000 đồng mỗi kg họ có thể thu 75 triệu đồng mỗi vụ, đạt lợi nhuận 29,5 triệu. Nếu nông dân trồng được bốn vụ, lợi nhuận có thể đạt 118 triệu đồng mỗi năm.
Bà Hà Thị Tiếp, 64 tuổi, ngụ xã Long Thới chia sẻ, chương trình giúp nông dân có nhiều kiến thức bổ ích về kỹ thuật trồng dưa lưới công nghệ cao. Bà đánh giá đây là loại trái cây có giá trị kinh tế khá cao, thời gian thu hoạch nhanh, chi phí vừa phải nên rất tiềm năng để đầu tư cho mô hình kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là phương pháp trồng dưa lưới trên sân thượng. “Chúng tôi mong muốn được hướng dẫn kỹ thuật thực tế để trồng thử quy mô nhỏ, sau đó nhân rộng nếu kết quả thuận lợi”, bà Tiếp nói.
Chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện do Thành đoàn TP HCM tổ chức thường niên trong 15 năm qua. Triển khai chương trình, các trí thức là nhà khoa học trẻ sẽ về các vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn của TP HCM và các địa phương lân cận chia sẻ, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi số… giúp cải thiện đời sống.
Trong sáng 24/2, ngoài kỹ thuật trồng dưa lưới, các nhà khoa học trẻ đã tập huấn cho nông dân phương pháp nuôi cua thương phẩm, trồng hoa mai, trồng rau thủy canh, trồng nấm bào ngư… Trong năm 2024, dự kiến sẽ có 40 chuyên đề phổ biến kỹ thuật cho nông dân. Ngoài ra, trí thức trẻ còn tham gia xây dựng phát triển nông thôn với các hoạt động tặng máy vi tính, giáo dục STEM cho học sinh, khám bệnh phát thuốc miễn phí, lắp máy lọc nước, lắp đèn năng lượng mặt trời cho người dân.
Ông Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển khoa học công nghệ trẻ (Thành đoàn TP HCM) cho biết, qua nhiều năm tổ chức, chương trình đã tập hợp hàng ngàn nghìn trí thức trẻ tham gia hoạt động tư vấn chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân thành phố và các địa phương Tây Nguyên, Nam Bộ. Ông tin tưởng với sức trẻ, tinh thần của thanh niên, chương trình trí thức khoa học trẻ tình nguyện sẽ mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Hà An