“Tôi bắt đầu ngày mới khá muộn, ăn trưa và vào xưởng làm việc. Đến chiều, tôi tập luyện thể thao. Khuya là lúc tôi dành thời gian cho những ý tưởng mới” là lời chia sẻ của Phan Huy với phóng viên Dân trí về nếp sinh hoạt của mình ở độ tuổi 25.
Nhà thiết kế (NTK) trẻ mới đây gây bất ngờ với giới mộ điệu trong nước khi anh có 4 chiếc váy được xuất hiện trên thảm đỏ Cannes 2024. Ca sĩ Ginta (Thụy Sĩ), người mẫu Stephania Morales (Colombia) và người mẫu Anna Olbrycht (Pháp) là những ngôi sao đã diện thiết kế của anh.
“Ngành này rất mới ở quê tôi”
Phan Huy sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị trong gia đình có 4 anh chị em. Niềm đam mê thời trang của Huy bộc lộ khá sớm khi anh bắt đầu chơi búp bê giấy với bạn bè trong xóm hồi còn học mẫu giáo. Biết Huy có tài vẽ, các bạn thường hay nhờ anh làm phần quần áo.
Lên lớp 3, anh chính thức vẽ bản phác thảo thời trang. Lúc đó, anh vô tình thấy diễn đàn về thời trang và nhận ra đây là thế giới mới rất đặc biệt với mình. Anh đăng thành quả lên diễn đàn nhưng không tiết lộ tuổi. Bản thảo nhanh chóng nhận được nhiều lời khen. Sau khi biết tuổi của Huy, mọi người khá bất ngờ.
Anh trai cả của Huy làm về thiết kế nội thất và đồ họa. Anh cũng là người khiến cảm hứng làm nghệ thuật trong Huy trỗi dậy. Từ nhỏ, anh thường mua cho Huy những cuốn sách tập vẽ. Mẹ Huy có cơ sở may rèm. Lớn lên, anh mới được biết rằng, ông ngoại mình là một thợ may giỏi ở quê.
Tuy nhiên, niềm đam mê của Phan Huy bị đứt đoạn khi anh bắt đầu biết suy nghĩ về thực tế.
Nhà thiết kế trẻ bồi hồi: “Bẵng đi một thời gian, tôi không nghĩ đến giấc mơ làm thời trang nữa. Bởi ngành này thực sự rất mới ở quê tôi. Thời xưa, nhiều người có những định kiến riêng về ngành nên tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ tiếp tục.
Đến lớp 12, tôi nghiêm túc suy nghĩ về niềm yêu thích của bản thân. Tôi dành hai tháng để nghĩ liệu mình có làm tốt không và tìm hiểu kiến thức thực tế về ngành, khó khăn sẽ gặp phải… Cuối cùng, tôi mới chính thức chọn theo đuổi con đường thời trang”.
Nỗ lực không phải vì ganh đua
Sau quãng thời gian chăm chỉ học tập, Phan Huy đạt vị trí á khoa đầu vào chuyên ngành Thiết kế thời trang, Đại học Kiến trúc TPHCM. Vì muốn trau dồi thêm các kỹ năng như may, vẽ, anh tự tìm tòi và đăng ký học thêm bên cạnh những lý thuyết ở trường.
Để có thêm chi phí trang trải cho ngành học vốn được xem là “đắt đỏ”, anh nhận vẽ diễn họa thời trang, làm việc bán thời gian tại các thương hiệu phù hợp với phong cách của mình.
Hơn nữa, anh cũng có cơ hội làm việc với các tiền bối trong ngành để trau dồi kinh nghiệm. Quãng thời gian vừa học, vừa làm đã giúp anh tích góp được khoản tiền để thực hiện đồ án tốt nghiệp.
