Mùa Xuân đến, cùng với sự bừng sắc của muôn loài cỏ cây, hoa lá, xua đi cái lạnh giá buốt của mùa Đông, truyền hơi ấm của đất trời vào lòng người, khiến ai cũng vui tươi, phấn khởi. Thời điểm này, các lễ hội làng trên khắp vùng Đất Tổ đang diễn ra. Đây là một trong những hoạt động văn hóa tâm linh mang tính cộng đồng, thể hiện lòng tri ân của con cháu với các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc qua các thời kỳ lịch sử, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tham gia tranh tài của đôi đô vật tại Lễ hội vật đuổi giải đình Vĩnh Mộ năm 2025.
Gắn kết tình làng
Đình Vĩnh Mộ, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh được Nhà nước xếp hạng công nhận năm 1998. Đình thờ đương cảnh Thành hoàng là Nguyễn Văn Kỳ - một danh tướng thời Hùng Vương. Sau khi có công giúp vua dẹp giặc, ngài về đây chiêu dân lập ấp khai khoang đất đai, thành làng Vĩnh Tề (Cao Xá) ngày nay- vùng đất địa linh anh kiệt nằm trên tả ngạn sông Thao bốn mùa cây cối tốt tươi.
Tự hào với những di sản vô giá mà cha ông đã để lại, người dân làng Vĩnh Tề luôn chú trọng việc giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu. Trong đó có gìn giữ Lễ hội vật đuổi giải đình Vĩnh Mộ - một nét đẹp của phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân địa phương.
Theo truyền thống, hằng năm, vào ngày 6 và 7 tháng Giêng, những người con quê hương lại nô nức tụ hội để được hòa mình vào không gian của Lễ hội vật đuổi giải đình Vĩnh Mộ. Năm nay, Đảng bộ, chính quyền xã Cao Xá cùng Nhân dân làng Vĩnh Tề đã vinh dự và tự hào khi Lễ hội vật đuổi giải đình Vĩnh Mộ được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Trong không khí vui tươi, phấn khởi, dòng người nườm nượp kéo về hội lễ, trong đó có những người con đi làm ăn xa trở về, gặp mặt người thân, bạn bè với tiếng cười rộn rã như mùa Xuân tràn đầy sức sống. Ai cũng cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, bình an, no ấm. Để tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách thập phương, Ban Tổ chức Lễ hội vật đuổi giải đình Vĩnh Mộ chuẩn bị mọi điều kiện, đảm bảo phù hợp với truyền thống văn hóa, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.
Đồng chí Tạ Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Cao Xá, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Lễ hội cho biết: Mục tiêu của Lễ hội vật đuổi giải đình Vĩnh Mộ là tưởng nhớ những trận chiến của quân sĩ năm xưa, đồng thời thể hiện tinh thần thượng võ của người dân địa phương. Hội vật đuổi giải đình Vĩnh Mộ có đặc trưng khác với tất cả các hội vật khác trên cả nước. Đuổi giải chính là nét đặc biệt làm cho hội vật Vĩnh Mộ trở nên độc nhất vô nhị, luôn thu hút, lôi cuốn các trai tráng trong xã, các vùng lân cận và du khách thập phương tìm về để đua tài, đọ sức, là dịp thử sức đầu năm để mong lấy cái may mắn, sức khỏe, hanh thông trong năm mới.
Phú Thọ - mảnh đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, giàu di sản văn hóa trên từng khu vực địa lý hành chính. Toàn tỉnh hiện đang duy trì hoạt động 315 lễ hội (311 lễ hội truyền thống; 4 lễ hội văn hóa), tập trung chủ yếu vào 3 tháng mùa Xuân. Lễ hội ở Phú Thọ phần lớn là hội làng song nhiều lễ hội có tầm ảnh hưởng, có sức lan tỏa trong một vùng rộng lớn, điển hình như Lễ hội Đền Hùng mang tính cả nước được kết tinh từ nét đẹp các hội làng của vùng Đất Tổ. Các lễ hội là dịp để những di sản văn hóa độc đáo, đặc sắc, mang đậm tính cội nguồn được các cộng đồng thực hành, trình diễn... thu hút hàng vạn người dân, du khách thập phương về dự, chiêm bái.
