Yếu tố di truyền chiếm khoảng 50% sự hình thành trí thông minh, phần còn lại do các yếu tố giáo dục, dinh dưỡng, lối sống và môi trường tác động.
Đây là kết quả một số nghiên cứu trên thế giới về mối liên hệ giữa gene di truyền và trí thông minh, theo Dược sĩ chuyên khoa I, thạc sĩ xét nghiệm Đỗ Bá Tùng, Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP HCM).
Trí thông minh được định nghĩa theo nhiều cách, bao gồm khả năng logic, trừu tượng, sự hiểu biết, tự nhận thức, học tập, có trí tuệ xúc cảm, trí nhớ, kế hoạch và giải quyết vấn đề. Đây là một đặc điểm phức tạp, có nhiều cách đo lường và mức độ cũng khác nhau ở từng người, giới tính, chủng tộc, chịu tác động của cả yếu tố di truyền và môi trường.
Nghiên cứu công bố năm 2017 của Viện Tâm thần, Tâm lý học (Anh) cùng Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (Anh), chỉ ra trí thông minh có tính di truyền cao và có thể dự đoán sự thành công trong giáo dục, công việc và xã hội của một người.
Các nhà nghiên cứu so sánh điểm khác biệt và tương đồng về chỉ số IQ của 294.000 mẫu gene các con trong một gia đình, các cặp song sinh, con nuôi và con ruột… trong 4 năm (2013-2017). Kết quả cho thấy khả năng di truyền trí thông minh của con người ước tính khoảng 50%. Các nhà nghiên cứu xác định thành công của một người dựa trên khác biệt về trình tự bộ gene di truyền chiếm 20% trong số 50% khả năng di truyền trí thông minh.
Theo các nhà khoa học, trí thông minh gồm khả năng học hỏi, suy luận và giải quyết vấn đề đi đầu trong nghiên cứu di truyền hành vi. Sự khác biệt về DNA di truyền là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt của người này so với người khác trong điểm kiểm tra trí thông minh.
Nghiên cứu năm 2017 của Đại học Vrije Amsterdam (Hà Lan) và một số trường khác cũng cho thấy trí thông minh do cả môi trường và gene quyết định. Các nhà nghiên cứu phân tích điểm kiểm tra trí thông minh và bộ gene hoàn chỉnh của hơn 78.000 người. Họ kết luận rằng không có “gene IQ” duy nhất mà có ít nhất 22 gene cụ thể liên quan đến trí thông minh.
Ví dụ, các gene BDNF, PLXNB2, XPTR, KIBRA… tác động đến sự hình thành trí thông minh. Gene BDNF cung cấp các hướng dẫn để tạo ra một loại protein có trong não và tủy sống gọi là yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não. Protein BDNF hoạt động ở các kết nối giữa các tế bào thần kinh (khớp thần kinh), nơi giao tiếp giữa tế bào với tế bào. Nó giúp điều chỉnh độ dẻo của khớp thần kinh, rất quan trọng cho học tập và trí nhớ, có liên quan đến sự hình thành trí thông minh.
Theo các nhà nghiên cứu, không phải mọi người sinh ra đều có một mức độ thông minh nhất định và không thể thay đổi. Có rất nhiều yếu tố khác tác động, trong đó gene chỉ là một yếu tố trong sự hình thành và thay đổi mức độ thông minh. Một gene có liên quan trí thông minh không quyết định hoàn toàn người đó sẽ làm tốt bài kiểm tra về IQ.
Họ cũng cho rằng để đạt điểm cao trong các lĩnh vực đòi hỏi phải tối ưu hóa các yếu tố trên và chăm sóc sức khỏe, chứ không chỉ hy vọng vào việc có được DNA tốt. Mỗi người sinh ra có những gene khác nhau liên quan đến trí thông minh, nhưng tận dụng tối đa những gene này thì tùy thuộc vào từng cá nhân.
Thạc sĩ Tùng cho rằng trí thông minh không quyết định sự thành công của một người. Chỉ số IQ thường được dùng để đánh giá trí thông minh cao hay thấp. Một người có chỉ số IQ cao thường có khả năng suy luận, lập luận, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, học tập suy nghĩ trừu tượng và hiểu những ý tưởng phức tạp tốt hơn.
“Cha mẹ nên nuôi dạy con khoa học, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng đúng cách từ khi mang thai và trong quá trình nuôi dạy để con phát triển trí tuệ tối ưu”, thạc sĩ Tùng nói.
Mai Cat