Không phải ngẫu nhiên mà giới làm phim lẫn người yêu điện ảnh Việt luôn nhắc đến Trần Anh Hùng với sự ngưỡng mộ, xen lẫn tự hào. Phần vì ông là người làm nên Mùi đu đủ xanh (1993) – phim nói tiếng Việt đầu tiên lọt vào đề cử Oscar 1994 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc.
Phần nữa, suốt sự nghiệp đạo diễn sinh năm 1962 đã có không ít đóng góp lớn nhỏ cho điện ảnh nước nhà, từ giảng dạy các lớp làm phim đến việc đưa hình ảnh Việt Nam tiến gần hơn với khán giả quốc tế.
Tại Cannes 2023, Trần Anh Hùng tiếp tục bước lên đỉnh vinh quang khi chiến thắng hạng mục Đạo diễn xuất sắc. Đặc biệt ở chỗ, cách đây đúng 30 năm ông cũng từng được gọi tên với tác phẩm đầu tay, ngay tại liên hoan phim danh giá này.
Phong cách duy mỹ và ngôn ngữ giàu chất thơ
Mỗi nhà làm phim lại có một quan điểm, phương thức tiếp cận điện ảnh riêng. Với Trần Anh Hùng, yếu tố quan trọng nhất trong một bộ phim chính là ngôn ngữ kể chuyện bằng hình ảnh.
“Tôi nghĩ mình làm phim không phải vì mình biết làm phim. Mình làm phim vì muốn rèn luyện một ngôn ngữ rất tinh tế và phức tạp. Đó là ngôn ngữ điện ảnh”, đạo diễn chia sẻ trong một workshop làm phim do Toong phát hành năm 2018.
Theo ông, đó là thứ tạo cảm hứng rất lớn vì chứa nhiều khó khăn, nhưng cũng khiến ông “có cảm giác là mình có thể dành cả cuộc đời” cho riêng môn nghệ thuật thứ 7.
Để làm chủ ngôn ngữ ấy, Trần Anh Hùng tự tay chấp bút kịch bản cho tất cả tác phẩm ông đạo diễn. Nhưng khi thực hiện phim dài đầu tay Mùi đu đủ xanh, đạo diễn đã có quyết định táo bạo khi dùng ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt thay vì tiếng Pháp.
Kịch bản phim đơn giản, kể về cô gái tên Mùi, làm giúp việc cho 2 gia đình ở Sài Gòn từ thập niên 1950 đến 1960. Qua mỗi giai đoạn, nhân vật được chứng kiến những biến động trong cuộc sống của chủ nhà, từ đó có nhiều thay đổi trong suy nghĩ, hành động.
Dù bối cảnh là Việt Nam, Trần Anh Hùng phải quay mọi thứ tại Pháp. Ngôn ngữ trở thành thứ đầu tiên giúp bộ phim toát lên hồn Việt. Trước tình thế đó, đạo diễn khéo léo tối giản lời thoại, để cho hình ảnh nói thay tiếng lòng của các nhân vật trong phần lớn thời lượng.
Trả lời tạp chí Bomb, nhà làm phim cho biết muốn “tạo ra sự tươi mới và thi vị nhất định trong cuộc sống hàng ngày” thông qua câu chuyện của Mùi. Ông nói: “Tôi muốn tạo ra một nhịp điệu cho bộ phim, một nhịp điệu mà tôi hy vọng sẽ đại diện cho một cách sống nhất định ở Việt Nam, và thông qua nhịp điệu đó để bộc lộ tâm hồn của đất nước.”
Thế nên, tác phẩm đầu tay của Trần Anh Hùng không có quá nhiều cao trào. Trái lại mọi sự kiện diễn ra một cách chậm rãi đến lạ kỳ. Kịch tích nếu có, cũng được xử lý nhẹ nhàng, tạo nên cảm giác lãng đãng và mơ màng, gợi nhớ phong cách làm phim đặc trưng của đạo diễn Nhật Bản nổi tiếng Yasujirō Ozu.
Qua lăng kính của Trần Anh Hùng, từng hành động của nhân vật dù nhỏ nhất cũng trở nên đẹp đẽ và lãng mạn.
Đó là ánh mắt trong veo của cô bé Mùi khi nhìn nhựa cây chảy dài trên phiến lá xanh, giữa tiếng chim hót véo von trong vườn nhà.
Đó còn là khoảnh khắc khi Mùi, nay đã là thiếu nữ, khẽ lấy thỏi son tô lên đôi môi, hạnh phúc ngắm nhìn chính mình trong gương mà không hay biết có người đang theo dõi từ xa.
Sau Mùi đu đủ xanh, Trần Anh Hùng kiên trì theo đuổi phong cách làm phim duy mỹ ở các dự án tiếp theo. Ông thực hiện Xích lô (1995) và kết thúc bộ ba (trilogy) phim về Việt Nam với Mùa hè chiếu thẳng đứng (2000).
Kể từ đó, đạo diễn quay phim ở nhiều nơi trên thế giới, từ Mỹ, Nhật, Hong Kong, đến Pháp.
