Vân Cù là một ngôi làng nằm ven sông Bồ, nổi tiếng với nghề thủ công truyền thống làm bún có lịch sử lâu đời hàng trăm năm và nổi tiếng ở thành phố Huế, vẫn được duy trì và phát triển đến ngày nay. Đây cũng là địa phương duy nhất ở miền Trung tổ chức lễ tế vị tổ nghề là Bà Bún vào ngày 22 tháng Giêng.
Nghề làm bún Vân Cù không chỉ là một phương thức mưu sinh, mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây. Mỗi sợi bún không chỉ là kết tinh của gạo, nước và bàn tay khéo léo của người thợ, mà còn là sự tự hào, trân trọng của các thế hệ với nghề truyền thống cha ông.
Với những người Vân Cù, bún là một phần linh hồn của làng, là ký ức, là bản sắc văn hóa của họ. Với việc duy trì cùng những đóng góp quan trọng vào sự phát triển nghề và làng thủ công nghề truyền thống, năm 2014, làng nghề bún Vân Cù được công nhận là “làng nghề truyền thống” của tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế).
Bún Vân Cù thành phẩm được người dân trong làng và các đầu mối thu mua đưa đi giao khắp các chợ, quán ăn, nhà hàng trong địa bàn thành phố Huế, góp phần tạo nên thương hiệu cho món “bún bò Huế” nức tiếng gần xa.
Điều khiến cho sợi bún trở thành niềm tự hào của một làng quê, rồi trở thành một làng nghề truyền thống như Vân Cù ngày nay chính là ở chất lượng của bún Vân Cù đã gắn liền với những món ngon đặc trưng của xứ Huế; ở sự cần cù, chịu thương chịu khó của bao thế hệ người làng Vân Cù, góp vào một nguyên liệu chính yếu của kho tàng ẩm thực độc đáo xứ Huế.
TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Huế cho rằng, nghề làm bún Vân Cù phản ánh bản sắc địa phương, là tinh hoa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, các sản phẩm thủ công truyền thống nghề bún không chỉ là hàng hóa thuần túy kinh tế mà còn là mang tính sáng tạo và nghệ thuật, phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các cộng đồng người dân Vân Cù.
“Bên cạnh giá trị kinh tế, bún Vân Cù còn mang các giá trị tinh thần của nghề làm bún gắn với đời sống của cư dân, cảnh quan làng xã, môi trường sống, cùng các hệ thống giá trị và chuẩn mực, lối sống, phong tục tập quán, lễ hội, lễ tế Bà Bún,… tạo thành một “bảo tàng sống” về truyền thống văn hóa” - ông Hải nói.
Ông Đỗ Ngọc An - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho biết, Nghề làm bún Vân Cù được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ tôn vinh một nghề truyền thống, mà còn là sự ghi nhận những giá trị văn hóa của vùng đất này. Đây là vinh dự, cũng là trách nhiệm để nghề làm bún phát triển, thích nghi với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ được những giá trị truyền thống.
Thời gian tới, chính quyền địa phương và bà con làng Vân Cù tiếp tục chung tay bảo tồn, kết hợp giữa truyền thống và sáng tạo, giữa giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng; phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, cộng đồng và du khách, trong đó lấy người dân là chủ thể để phát triển du lịch cộng đồng.
“Việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa từ các làng nghề truyền thống không chỉ là nhiệm vụ của riêng các nghệ nhân mà cần sự chung tay của cả cộng đồng. Khi mỗi sản phẩm làng nghề được trân trọng, mỗi chuyến tham quan làng nghề được tổ chức, đó chính là cách chúng ta góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc”, ông An khẳng định.
Theo UBND xã Hương Toàn, làng Vân Cù hiện có khoảng 100 hộ làm bún với hơn 300 lao động thường xuyên và một bộ phận đáng kể tham gia vào các dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm. Hiện mỗi ngày, làng Vân Cù sản xuất từ 25-28 tấn bún. Những dịp lễ Tết, sản lượng có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3, 4 lần.
Ngày 19/2, tại thôn Vân Cù - Nam Thanh (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, thành phố Huế) đã diễn ra Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bún Vân Cù. Trước đó, ngày 10/12/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định đưa nghề thủ công truyền thống “Nghề làm bún Vân Cù” vào Danh mục Quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể.
Nguồn: https://daidoanket.vn/tinh-hoa-cua-lang-van-cu-10300305.html
Bình luận (0)