Anh Lâm giới thiệu về mô hình nuôi dúi của gia đình - Ảnh: N.P
Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi của anh Lâm vào thời điểm anh đang tất bật hướng dẫn thợ lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, hoàn thành bước cuối cùng trước khi đưa trại dúi mới đi vào hoạt động. Nói là “trại” song thực chất, đó là ngôi nhà được xây kín 4 phía, phần nền lót xi măng. Các ô vuông làm chuồng được ngăn cách với nhau bởi những viên gạch hoa lớn, có kích thước khác nhau.
Anh Lâm chia sẻ: “Chuồng nuôi dúi được làm như thế này vừa đỡ tốn diện tích lại đảm bảo độ thoáng mát, khô ráo, dễ vệ sinh. Hơn nữa, còn tránh dúi đào hang trốn đi và các loài động vật gây hại cho dúi như chuột, rắn bò vào. Tùy theo độ tuổi của dúi mà tôi sẽ sắp xếp chúng vào các ô có kích thước thích hợp. Hiện tại, dúi đã có sẵn để “lấp đầy” chuồng mới”.
Như vậy, sau gần 7 năm chăn nuôi, anh Lâm đã mở rộng quy mô nuôi dúi của mình lên thành 3 trại với số lượng hiện có là 250 con dúi trưởng thành và 50 con dúi con.
Nhìn lại hành trình khởi nghiệp của mình, anh Lâm cho biết bản thân “bén duyên” với nghề nuôi dúi từ năm 2018. Sau một thời gian chuyên bỏ mối dúi rừng cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn, được “mách nước”, anh quyết định nhập 20 cặp giống dúi má đào về nuôi.
Tuy nhiên, đây vốn là loài động vật hoang dã, do đó việc chưa thích nghi với thời tiết, khí hậu và thức ăn cộng với sự thiếu kinh nghiệm của anh Lâm khiến thời gian đầu dúi bị bệnh, một số con chết. Không thấy khó mà nản, anh chủ động tìm kiếm cách chăm sóc dúi của những mô hình đã nuôi thành công trên mạng internet để học và tự rút kinh nghiệm cho bản thân.
“Chuồng trại là một trong những yếu tố đầu tiên quyết định thành bại trong nuôi dúi. Loài động vật này sẽ sinh trưởng tốt nhất trong không gian yên tĩnh, ít tiếng động, hạn chế ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Cần ưu tiên những vị trí thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông để xây dựng chuồng trại cho dúi”, anh Lâm cho hay.
Sự thay đổi trong cách chăm sóc này giúp đàn dúi của anh dần thích nghi tốt với môi trường sống. Sau hơn 8 tháng chăm sóc, anh bắt đầu cho dúi ghép đôi sinh sản. Được biết, dúi mang thai khoảng 45 ngày thì sinh con. Mỗi năm dúi sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 4 - 5 con. Dúi con sau sinh 2,5 tháng đã có thể tách mẹ, nuôi thêm khoảng 2 tháng nữa có thể bán giống.
Theo anh Lâm, nhu cầu tiêu thụ dúi bây giờ khá cao do chất lượng thịt của loài động vật này ngon. Loài gặm nhấm này còn rất dễ nuôi, ít công chăm sóc và sinh trưởng mạnh nếu người nuôi biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật. Nguồn thức ăn chủ yếu là thân cây tre tươi, mía tươi, bắp hạt, khoai lang, khoai mì, cơm nguội, cỏ voi, không tốn kém nhiều chi phí, còn đảm bảo được nguồn thức ăn an toàn.
Hiện tại, anh Lâm chủ yếu nhân giống để cung cấp cho những đối tượng có nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Tùy vào cân nặng mà dúi sẽ có các mức giá khác nhau, dao động từ 4 - 5 triệu đồng/ cặp. Số lượng người có nhu cầu mua dúi cao, thường xuyên có người đến tận nhà hỏi mua nên anh không lo lắng về đầu ra.
Suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Lâm phải nhiều lần dừng lại bởi khách hàng điện đặt mua giống liên tục. Trung bình mỗi năm, từ mô hình này mang lại cho anh nguồn thu trên 300 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 3 - 4 lao động.
Với mong muốn nhân rộng và phát triển mô hình kinh tế này, anh Lâm luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi cho những ai có nhu cầu.
“Thị trường dúi thương phẩm hiện nay cung chưa đủ cầu. Con dúi thuộc diện đặc sản nên được rất nhiều thực khách sành ăn lựa chọn. Do vậy ngoài việc bán giống, tôi không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho bất kỳ ai tìm đến học hỏi để có thể thành công với mô hình này ngay trong lần đầu chăn nuôi”, anh Lâm bộc bạch. Thời gian tới nếu việc chăn nuôi tiếp tục đạt kết quả tốt, anh sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tăng đàn để cung cấp nhiều hơn con giống và dúi thương phẩm cho thị trường.
Nam Phương
Nguồn: https://baoquangtri.vn/phat-trien-kinh-te-tu-nuoi-dui-192822.htm
Bình luận (0)