Các trường ngoài công lập phải tách biệt hoạt động doanh nghiệp và nhà trường về huy động vốn, đầu tư tài chính, theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM.
Ngày 25/9, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM ra văn bản chấn chỉnh hoạt động các trường ngoài công lập.
Trong đó, với các trường tư thục có vốn trong nước, Sở đề nghị phải tách biệt hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động của nhà trường về huy động vốn, phát hành trái phiếu, ký hợp tác đầu tư tài chính.
Động thái này diễn ra sau vụ nhiều phụ huynh tụ tập đòi nợ trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) hôm 21/9. Những phụ huynh này nói cho trường vay hàng chục tỷ đồng không lãi suất để con được học miễn phí, nay con ra trường nhưng chưa được hoàn lại.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết sẽ cử đoàn làm việc với trường Quốc tế Mỹ Việt Nam vào ngày 27/9 để tìm hiểu tình hình tài chính, hoạt động và phương án giải quyết với phụ huynh.
Ngoài ra, những trường có vốn trong nước, chỉ được dạy chương trình nước ngoài nếu có quyết định phê duyệt chương trình đào tạo tích hợp do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và phê duyệt liên kết giáo dục với nước ngoài do Sở cấp. Tỷ lệ giáo viên cơ hữu phải đạt ít nhất 40% so với tổng số giáo viên. Các trường này cũng phải thực hiện việc thu học phí, kê khai giá dịch vụ theo Nghị định 81 của Chính phủ.
Với trường mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài, Sở đề nghị tổ chức dạy học đúng chương trình đã được cấp phép, thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục bắt buộc với học sinh người Việt. Số học sinh người Việt mà trường được phép tiếp nhận là dưới 50% tổng số học sinh toàn trường.
TP HCM hiện có 961 trường ngoài công lập, từ mầm non đến THPT với 274.000 học sinh. Trong đó, hơn 20 trường dạy chương trình phổ thông của Anh, Mỹ, Canada, Australia, thường được gọi là trường quốc tế. Theo chương trình này, học sinh hết lớp 12 phải thi tốt nghiệp để nhận một trong các chứng chỉ như bằng tú tài Anh (A-level), tú tài quốc tế (IB), tú tài bang Ontario, Canada (OSSD). Học phí các trường này dao động từ 100 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng mỗi năm.
Lệ Nguyễn