Tổng thống Đức nhắc đến đoàn tàu Thống Nhất và ví người trẻ là “xương sống”, tương lai của đất nước, khi nói chuyện với sinh viên trường Đại học Việt – Đức.
Chiều 24/1, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và phái đoàn thăm và làm việc với trường Đại học Việt – Đức (VGU). Ngôi trường này thành lập năm 2008, trên cơ sở hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức.
Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã dành thời gian tham quan phòng thí nghiệm, khu thực hành Kỹ thuật và Sản xuất toàn cầu, rồi phát biểu trước hơn 200 sinh viên, giảng viên.
Nói chuyện với sinh viên, ông nhắc đến chuyến tàu Thống Nhất và bày tỏ tiếc nuối khi không đủ thời gian trải nghiệm chuyến tàu dài hơn 1.700 km. Ông biết chuyến tàu này đi qua nhiều danh lam thắng cảnh, những vùng đất khác nhau và chứng kiến sự phát triển của Việt Nam.
“Tôi đoán nhiều người ngồi ở đây đã đi chuyến tàu này. Tôi ganh tỵ với các bạn”, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier nói.
Dưới góc nhìn của ông, Việt Nam là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Nghệ thuật múa rối nước, những bài tập thái cực quyền của các cụ già vẫn diễn ra bên Hồ Gươm, trong khi giới trẻ thích thú với công nghệ, mạng xã hội.
Hiện nay, hơn 200.000 người Việt sinh sống, làm việc tại Đức. Ông Frank-Walter Steinmeier mong ngày càng nhiều lao động tay nghề, chuyên môn cao của Việt Nam sang Đức làm việc, trong đó có các sinh viên của trường.
Ông đánh giá Đại học Việt Đức là dự án hợp tác mang dấu ấn như “ngọn hải đăng” trong mối quan hệ giữa hai nước, hy vọng đến năm 2032, số lượng sinh viên của trường sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay.
“Như các bạn đã biết, chuyến tàu Thống Nhất là xương sống của Việt Nam, kết nối hai đầu đất nước. Tôi tin rằng xương sống của đất nước ngày nay là con người, đặc biệt là những người trẻ ngồi đây. Tương lai thuộc về các bạn”, ông Frank-Walter Steinmeier nói.
Nói về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier cho rằng hai đất nước cách nhau hơn 10.000 km nhưng mối quan hệ không xa cách. Điều này thể hiện qua các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước trong thời gian qua. Hai nước cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh thế giới biến đổi không ngừng.
Sau bài phát biểu, ông trò chuyện riêng với một số giảng viên và sinh viên của trường.
Sỹ Anh, một trong 18 sinh viên được trò chuyện trực tiếp với Tổng thống Đức, ấn tượng với sự thân thiện và hiểu biết sâu rộng của ông về Việt Nam nói chung và giáo dục nói riêng.
“Đặc biệt là khi ông nhắc đến đoàn tàu Thống Nhất trong bài phát biểu”, Sỹ Anh nói.
Buổi nói chuyện với sinh viên trường Đại học Việt Đức là một phần hoạt động trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Steinmeier và phu nhân, ngày 23-24/1, theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân.
Ông Steinmeier, 68 tuổi, từng thăm Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng vào năm 2008 và Phó thủ tướng hồi năm 2016, có nhiều đóng góp cho quan hệ hai nước và quan tâm tới sự phát triển, hội nhập của cộng đồng người Việt Nam tại Đức.
TS Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Đại học Việt – Đức, cho biết, năm 2008, ông Steinmeier đã chứng kiến lễ ký tuyên bố chung của chính phủ hai nước về thành lập trường.
“Ngài Tổng thống đã góp phần đặt nền móng vững chắc cho một dự án độc đáo về giáo dục đại học giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức”, ông Viên nói, mong chuyến thăm này góp phần củng cố vai trò quan trọng của giáo dục trong thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa hai nước.
Trường Đại học Việt – Đức nằm trong đề án xây dựng đại học công lập xuất sắc, với định hướng trở thành cơ sở nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam, khu vực và thế giới.
Trường hiện có 17 chương trình, thuộc 6 khối ngành chuyên sâu về Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ, trụ sở tại tỉnh Bình Dương. Đến nay, trường đào tạo hơn 5.000 sinh viên và học viên cao học. Hàng năm, khoảng 100-150 lượt giáo sư Đức đến đây giảng dạy và chia sẻ kiến thức. Ngoài ra, 3% sinh viên là người nước ngoài, đến từ 17 quốc gia trên thế giới.
Tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong toàn bộ hoạt động của nhà trường. Sinh viên cũng được học ngôn ngữ thứ hai là tiếng Đức. Trường cho biết 97% sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau một năm. Trong đó, 82% sinh viên làm việc trong lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành học, 8,6% sinh viên làm việc tại Đức.
Học phí một học kỳ của Đại học Việt – Đức từ 29,2 đến 41,8 triệu đồng với sinh viên Việt Nam và khoảng 58,8-62,7 triệu đồng với sinh viên quốc tế.
Lệ Nguyễn