“Khó khăn lớn là áp lực về thời gian. Hầu như trong suốt quãng đời sinh viên, tôi không có lịch trống. Đây là ngành sáng tạo nghệ thuật nên công việc luôn bay nhảy trong đầu, chứ không phải gác qua một bên là ngừng được. Nhiều khi có cảm hứng là phải thực hiện ngay. Đó là điều khiến tôi có thể hơi mệt mỏi nhưng cũng khá vui”, Huy tâm sự.
Phan Huy cũng nhớ lại những ngày bản thân phải đi lùng sục các chợ vải, cửa hàng để tìm chất liệu. Quá trình này kéo dài hàng tuần khiến anh từng cảm thấy đuối sức. Cuối cùng, sự nỗ lực của Huy cũng được công nhận khi anh trở thành thủ khoa đầu ra. Huy cho rằng, thành quả này có được nhờ việc anh đã luôn cố gắng trong từng đồ án.
Huy luôn thấy tiếc sau mỗi đồ án mình thực hiện. Anh tiếc vì luôn nghĩ bản thân có thể khắc phục “điểm này, điểm kia” để làm tốt hơn. Với bộ sưu tập để tốt nghiệp, anh đã chuẩn bị hành trang kỹ lưỡng với lý thuyết lẫn kinh nghiệm thực hành tại những phân xưởng chuyên nghiệp trong nước.
“Tôi đã nỗ lực không phải vì ganh đua. Tôi chỉ muốn làm tốt nhất có thể”, Phan Huy bộc bạch.
Cơ duyên đến với Cannes
Haute Couture (may đo cao cấp) là hướng đi Phan Huy lựa chọn từ lúc đầu thay vì dòng thời trang dễ tiếp cận với đại chúng. Bởi anh nhận ra, thế mạnh của mình là những thiết kế đòi hỏi sự tỉ mỉ, sáng tạo, xử lý chất liệu, đính kết. Tuy nhiên, anh cũng từng không tránh khỏi cảm giác phân vân khi đây là phân khúc khó.
Việt Nam là niềm cảm hứng sáng tạo lớn cho Phan Huy. Điều đặc biệt là anh gửi gắm yếu tố đương đại vào các thiết kế để người xem cảm nhận được nét thân quen. Ý tưởng được nảy ra từ việc anh quan sát, chiêm nghiệm những sự kiện trải qua trong cuộc sống hàng ngày. Khi bí ý tưởng, anh xem cắm hoa, thiết kế nhà cửa…
Anh giải thích: “Khi muốn nói về đất nước, văn hóa, con người hay danh lam thắng cảnh, tôi không đưa vào theo cách kể lại mà phát triển dựa trên những điểm đặc biệt nhất. Ví dụ như việc lấy hình ảnh cánh đồng nhưng không đặc tả đống rơm, cây đa, sông nước mà đưa chi tiết để gợi tưởng như con chuồn chuồn, hoa màu, ánh nắng chiều. Từ đó, mọi người nhìn vào không cảm thấy nặng nề”.
Những bộ váy của Phan Huy đã nhận được sự chú ý của Steven Doan – stylist gốc việt đang hoạt động tại Anh. Steven Doan vô tình thấy các thiết kế qua mạng xã hội và cả hai đã liên hệ với nhau nhờ sự kết nối của người quen.
Cơ duyên gặp gỡ này giúp tên tuổi của Phan Huy được nhắc đến tại thảm đỏ Cannes. Cột mốc quan trọng đã giúp anh vững tin làm sản phẩm tốt hơn để giới thiệu đến quốc tế tay nghề của người thợ Việt Nam.
Trước đó, Phan Huy cũng tổ chức buổi trình diễn thời trang tại Pháp. Điều này đã giúp anh thu hút nhiều khách hàng từ khắp nơi trên thế giới như Pháp, Nga, Hàn Quốc…
Nguồn: https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/tu-chang-trai-choi-bup-be-giay-den-ntk-co-4-chiec-vay-xuat-hien-tai-cannes-20240604200008931.htm