HÀ NỘI“Buổi sáng trên sông Hương” của Lương Xuân Nhị hay ”Bến thuyền ở Cần Thơ” của Đặng Chung khắc họa vẻ đẹp Việt Nam ở triển lãm “Đất nước tôi”.
Bức tranh “Buổi sáng trên sông Hương” của họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914-2006). Ông nổi tiếng với những bức chân dung thiếu nữ và phong cảnh, sinh hoạt mang vẻ đẹp Việt.
Tác phẩm là một trong số hơn 80 bức tranh tại triển lãm ”Đất nước tôi”, diễn ra từ ngày 28/8 đến 10/9, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Các họa phẩm được sáng tác qua nhiều giai đoạn, từ 1930 cho đến 2007, của các danh họa, từ thế hệ Mỹ thuật Đông Dương như Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Đình Thọ, Phan Kế An đến thế hệ mỹ thuật kháng chiến như Lưu Công Nhân, Đào Đức, Đường Ngọc Cảnh, Trần Thanh Ngọc, Nguyễn Thanh Châu và tác giả thuộc thế hệ sau.
Họa sĩ Xu Man (1925-2007) vẽ tác phẩm sơn mài “Bình minh trên núi rừng Tây Nguyên” năm 1975, với kích thước 98,5×122,5 cm. Có nhiều đóng góp cho mỹ thuật Tây Nguyên, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2012).
Sinh thời, Xu Man từng tham gia Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I (1955-1982) và khóa II (1983-1988), giành giải A hội họa tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976.
Bức họa “Đất và nước” có kích thước 81×121 cm của tác giả Nguyễn Quang Thọ, sáng tác năm 1978, chất liệu sơn dầu.
Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1960. Năm 2001, Nguyễn Quang Thọ được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001. Các tác phẩm sơn dầu, sơn mài của ông có nhiều sáng tạo trong bút pháp, hướng tới sự cách tân trong hội họa hiện thực.
Tác phẩm ”Bến thuyền ở Cần Thơ” được họa sĩ Đặng Chung (1945-1990) hoàn thành năm 1981, vẽ bằng chất liệu sơn dầu, kích thước 119×119 cm.
“Một vùng Pắc Bó” – bức tranh của họa sĩ Mai Văn Hiến (1923-2006), vẽ năm 1986 bằng chất liệu sơn dầu, có kích thước 80.5×120 cm.
Ông là tên tuổi sáng giá của mỹ thuật thời kháng chiến chống Pháp 1945-1954, một trong những người đặt nền móng cho nền nghệ thuật hiện thực cách mạng.
Tác phẩm “Núi Đỏ và ngựa trắng” của họa sĩ Nguyễn Văn Đa (1928-2008), vẽ năm 1986 bằng chất liệu sơn dầu, kích thước 80×120 cm.
Sơn dầu là chất liệu phổ biến trong các sáng tác của họa sĩ. Tranh của ông có phong cách thanh thoát, giản dị nhưng đạt giá trị nghệ thuật cao, thường lấy đề tài người chiến sĩ và tình quân dân. Những năm cuối đời, ông vẫn sáng tác và tham gia nhiều triển lãm do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Nguyễn Thọ Tường (1957) sáng tác bức ”Phong cảnh” năm 1990. Họa sĩ vẽ trên chất liệu sơn dầu, kích thước 83×103 cm. Nguyễn Thọ Tường từng tham gia nhiều triển lãm nhóm, triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, đoạt nhiều giải thưởng về mỹ thuật Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1990 và 2000, giải Đồ họa quốc tế tại Nhật Bản (NOMA) năm 1994.
Khung cảnh đồng quê trong buổi sáng sớm được thể hiện tác phẩm sơn dầu ”Sương sớm Ba Vì”, kích thước 80.5×99.5 cm. Tác giả Lưu Công Nhân (1930-2007) hoàn thiện bức tranh năm 1993.
Họa sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Kháng chiến Việt Bắc. Tranh của ông sử dụng nhiều chất liệu như sơn dầu, màu nước, đa dạng bút pháp từ hiện thực đến trừu tượng. Ông là học trò nổi bật của danh họa Tô Ngọc Vân.
Bức tranh “Xuống chợ” được họa sĩ Trần Đình Thọ (1919-2011) sử dụng chất liệu sơn mài, vẽ năm 2005. Tác phẩm có kích thước 61×91 cm.
Ngoài những bức tranh được trưng bày dạng tĩnh, triển lãm trình chiếu tám tác phẩm ứng dụng công nghệ cinemagraph (đồ họa chuyển động), giúp người xem có những trải nghiệm mới mẻ.
Phương Linh
Ảnh, video: Giang Huy
Vnexpress.net