Trang chủNewsThời sựTổng Bí thư tổng kết Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban chấp...

Tổng Bí thư tổng kết Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII


Sau hai ngày rưỡi (từ 15 đến sáng 17/5/2023) làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII đã thành công tốt đẹp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tổng kết Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: “Phát huy những kết quả và bài học kinh nghiệm đã có; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức; quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Báo Nhà báo và Công luận trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như sau:

Kính thưa Trung ương,

Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,

Sau 2 ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII của chúng ta đã thành công tốt đẹp. Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị và nhất trí cao với các nội dung nêu trong Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, và cho rằng, việc kiểm điểm của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được chuẩn bị rất nghiêm túc, chu đáo, bài bản, cầu thị và có tính tự phê bình sâu sắc; việc xem xét, cho ý kiến diễn ra trong không khí thẳng thắn, chân tình, trách nhiệm cao. Sau đây, tôi xin thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát biểu, tổng kết lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.

I- VỀ NHÌN LẠI NỬA ĐẦU NHIỆM KỲ KHÓA XIII

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao cho rằng: Từ sau Đại hội XIII đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với cùng kỳ của một số nhiệm kỳ gần đây.

tong bi thu tong ket hoi nghi giua nhiem ky ban chap hanh trung uong dang khoa xiii hinh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII. Ảnh: TTXVN.

Đại dịch COVID-19 kéo dài, gây hậu quả nặng nề; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga-Ukraine diễn biến phức tạp; hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, dẫn đến suy giảm tăng trưởng và gia tăng rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế; các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống; biến đổi khí hậu, thiên tai, động đất,… diễn ra với tần suất cao hơn, gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, khu vực; tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh chính trị, kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Ở trong nước, dưới tác động của tình hình thế giới và hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ,… kinh tế-xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, rất gay gắt, nặng nề; hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng; vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý các yếu kém, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước để lại.

Trong khi đó, các thế lực xấu, thù địch, phản động tiếp tục lợi dụng tình hình này để đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình,” thúc đẩy “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ chúng ta, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Trong bối cảnh tình hình đó, với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần “Tiền hô hậu ủng,” “Nhất hô bá ứng,” “Trên dưới đồng lòng,” “Dọc ngang thông suốt,” Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đảng ta, Đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật là:

1. Về kinh tế-xã hội:

Chúng ta đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Đến nay, dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác đã cơ bản được kiểm soát; đời sống xã hội và các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại tương đối bình thường. Trong bối cảnh tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, có nhiều rủi ro, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng khá.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhận định: Việt Nam là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.

Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6-6,5%, và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng trưởng GDP trong quý 1/2023 tuy chỉ đạt 3,2% so với cùng kỳ, nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, thì cả năm Việt Nam vẫn có thể đạt từ 6 đến 6,5%.

Các chỉ tiêu quan trọng về thu ngân sách nhà nước, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn tăng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân thương mại… đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Đặc biệt là, kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm; thị trường tài chính-tiền tệ vẫn cơ bản ổn định.

Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là việc xử lý tình trạng các ngân hàng thương mại yếu kém; những doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả được tập trung tháo gỡ, bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Đặc biệt, có một điểm mới rất quan trọng của nhiệm kỳ này là, chúng ta đã ban hành và chỉ đạo tổ chức rất thành công các Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở toàn bộ 6 Vùng kinh tế-xã hội của cả nước, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển Vùng – một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, rất quan trọng, cả về lý luận và thực tiễn, trong việc phát triển nhanh, bền vững các vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức rất thành công, đã tạo ra một nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, được dư luận rộng rãi trong cả nước hoan nghênh và đồng tình, ủng hộ cao.

Qua đó, các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị ngày càng nhận thức đúng đắn hơn và hành động tích cực, có hiệu quả hơn đối với vấn đề phát triển văn hóa, xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế và xã hội; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách, từng bước đi.

tong bi thu tong ket hoi nghi giua nhiem ky ban chap hanh trung uong dang khoa xiii hinh 2

Các đồng chí chủ tọa tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết hội nghị.

Kết quả là: An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân được cải thiện; đã triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng; chính sách bảo trợ xã hội, và các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, trong phòng, chống đại dịch COVID-19, truyền thống anh hùng, yêu nước, “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta và tính ưu việt của chế độ ta lại được phát huy lên một tầm cao mới (đã giải ngân 104.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 58 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động).

2. Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại:

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; từng bước hoàn thiện và phát triển tư duy lý luận, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc theo hướng: Tăng cường thế trận lòng dân; chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy.

Tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Xử lý linh hoạt, cân bằng, hài hòa quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước trong khu vực cũng như các tình huống phức tạp trên biển và tuyến biên giới.

Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an ninh, an toàn cho các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác các luận điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng; tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Hội nghị đối ngoại toàn quốc đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã quán triệt, nâng cao nhận thức, thống nhất hành động trong việc kế thừa, phát huy sức mạnh của trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam,” “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển;” thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường.

Thành công của các chuyến thăm, các cuộc điện đàm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là chuyến thăm Trung Quốc, các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước láng giềng, các nước trong khu vực là minh chứng cho sự thành công của các hoạt động đối ngoại thời gian qua.

3. Về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và khối đại đoàn kết toàn dân tộc:

Chúng ta đã tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và rất nghiêm trọng, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân.

Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ khóa XV đã sớm kiện toàn bộ máy tổ chức và nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” đã đề ra các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp thích hợp để thực hiện mục tiêu: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, phân cấp, phân quyền và kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự liêm chính, chuyên nghiệp; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.”

Đặc biệt là, các hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Quốc hội, Chính phủ khóa XV và của các khối như: Nội chính, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc phòng, An ninh, Đối ngoại, Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,… được tổ chức rất đồng bộ, bài bản và thành công ngay từ đầu nhiệm kỳ đã sớm định hướng rõ ràng, đúng đắn cho việc tiếp tục đổi mới, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với 8 kỳ họp, trong đó có 4 kỳ họp bất thường, Quốc hội đã thảo luận, xem xét thông qua 16 dự án luật, 84 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 4 pháp lệnh, 29 nghị quyết. Chính phủ và chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ, chính quyền điện tử; quyết liệt chỉ đạo, thực hiện thành công chương trình phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Hệ thống các cơ quan tư pháp đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh cải cách tư pháp; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các hoạt động tư pháp, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội được đẩy mạnh, góp phần quan trọng tăng cường sự đồng thuận xã hội và phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc.

4. Về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực:

Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn luôn bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng để cụ thể hóa thành các chương trình làm việc hằng năm, hằng quý, hằng tháng, hằng tuần và lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đã có nhiều đổi mới rất tích cực trong lĩnh vực công tác này như: Ban hành quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó đã bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, bao gồm cả chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và phòng, chống “tiêu cực,” trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, coi đây là gốc của mọi vấn đề.

Đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bước đầu có kết quả tốt, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trước đây; ban hành quy định về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và nhiều văn bản quan trọng khác có liên quan đến công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Đồng thời, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh để từng bước tiến tới: “không dám,” “không thể,” “không muốn,” “không cần” tham nhũng. Việc kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ, cải cách hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng có nhiều tiến bộ.

Đến nay, có thể khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt, và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, và “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; và không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.”

5. Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng:

Chúng ta cũng đã tạo ra được sự chuyển biến rất tích cực, với nhiều dấu ấn nổi bật trong việc kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn hơn giữa “xây” và “chống,” toàn diện hơn trên các mặt công tác xây dựng Đảng.

Đặc biệt là, công tác cán bộ tiếp tục được coi trọng hơn, đúng mức hơn với vị trí, vai trò là “then chốt của then chốt;” có nhiều cách làm, quy định mới, hiệu quả cao hơn, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” bất kể người đó là ai; không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc “có vào, có ra; có lên, có xuống;” thể hiện tinh thần kiên quyết, gương mẫu, nghiêm minh, nhân văn, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên; đồng thời đã khẩn trương chỉ đạo kiện toàn các nhân sự lãnh đạo thay thế, được dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, đánh giá rất cao.

Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng tiếp tục được đổi mới, tăng cường trên cơ sở ban hành có chất lượng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ nhiều quy định mới của Đảng, đã góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm,” “tư duy nhiệm kỳ;” “chủ nghĩa cá nhân,” “tha hóa quyền lực” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, kỷ cương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.”

