Lệnh mà Tổng thống Biden ban hành hôm thứ Hai, là bước đi mạnh mẽ nhất mà chính quyền của ông thực hiện cho đến nay trong việc giải quyết các mối đe dọa AI, từ an ninh quốc gia đến cạnh tranh và quyền riêng tư của người tiêu dùng.
“Để hiện thực hóa lời hứa của AI và tránh rủi ro, chúng ta cần quản lý công nghệ này, không còn cách nào khác”, ông Biden phát biểu trong một sự kiện tại Nhà Trắng vào thứ Hai.
Bruce Reed, Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng cho biết: “Tổng thống Biden đang triển khai một loạt hành động mạnh mẽ nhất mà bất kỳ chính phủ nào trên thế giới từng thực hiện đối với sự an toàn, bảo mật và niềm tin của AI”.
Lệnh này được đưa ra khi các quốc gia trên thế giới đang vật lộn với cách quản lý các công ty và mô hình AI vốn chưa có nhiều chế tài giám sát. Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, nói rằng một cuộc khủng hoảng tài chính là “gần như không thể tránh khỏi” trong vòng một thập kỷ tới nếu không quản lý được rủi ro AI.
Hiện, Liên minh châu Âu (EU) còn đang khẩn trương soạn thảo các biện pháp cứng rắn đối với việc sử dụng AI trong một đạo luật mang tính đột phá sẽ được thông qua đầy đủ vào cuối năm nay.
Khi được hỏi liệu dự luật AI của EU có ảnh hưởng đến sắc lệnh của ông Biden hay không, một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ cho biết: “Tôi không nghĩ chúng tôi đang chạy đua. Tôi không nghĩ chúng tôi đang chơi trò đuổi bắt”.
Vào tháng 5, CEO Sam Altman của OpenAI, đơn vị sở hữu ChatGPT, cho biết công ty của ông có thể phải “ngưng hoạt động” ở châu Âu nếu những nỗ lực quản lý AI nghiêm ngặt của EU có hiệu lực.
Sắc lệnh của ông Biden được đưa ra sau khi 15 công ty công nghệ lớn – bao gồm Amazon, Google, Meta, Microsoft và OpenAI – đưa ra các cam kết tự nguyện vào tháng 7 vừa rồi về việc quản lý rủi ro của các mô hình AI.
Hoàng Hải (theo FT)