Qua việc tổ chức các lễ hội đã góp phần củng cố, gắn kết cộng đồng làng xóm, đó là trong phần lễ, phần hội, mọi người dân trong làng đều có trách nhiệm đóng góp sức người, sức của, cùng nhau tham gia trình diễn, sáng tạo, thưởng thức và hưởng thụ các giá trị văn hóa.
Hằng năm, vào dịp mùng 10/3 (âm lịch), xã Hùng Lô, TP Việt Trì cùng Nhân dân tổ chức Lễ hội đình Hùng Lô để tưởng nhớ tri ân công đức Vua Hùng.
Phát huy những giá trị truyền thống
Các lễ hội dân gian truyền thống - hội làng vùng Đất Tổ thường được gắn với không gian tâm linh và thực hiện các nghi lễ mang đậm giá trị văn hóa truyền thống. Người đi hội làng trước hết là được trở về với cội nguồn, bày tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân, gửi gắm khát vọng vươn lên, nhằm thực hiện nhu cầu tâm linh, cầu phúc, cầu lộc, cầu bình an, hạnh phúc...
Để khơi dòng chảy cho các lễ hội truyền thống, hằng năm, thực hiện chỉ đạo của Sở VHTT&DL, Phòng VH&TT các huyện, thị, thành đã chủ động tham mưu với UBND cùng cấp chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, Nhân dân và du khách trong việc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý, tổ chức lễ hội, đảm bảo phù hợp với truyền thống văn hóa, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.
Theo đó, lễ hội đều được tổ chức có quy mô: Phần lễ được thực hiện trang nghiêm, đúng nghi thức truyền thống; phần hội đa dạng, phong phú với các trò chơi dân gian, truyền thống... Đồng thời, trong một số lễ hội có tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng và nhiều dịch vụ, bán hàng lưu niệm, ẩm thực địa phương... để đáp ứng nhu cầu của đông đảo Nhân dân, du khách.
Nhằm bảo tồn, phát huy, tôn vinh giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh, hằng năm, Sở VHTT&DL xây dựng kế hoạch chi tiết về việc lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có loại hình lễ hội truyền thống.
Từ năm 2020-2024, Sở đã lập hồ sơ khoa học 5 lễ hội trình Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: Lễ hội đền Vân Luông phường Vân Phú, TP Việt Trì; lễ hội đình Hùng Lô, xã Hùng Lô, TP Việt Trì; Lễ hội rước Chúa Gái thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao; lễ hội đền Du Yến, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba; Lễ hội vật đuổi giải đình Vĩnh Mộ, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao.
Năm 2025, Sở VHTT&DL tiếp tục triển khai lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh đối với Lễ hội Cướp kén xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, đang đề nghị Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025.
Triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Sở VHTT&DL đã tiến hành công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, tiêu biểu như: Lễ hội đình Ngọc Tân, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng; lễ hội đình Khoang, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn; lễ hội truyền thống Tết cơm mới của người Mường, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy...
Thị trấn Hùng Sơn tổ chức Lễ hội rước Chúa Gái làng Vi- làng Trẹo (Lễ hội làng He xưa) năm Ất Tỵ.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đắc Thủy- Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Các lễ hội truyền thống luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền và sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo Nhân dân. Thông qua việc tổ chức các lễ hội đã góp phần duy trì thực hành, truyền dạy và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương; khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống cộng đồng đương đại. Để từ đó tỉnh tiếp tục có các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị lễ hội làng truyền thống, đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý di sản văn hóa của tỉnh.
Anh Thơ
Nguồn: https://baophutho.vn/luu-giu-truyen-thong-qua-le-hoi-lang-227924.htm
Bình luận (0)