Những kết quả, thành tựu chủ yếu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, như vừa nêu trên đây, có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng quan trọng nhất là do có thành công rất tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng với những chủ trương, đường lối đã được thực tế thời gian qua chứng minh là đúng đắn, phù hợp; sự lãnh đạo, chỉ đạo vững vàng, sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xử lý kịp thời, có hiệu quả nhiều vấn đề mới nẩy sinh trong thực tiễn; sự quản lý, điều hành nhạy bén, quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp; sự nỗ lực đổi mới đồng bộ, có hiệu quả nội dung, phương thức hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; sự đoàn kết thống nhất, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị; phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tinh thần lao động tích cực, sáng tạo, trách nhiệm của nhân dân; sự tín nhiệm, đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, kết quả đã đạt được, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, như: Lãnh đạo, chỉ đạo công tác nắm tình hình; nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn có mặt, có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa mạnh mẽ và hiệu quả chưa cao. Lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế; tổ chức thực hiện một số chính sách phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội có lúc, có nơi còn chậm.

Lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, quản lý, sử dụng biên chế có mặt còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; công tác xây dựng, hoàn thiện luật pháp, chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là.

Một số đồng chí lãnh đạo cấp cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhận trách nhiệm chính trị, có vi phạm, có trường hợp cũng phải xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

tong bi thu tong ket hoi nghi giua nhiem ky ban chap hanh trung uong dang khoa xiii hinh 3

Toàn cảnh phiên bế mạc hội nghị.

Từ thực tế lãnh đạo, chỉ đạo trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII vừa qua, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm về việc đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc như sau:

Một là, phải luôn luôn nắm vững và nghiêm túc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc và chủ trương, đường lối của Đảng; luật pháp, chính sách của Nhà nước. Thực hiện thật tốt các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; đoàn kết thống nhất; kiên định, nhất quán, giữ vững nguyên tắc trước những vấn đề khó khăn, thách thức mới.

Đối với những vấn đề lớn, khó, phức tạp, hệ trọng, cấp bách, nhạy cảm, chưa có tiền lệ, còn nhiều ý kiến khác nhau, thì cần phải đưa ra họp bàn, thảo luận một cách dân chủ, thẳng thắn; cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng để có những quyết định kịp thời, đúng đắn, chính xác và phù hợp với tình hình.

Hai là, phải bám sát Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xây dựng và thực hiện cho bằng được chương trình công tác hằng năm, hằng quý, hằng tháng, hằng tuần theo đúng kế hoạch; đồng thời nhạy bén, linh hoạt, kịp thời điều chỉnh, bổ sung vào chương trình công tác những công việc hệ trọng, phức tạp, mới phát sinh trên các lĩnh vực để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả toàn diện mọi hoạt động trong đời sống xã hội.

Cần tiếp tục phát huy điểm mới trong nhiệm kỳ XIII, đó là: Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội nghị cán bộ toàn quốc (trực tiếp, trực tuyến) để triển khai, quán triệt nhanh, đồng bộ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị toàn diện ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn, theo cả chiều dọc và chiều ngang; thống nhất từ Trung ương đến địa phương và giữa các địa phương trong các vùng, miền.

Định kỳ hằng tháng, hoặc khi cần thiết, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đều họp để nắm bắt toàn diện, cụ thể, thực chất tình hình; trao đổi, bàn bạc, thống nhất quan điểm, chủ trương, định hướng chỉ đạo những vấn đề lớn, hệ trọng, cấp bách của Đảng, của Đất nước; đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả công việc đã đề ra.

Sau mỗi cuộc họp đều ban hành kết luận chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm thực hiện đối với từng vấn đề; góp phần quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhất quán, thống nhất, kịp thời, chặt chẽ, đồng bộ, thông suốt, đặc biệt là trong bối cảnh phải phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và xử lý các tình huống phức tạp vừa qua; khắc phục những sự chồng chéo, trùng lắp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tạo sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong các đồng chí lãnh đạo chủ chốt; tạo sự lan tỏa đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và cả hệ thống chính trị.

Ba là, tập trung ưu tiên ban hành đồng bộ và có chất lượng cao hơn nữa hệ thống pháp luật, các quy định, quy chế, quy trình công tác để thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân theo đúng tinh thần “Tiền hô hậu ủng,” “Nhất hô bá ứng,” “Trên dưới đồng lòng,” “Dọc ngang thông suốt”.

Bốn là, tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải gương mẫu chấp hành nghiêm túc hơn nữa các quy chế, chế độ công tác; hoạt động trên cơ sở Quy chế làm việc, Chương trình công tác toàn khóa và hằng năm. Chuẩn bị kỹ nội dung, chương trình các cuộc họp; sắp xếp nội dung một cách khoa học, bài bản; thời gian tương đối hợp lý; mỗi phiên họp giải quyết được nhiều vấn đề; phát huy trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân, thảo luận dân chủ, cẩn trọng, kỹ lưỡng; văn bản hóa nhanh, kịp thời các kết luận của phiên họp.