Dẫu vậy, những tác phẩm gắn liền tên tuổi ông luôn được ngợi khen vì ngôn ngữ tinh tế. Khung hình thường tập trung vào tiểu tiết và mang đậm tính biểu tượng, đôi khi chỉ có mục đích khơi gợi nên có thể khó hiểu với khán giả đại chúng.
3 lần chinh phục liên hoan phim Cannes
Trần Anh Hùng từng có tác phẩm tranh giải tại một số liên hoan phim quốc tế lớn như Venice, Dubai, Sydney. Song, Cannes mới là nơi giúp tên tuổi của ông vang xa hơn trên bản đồ thế giới.
Lần đầu tiên nhà làm phim xuất hiện tại Cannes là khi ông bước sang tuổi 31. Với Mùi đu đủ xanh, đạo diễn vinh dự thắng 2 hạng mục, bao gồm giải Caméra d”Or (Camera vàng) và Award of the Youth. Không chỉ lọt vào bảng đề cử Oscar, tác phẩm còn nhận giải César 1994 cho phim đầu tay hay nhất. Đây là thành tích đáng ngưỡng mộ với một đạo diễn trước đó chỉ có kinh nghiệm thực hiện phim ngắn.
7 năm sau, Trần Anh Hùng trở lại liên hoan phim Cannes 2000 nhưng không tranh giải cao nhất mà chỉ tham gia hạng mục Un Certain Regard (Nhãn quan độc đáo) với Mùa hè chiếu thẳng đứng. Tuy không chiến thắng, tác phẩm vẫn được đánh giá cao, là một trong những phim quan trọng trong sự nghiệp của ông.
Năm nay, Trần Anh Hùng tiếp tục đem đến Cannes dự án mới nhất mang tên Pot Au Feu. Nhan đề tác phẩm ám chỉ món bò hầm truyền thống của Pháp. Kịch bản do ông chấp bút, chuyển thể từ tiểu thuyết của Marcel Rouff, nội dung xoay quanh mối quan hệ giữa một đầu bếp và một chuyên gia ẩm thực, đặt giữa bối cảnh nước Pháp cuối thế kỷ 19.
Trong tác phẩm, Trần Anh Hùng có cơ hội làm việc với “biểu tượng” của điện ảnh Pháp: Juliette Binoche – người từng thắng Nữ phụ xuất sắc tại Oscar 1997. Minh tinh đóng chính bên cạnh bạn diễn là Benoît Magimel.
Vượt nhiều đối thủ, Pot Au Feu lọt vào danh sách tranh giải Palme d’Or (Cành Cọ Vàng), đồng thời nhận được phản hồi tích cực từ giới phê bình. Theo Variety, đây là tác phẩm “cấp tiến” nhất trong bảng đề cử, “bắt đầu bằng cảnh nấu ăn hấp dẫn dài gần 40 phút” và tiếp nối bằng một chuyện tình lãng mạn.
Tất nhiên, tác phẩm vẫn giữ đúng phong cách Trần Anh Hùng với cốt truyện tối giản và những cảnh quay đẹp, nên thơ. Nhãn quan độc đáo đã giúp phim của ông tách biệt khỏi các đối thủ còn lại, để lại ấn tượng mạnh với hội đồng giám khảo – đứng đầu là đạo diễn Thụy Điển Ruben Östlund.
Trong 5 lần được đề cử tại Cannes, Trần Anh Hùng thắng 3 giải thưởng, trong đó có hạng mục mà bất kỳ nhà làm phim nào cũng ao ước: Đạo diễn xuất sắc. Đó là kết quả của hơn 30 lao động miệt mài và kiên trì theo đuổi ngôn ngữ làm phim riêng biệt, kể từ lần đầu chạm ngõ điện ảnh.
Tại Cannes 2023, đạo diễn từng chia sẻ: “Là một nhà làm phim, tôi như được sinh ra một lần nữa ở Cannes trong buổi giới thiệu Mùi đu đủ xanh 30 năm trước. Tôi đã rất xúc động khi nghe tiếng Việt được cất lên tại liên hoan phim này, cảm xúc ấy khó có thể miêu tả được. Và hôm nay, tôi mang đến đây một bộ phim nói tiếng Pháp”.
Trong sự nghiệp, Trần Anh Hùng đã có cơ hội làm việc với những tên tuổi lớn của điện ảnh thế giới, từ những “nàng thơ nước Pháp” Audrey Tautou, Bérénice Bejo, Mélanie Laurent,… cho đến các ngôi sao châu Á như Lương Triều Vỹ, Lee Byung Hun, Toru Watanabe,…
Nhưng cũng rất lâu rồi Trần Anh Hùng không còn làm phim về Việt Nam, hợp tác với diễn viên Việt.
Điều đó khiến cho Mùi đu đủ xanh càng trở thành một ký ức khó quên với người hâm mộ điện ảnh, nhất là những ai yêu phim Việt.
Khi hay tin đạo diễn được vinh danh tại Cannes, phần lớn khán giả tin rằng sự kiện này sẽ tạo động lực, là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà làm phim trẻ tại Việt Nam. Đồng thời, nhiều người cũng hy vọng về một tác phẩm nói tiếng Việt của Trần Anh Hùng sẽ xuất hiện trong tương lai.