Trong năm nay, TP HCM sẽ nghiên cứu xem xét cách tính được yếu tố tăng trưởng xanh trong GDRP của địa phương.
Thông tin được ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM, Trưởng ban tổ chức "Diễn đàn kinh tế TP HCM 2023", (HEF) nêu vào chiều 15/9. "Doanh nghiệp sử dụng các công nghệ để giảm phát thải nằm trong tăng trưởng là bao nhiêu phải lượng hóa được, chứ không nói chung GRDP được", ông Hoan nói.
Đây là một trong những bước đi cụ thể đầu tiên trong nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh tế truyền thống sang bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng và môi trường, tức "kinh tế xanh", của TP HCM.
Tại HEF năm nay, thành phố đã công bố phác thảo "Khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030 tầm nhìn 2050" để tiếp thu ý kiến đóng góp của chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ông Võ Văn Hoan cho hay từ đây đến cuối năm, thành phố sẽ hoàn thiện khung chính sách và các bộ tiêu chí cần thiết.
Một số hành động cụ thể khác cũng được TP HCM nhắm đến. Để phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ "xanh" - tức đạt các tiêu chuẩn bền vững, chi tiêu công sẽ tiên phong sử dụng để dẫn dắt tiêu dùng xã hội, doanh nghiệp có đầu ra.
"Chúng ta có nhiều cách như bơm thêm tiền kích cầu cho doanh nghiệp đầu tư, chi tiêu thêm một chút để tạo ra thị trường sản phẩm xanh, mới có tăng trưởng xanh", ông Hoan nói. Một số ví dụ như lắp điện mặt trời trên công sở hay mua sắm ôtô điện trong xe công. Việc khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp, dùng xe điện và phát triển giao thông thủy cũng là những việc TP HCM cho là cần phải làm.
Ngoài ra, trong khung sách kinh tế xanh, Cần Giờ được lựa chọn để thành huyện xanh - trung hòa carbon vào 2035. UBND TP HCM định hướng tìm cách tính toán được lượng oxy sản xuất và carbon hấp thụ được của rừng Cần Giờ để bán tín chỉ carbon, bên cạnh phát hành trái phiếu xanh để huy động nguồn lực tài chính. Nơi đây cũng có khả năng chuyển đổi sang dùng xe điện cũng như năng lượng tái tạo. Hiện Cần Giờ đã có dự án điện gió bãi biển.
Nhiều chuyên gia cũng đề xuất các việc có thể làm sớm và mô hình học hỏi khả thi cho TP HCM trong các phiên thảo luận của HEF.
PGS.TS. Vũ Minh Khương, Chuyên gia về chính sách và kinh tế, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu gợi ý kinh nghiệm 5S trong quá trình phát triển kinh tế xanh của Singapore.
5S này bao gồm: sinh tồn (Survival); chiến lược (Strategy); cấu trúc tổ chức thực hiện (Structure); chọn người giao trọng trách (Steward Selection); tìm kiếm ý tưởng thông tuệ (Sagacity-seeking). Trong đó, ở bước đầu tiên là "sinh tồn", phải ý thức được đổi mới xanh là sống còn chứ không còn lựa chọn nào khác.
Ông Khương nêu ví dụ ở bước này, Singapore xem làm sạch các dòng sông giai đoạn 1977-1987 là trọng tâm, điều cơ bản cần làm trước khi chuyển đổi xanh. TP HCM cũng có thể học tập điểm này để làm sạch các dòng sông, kênh rạch. "Chuyển đổi xanh nên bắt đầu từ những cái rất thiết thực cho người dân", ông nói.
Để có nguồn lực tài chính và khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang kinh tế bền vững, ông Jochen Schmittmann, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam gợi ý giải pháp đánh thuế phát thải carbon.
Không chỉ tạo động lực cho doanh nghiệp nỗ lực giảm phát thải nhiều thì tiết kiệm chi phí nhiều, giải pháp này tạo nguồn thu ngân sách bổ sung. "Chính quyền có thể dùng nó đầu tư lại cho các doanh nghiệp giảm phát thải xuất sắc hoặc hỗ trợ doanh nghiệp trong thể giảm thêm được phát thải", chuyên gia nói.
Ông Ricardo Valente, Ủy viên hội đồng thành phố về kinh tế và tài chính, thành phố Porto, Bồ Đào Nha nêu kinh nghiệm tất cả các hoạt động đấu thầu của thành phố đều yêu cầu doanh nghiệp dự thầu phải đáp ứng ESG (bộ tiêu chuẩn môi trường; xã hội và quản trị).
Cùng với đó, hiện 100% điện sử dụng trong các tòa nhà công tại Porto là điện tái tạo, nước thải được xử lý và tái sử dụng để làm sạch đường phố. Đến 2024, sân bay của địa phương sẽ sử dụng 100% năng lượng từ hoạt động đốt rác phát điện.
Song song với nỗ lực của chính quyền, ông Võ Văn Hoan khuyến nghị doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm áp dụng ESG, xác định lợi nhuận đến từ cải tiến, đổi mới công nghệ chứ không phải từ sử dụng nhiều tài nguyên, lao động.
Trong khi đó, người dân thì cần tiêu dùng đủ, tiêu dùng xanh - lựa chọn sản phẩm đạt chuẩn bền vững, và tham gia tích cực vào việc tái tạo lại môi trường. "Người tiêu dùng cũng nên tham gia quá trình trồng cây, vệ sinh môi trường, xử lý rác, tiêu dùng có trách nhiệm", ông Hoan nói.
Viễn Thông
Source link
Bình luận (0)