Việc phân công, phân cấp trong giải quyết công việc giữa Bộ Chính trị và Ban Bí thư, giữa tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cá nhân các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phụ trách từng lĩnh vực và quan hệ lãnh đạo giữa Bộ Chính trị, Ban Bí thư với các Đảng đoàn, Ban cán sự đảng, cấp ủy trực thuộc Trung ương cũng phải rõ ràng, cụ thể.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền; báo cáo kịp thời, đầy đủ với Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề quan trọng trước khi quyết định và những công việc Bộ Chính trị đã giải quyết giữa hai kỳ hội nghị Trung ương.

Năm là, từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần phát huy cao độ tinh thần nêu gương, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tự giác nhận trách nhiệm chính trị lĩnh vực mình phụ trách; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ; tư tưởng, chính trị vững vàng, quan điểm đúng đắn; gương mẫu về đạo đức, lối sống trong công tác, trong cuộc sống của bản thân, gia đình và người thân. Hết sức tránh tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê; Lại cầm bó đuốc đi rê chân người!.”

II- VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TỪ NAY ĐẾN HẾT NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI KHÓA XIII

Dự báo tình hình thế giới, trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức lớn. Trên thế giới, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt; sự tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến phức tạp; cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ, phương Tây đối với Nga có thể sẽ còn kéo dài, tác động đến địa chính trị, địa kinh tế, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu; khoa học-công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức mới đối với mọi quốc gia, dân tộc; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta…

Ở trong nước, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn: Để hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 như đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ thì tăng trưởng bình quân 3 năm 2023-2025 phải đạt khoảng 7,3%; đây là mức rất cao, đòi hỏi chúng ta phải có sự quyết tâm rất cao và nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được.

Thị trường tài chính-tiền tệ, nhất là thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thanh khoản của một số ngân hàng thương mại yếu kém và doanh nghiệp, dự án lớn sẽ gặp nhiều khó khăn. Lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, sức ép lạm phát còn lớn.

Hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng; nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc; đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu.

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, đăng ký bổ sung hoặc góp vốn, mua cổ phần giảm. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước có dấu hiệu suy giảm; nợ xấu ngân hàng, nợ thuế nhà nước có xu hướng tăng; bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh mạng, trật tự, an toàn xã hội, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân,… hiện vẫn là những vấn đề lớn có nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục.

Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình; cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác…

Tình hình trên đây đòi hỏi chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được và cũng không quá bi quan, dao động trước những khó khăn, thách thức; mà trái lại, cần phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII. Tập trung ưu tiên triển khai thực hiện thật tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, về phát triển kinh tế: Cần tiếp tục quán triệt thật sâu sắc, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước về phát triển nhanh và bền vững.

Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hóa, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài, của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,… gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Hai là, về phát triển văn hóa, xã hội: Cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn.

Chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn, đô thị, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp.

Xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội.|

Ba là, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Cần tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ.

Tổ chức thật tốt các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao; chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn nữa quan hệ với các đối tác; đẩy mạnh đối ngoại đa phương; giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, trước hết. Triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết, tranh thủ tối đa lợi ích mà các hiệp định này có thể đem lại.

Bốn là, về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Cần tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cụ thể là, phải có chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, ráo riết, có kết quả cụ thể các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về vấn đề này, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ ra khỏi đội ngũ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn.

Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương; tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn tham nhũng.”

Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng,” “phòng thủ,” “che chắn,” giữ “an toàn,” né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm! Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ, phải có ý chí, quyết tâm cao, có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời, đừng “nhìn gà hóa quốc”!; “đừng thấy đỏ tưởng là chín”!

Năm là, về chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng: Từ kết quả, kinh nghiệm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ lần này, chúng ta cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV nhiệm kỳ 2026-2031; chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Đồng thời, khẩn trương, nghiêm túc tiến hành tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới, tập trung vào 10 năm gần đây; thành lập các Tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng để các Tiểu ban này, nhất là Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự, sớm đi vào hoạt động, đáp ứng tốt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Thưa các đồng chí,

Với những kết quả, thành tựu đã đạt được và những kinh nghiệm đã tích lũy, rút ra được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tôi tin tưởng và tha thiết mong rằng, sau Hội nghị này, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa để sáng suốt nắm bắt mọi thời cơ, thuận lợi; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả nhiệm kỳ khóa XIII, góp phần xây dựng Đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng phát triển, cường thịnh; ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong đợi.

