Thời tiết nắng nóng và thay đổi thất thường bởi những đợt mưa làm độ ẩm trong không khí tăng cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi… phát triển, tấn công và gây bệnh cho con người, đặc biệt là với trẻ em sức đề kháng còn yếu.
Tại Khoa Nội – Nhi – Truyền nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà), trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6 (tính đến ngày 15/6/2023) đã điều trị cho nhiều bệnh nhi mắc các bệnh cúm, tiêu chảy, viêm phổi (nhiều nhất là trẻ nhập viện do sốt vi rút với 35 trường hợp).
Bác sĩ Chìu Quay Ngằn, Trưởng khoa Nội – Nhi – Truyền nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà), cho biết: Vào những đợt nắng nóng cao điểm, khoa chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi bị sốt vi rút, viêm phổi, tiêu chảy. Trong ngày 10/6, khoa đã tiếp nhận 1 ca bệnh tay chân miệng đầu tiên phải nhập viện điều trị tính từ đầu năm đến nay. Rất may là gia đình cháu bé có hiểu biết về bệnh tay chân miệng và đưa trẻ đến cấp cứu kịp thời tại trung tâm.
Bệnh tay chân miệng là bệnh lý gia tăng đáng kể số ca mắc trong 2 tháng qua trên địa bàn cả nước. Theo Bộ Y tế, thông qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến ngày 6/6/2023, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng; trong đó đã có 3 trường hợp tử vong. Tại tỉnh Quảng Ninh, theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến ngày 10/6/2023, cả tỉnh ghi nhận 76 ca mắc tay chân miệng. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, khả năng lây lan rất cao, bệnh liên quan đặc biệt đến vấn đề vệ sinh cá nhân và môi trường.
Chị Lý Sám Múi, mẹ của bệnh nhi La Phúc Nghĩa (12 tháng tuổi) được ghi nhận là ca mắc tay chân miệng đầu tiên phải nhập viện điều trị trong thời gian qua tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà, chia sẻ: Ở nhà thấy con cứ sốt liên tục cả ngày, quấy khóc, rồi thấy lòng bàn tay, bàn chân có mụn đỏ phỏng nước, nên tôi đưa con vào Trung tâm Y tế để điều trị. Quanh nhà tôi chưa thấy trẻ nào bị mắc bệnh này. Các bác sĩ ở đây đã hướng dẫn tôi cách vệ sinh sạch sẽ cho con, cho con ăn uống đầy đủ để nhanh khỏe và phòng các bệnh khác trong thời tiết nắng nóng này.
Tại Bệnh viện Bãi Cháy, số trẻ nhập viện cũng gia tăng trong thời tiết nắng nóng. Trung bình mỗi ngày Khoa Nhi của bệnh viện tiếp nhận 15-20 trẻ nhập viện mới. Các bệnh thường gặp trong đợt này là các bệnh lý về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, mũi, họng, viêm xoang; các bệnh lý về đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp do vi rút hoặc là vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Đáng lưu ý là có những trường hợp tiêu chảy mất nước rất nặng dẫn đến sốc và những trường hợp viêm phổi nặng phải điều trị kéo dài.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Sơn, Phó trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bãi Cháy), cho biết: Một số dấu hiệu bất thường của trẻ trong thời tiết nắng nóng mà bố mẹ cần lưu ý để đưa đi khám và điều trị kịp thời là trẻ sốt cao; ho nhiều khó thở, thở nhanh hoặc nghe những tiếng thở bất thường; nôn nhiều, không ăn uống được; đau đầu, co giật, thay đổi tri giác lú lẫn; đi ngoài phân lỏng, có máu. Các gia đình cần chú ý không cho trẻ ra ngoài trời khi thời gian nắng nóng đỉnh điểm (khoảng 9-16h). Đồng thời cần cho trẻ uống đủ nước, ăn nhiều thực phẩm có chứa các loại vitamin, chú ý đảm bảo thực phẩm, tránh bị ôi thiu; tránh tiếp xúc với những người đang bị ốm sốt; điều chỉnh điều hòa ở mức 27-28oC, không chênh lệch quá so với nhiệt độ bên ngoài, đặc biệt không ra vào phòng điều hòa liên tục vì khi thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Để giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất trong mùa nắng nóng, các gia đình cần chủ động cho trẻ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin hiện có để phòng những loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; hướng dẫn trẻ tập luyện các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi và bổ sung các chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.