Ông Stoltenberg đến Kyiv hôm 29.4 trong chuyến thăm không được thông báo trước. Đây là lần thứ ba người đứng đầu NATO thăm Ukraine kể từ khi xung đột toàn diện giữa nước này và Nga bùng nổ vào tháng 2.2022, theo Reuters.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm Kyiv đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trên chiến trường do thiếu vũ khí và binh sĩ, trong khi Moscow đạt được một số bước tiến dù chậm. Tại Kyiv, ông Stoltenberg hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng như có kế hoạch phát biểu tại quốc hội nước này.
“Ukraine đã bị áp đảo về vũ khí trong nhiều tháng, buộc phải hạn chế đạn dược… Nhưng vẫn chưa quá trễ để Ukraine giành chiến thắng”, ông Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo chung với ông Zelensky, theo AFP.
Theo ông Stoltenberg, việc Mỹ trì hoãn viện trợ quân sự cho Ukraine suốt nhiều tháng đã gây ra “hậu quả nghiêm trọng trên chiến trường”. Song ông cho biết những hỗ trợ mới “đang trên đường” đến với Ukraine.
“Các thành viên NATO đang xem xét những gì họ có thể làm thêm và tôi mong đợi sẽ sớm có những thông báo mới. Vì vậy, chúng tôi đang nỗ lực để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của Ukraine”, ông nói.
Ông Zelensky kêu gọi các đối tác quốc tế đẩy nhanh tốc độ chuyển giao vũ khí để Ukraine có thể gia cố tiền tuyến. “Quân đội Nga đang cố gắng lợi dụng tình thế trong khi chúng tôi chờ đợi nguồn cung từ các đối tác”, nhà lãnh đạo Ukraine nói.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 29.4 tuyên bố họ đã giành quyền kiểm soát làng Semenivka thuộc tỉnh Donetsk ở miền đông Ukraine, một ngày sau khi quân đội Ukraine thừa nhận họ đã rút khỏi làng này và 2 ngôi làng lân cận. Nga hôm 28.4 cũng tuyên bố họ đã giành được một ngôi làng khác cũng tại khu vực, dù Kyiv không xác nhận.
Trong một diễn biến khác, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29.4 cho biết Ankara đã thông báo với các đồng minh NATO rằng họ ủng hộ Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trở thành tổng thư ký tiếp theo của NATO, theo Reuters. Sự hậu thuẫn của Ankara là điều kiện quan trọng để ông Rutte tiến gần hơn tới chức vụ này, sau khi Mỹ, Anh, Đức, Pháp và một số thành viên khác trong liên minh đã lên tiếng ủng hộ ông Rutte.
Thổ Nhĩ Kỳ vốn chưa công khai lên tiếng ủng hộ ông Rutte kế nhiệm ông Stoltenberg, người sẽ mãn nhiệm vào tháng 10. Song động thái mới nhất của Ankara có thể làm gia tăng áp lực buộc Tổng thống Romania Klaus Iohannis, người đã chính thức tuyên bố ứng cử chức vụ tổng thư ký NATO, phải rút khỏi cuộc đua.