Nhân dịp này, tôi xin thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, một lần nữa chúc toàn thể các đồng chí Ủy viên Trung ương, các đại biểu tham dự Hội nghị và các cấp ủy, chính quyền, đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả và bài học kinh nghiệm đã đạt được; khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hoạt động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa, hoàn thành xuất sắc trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy giao phó.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang kỳ vọng, đang đòi hỏi và trông chờ ở chúng ta, ở các đồng chí!

Chúc toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!





Nguồn

Cùng chủ đề

Tổng Bí thư: Thanh niên quân đội phải xung kích đi đầu xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, hiện đại

Ngày 18-12 tại Bộ Quốc phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm, bí thư Quân ủy Trung ương, đã gặp mặt, động viên đại biểu thế hệ trẻ trong quân đội nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. ...

Tổng Bí thư: Thanh niên là nhân tố chủ chốt trong phát triển tương lai đất nước

Sáng 18/12, phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2024-2029 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các địa phương và toàn xã hội thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ, tạo mọi điều...

Tổng kết Cụm thi đua các tổ chức xã hội năm 2024

Sáng 18/12, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Cụm thi đua các tổ chức xã hội năm 2024. Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Quỳnh Liên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Dân chủ, giám sát và phản biện xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam. ...

[Ảnh] Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ IX

NDO - Sáng 18/12, tại Hà Nội, diễn ra phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029. Đại hội là sự kiện chính trị lớn của tuổi trẻ, ngày hội đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên Việt Nam yêu nước, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Hội và phong trào thanh niên. Tổng Bí thư Tô Lâm...

Bảo đảm an ninh, trật tự phải góp phần mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đầu tư,...

Tổng Bí thư yêu cầu lực lượng Công an nhân dân tiếp tục giữ vững an ninh quốc gia, tuyệt đối không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống; tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội.

Nổi bật

Mới nhất

Cùng tác giả

Vĩnh Phúc trao giải cuộc thi viết về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

(CLO) Chiều 18/12/2024, Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức trao giải Cuộc thi báo chí với chủ đề “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” tỉnh Vĩnh Phúc. ...

Ra mắt sản phẩm dịch vụ văn hoá Đế đô khảo cổ ký

(CLO) “Đế Đô khảo cổ ký” là dự án tiên phong trong việc kết hợp công nghệ và di sản, mở ra một mô hình khai thác bản quyền di sản để phát triển công nghiệp văn hóa. ...

Di tích quốc gia giữa lòng Hà Nội

(CLO) Tọa lạc tại số 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Hội quán Quảng Đông, hay còn gọi là Việt Đông hội quán, không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa. ...

Đài Hà Nội tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt mang tên “Khúc quân hành vang mãi non sông”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân, Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt mang tên “Khúc quân hành vang mãi non sông”...

Giai đoạn mới đáng sợ trong xung đột Ukraine?

(CLO) Theo đánh giá của các chuyên gia, sự việc Trung tướng Igor Kirillov của Nga bị sát hại trong vụ đánh bom ngay trên vỉa hè phủ đầy tuyết của một con phố dân cư tĩnh lặng ở Moscow có thể châm ngòi cho giai đoạn mới đầy nguy hiểm...

Bài đọc nhiều

Thủ tướng phát lệnh khởi công Vành đai 3 Tp.HCM và 2 tuyến cao tốc

Sáng 18/6, tại Tp.Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ và phát lệnh khởi công đồng loạt xây dựng 3 dự án giao thông quan trọng quốc gia. Đó là đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1). Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến...

Việt Nam lọt top điểm đến rẻ nhất thế giới năm 2024

Tạp chí du lịch nổi tiếng Condé Nast Traveler liệt kê 21 điểm đến rẻ nhất dành cho du khách năm 2024, trong đó có Việt Nam. Du khách bất ngờ nhận quà khi ghé thăm Đà Nẵng, Việt Nam vào đầu năm 2024. Ảnh: Thuỳ Trang Theo Condé Nast Traveler, nhiều yếu tố cần cân nhắc khi lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ, từ việc tìm địa điểm du lịch giá rẻ, sự an toàn của điểm đến cho tới các...

Lo đội nhà bị loại sớm ở AFF Cup, báo Indonesia cầu viện tuyển Việt Nam

(Dân trí) - Tờ Suara (Indonesia) đã lên tiếng cầu viện sự giúp đỡ của đội tuyển Việt Nam vì lo sợ đội nhà bị loại sớm ở AFF Cup 2024. Sau thất bại với tỷ số 0-1 trước đội tuyển Việt Nam vào hôm 15/12, Indonesia đối diện với nguy cơ bị loại. Họ đang xếp thứ hai bảng B với 4 điểm sau 3 trận đấu, hơn Philippines, Lào 2 điểm và hơn Myanmar 3 điểm. Tuy nhiên,...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lên đường thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước ta hôm nay rời Hà Nội, lên đường...

AFF Cup 2024: Cơ hội cho đội tuyển Việt Nam khắc chế Indonesia

HLV Kim Sang-sik cùng trợ lý đã theo dõi rất kỹ màn thể hiện của Indonesia để vạch ra con đường chiến thắng cho đội tuyển VN, trong trận đấu giữa hai đội vào ngày 15.12 trên Sân vận động Việt Trì (Phú Thọ). THIẾU SÓT CỦA INDONESIA Trận hòa 3-3 trước Lào là cú ngã đau đớn của đội tuyển Indonesia, ngay trước khi thầy trò HLV Shin Tae-yong bước vào trận quyết đấu với VN trên sân Việt Trì vào 20 giờ...

Cùng chuyên mục

Đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hạn chế xuất khẩu công nghệ cao

(ĐCSVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị USABC và các doanh nghiệp Hoa Kỳ có tiếng nói với chính quyền Hoa Kỳ ủng hộ việc tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư bền vững giữa hai nước; sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hạn chế xuất khẩu công nghệ cao. ...

Dự báo thời tiết 19/12/2024: Miền Bắc sáng sớm trời rét, trưa nắng hanh

Dự báo thời tiết 19/12/2024, miền Bắc tiếp tục chìm trong giá rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại vào đêm. Sáng sớm có sương mù nhẹ, ban ngày trời nắng hanh. Không khí lạnh vẫn tiếp tục bao trùm miền Bắc, mang theo cái rét đặc trưng của mùa đông. So với ngày 18/12, nhiệt độ ngày 19/12 không có nhiều biến động. Thủ đô chìm trong màn sương mờ vào buổi sáng sớm, một khung cảnh quen...

Chủ tịch Quốc hội trao nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị TP Hải Phòng

Chiều 18/12, TP Hải Phòng tổ chức hội nghị công bố nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị TP Hải Phòng và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố giai đoạn 2023-2025. ...

Tìm biện pháp giảm thiểu các kênh di cư không chính thức

(NLĐO)- Cần tăng cường hợp tác nhằm giảm thiểu các kênh di cư không chính thức, phòng, chống tội phạm đưa người di cư trái phép, mua bán người… ...

Vĩnh Phúc trao giải cuộc thi viết về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

(CLO) Chiều 18/12/2024, Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức trao giải Cuộc thi báo chí với chủ đề “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” tỉnh Vĩnh Phúc. ...

Mới nhất

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự báo, tổng hàng hoá dự trữ phục vụ dịp Tết toàn tỉnh tăng khoảng 10%, hiện các hệ thống bán lẻ đã tăng cường dự trữ hàng hóa. Cân đối nguồn hàng, bảo đảm phục vụ người dân Ngày 18/12, thông tin từ UBND tỉnh Bà...

Tìm biện pháp giảm thiểu các kênh di cư không chính thức

(NLĐO)- Cần tăng cường hợp tác nhằm giảm thiểu các kênh di cư không chính thức, phòng, chống tội phạm đưa người di cư trái phép, mua...

Vĩnh Phúc trao giải cuộc thi viết về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

(CLO) Chiều 18/12/2024, Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức trao giải Cuộc thi báo chí với chủ đề...

Dấu ấn công nghệ từ bàn tay người trẻ tại “ngày hội lớn” của thanh niên

NDO - Trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX tại Hà Nội từ ngày 16 đến 18/12, đã diễn ra Triển lãm “Thanh niên Việt Nam - Tự tin bước vào kỷ nguyên mới” với hàng loạt công trình, phát minh tiêu biểu của tuổi...

Hiệu trưởng 7x của Trường Đại học Giao thông Vận tải vừa được bổ nhiệm là ai?

Ngày 18/12, Trường Đại học Giao thông Vận tải long trọng tổ chức Lễ Công bố Quyết định công nhận Hiệu trưởng nhà trường nhiệm kỳ 2020-2025. ...

Mới nhất