Tin tức đáng chú ý: Thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM; Ai được miễn giảm tiền thuê đất?...
Sẽ xây dựng Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP.HCM
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 28 ngày 8-2 về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM.
Cũng trong ngày 8-2, Chính phủ ban hành Nghị quyết 29 thông qua dự thảo Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Trong đó, Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.
Theo quy hoạch chung, đến năm 2035 TP.HCM hoàn thành khoảng 183 km; đến năm 2045 hoàn thành thêm khoảng 168 km; đến năm 2060 hoàn thành thêm khoảng 159 km.
Sau khi hoàn thành, mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội có khả năng đảm nhận 35-40% thị phần; TPHCM đảm nhận 30-40% thị phần vận tải hành khách công cộng. Mặt khác, nếu được chuyển giao công nghệ thích hợp, Việt Nam có khả năng phát triển công nghiệp đường sắt, việc phát triển đường sắt đô thị là một trong các tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.
Ai được miễn giảm tiền thuê đất?
Theo dự thảo nghị định quy định các trường hợp được miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất trong điều 157 Luật Đất đai, dự kiến miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được giao trong hạn mức giao đất ở trong các trường hợp sau:
a) Giao đất để bố trí tái định cư hoặc giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân trong các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ, theo quyết định của Thủ tướng về việc điều chỉnh, bổ sung đối tượng và cơ chế vay vốn xây dựng nhà ở thuộc chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long.
b) Giao đất cho các hộ dân làng chài, dân sống trên sông nước, đầm phá di chuyển đến định cư tại các khu, điểm tái định cư theo quy hoạch, kế hoạch và dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, miễn tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê đối với trường hợp sử dụng đất để xây dựng trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp;
Miễn tiền thuê đất đối với diện tích nhà, đất phục vụ đối ngoại giao cho đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại để cho các tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê theo chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước.
Miễn tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; Miễn tiền thuê đất 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư.
Miễn tiền thuê đất 11 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 5 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp có dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Miễn tiền thuê đất 5 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 10 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa.
Miễn, giảm tiền thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối mà bị thiên tai, hỏa hoạn. Trường hợp thiệt hại dưới 40% sản lượng, được xét giảm tiền thuê đất theo tỷ lệ % tương ứng với tỷ lệ % thiệt hại.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khắc phục thiếu sót trong cải cách thủ tục hành chính
Bộ Y tế vừa ban hành Chỉ thị số 4 về tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo kết luận thanh tra số 2555 ngày 6-12 của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế vẫn còn một vài điểm cần được khắc phục. Để thực hiện tốt, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế tập trung triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
- Thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát TTHC: Đảm bảo việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến TTHC tuân thủ đúng quy định, tránh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
- Công khai, minh bạch TTHC: Tất cả các TTHC liên quan đến lĩnh vực y tế sẽ được công bố rõ ràng, minh bạch trên Cổng dịch vụ công của Bộ Y tế, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
- Ứng dụng công nghệ số: Tăng cường triển khai các dịch vụ công trực tuyến, giảm bớt các thủ tục giấy tờ không cần thiết, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.
- Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, cán bộ thực hiện TTHC: Yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện đầy đủ, đúng hạn các chỉ đạo liên quan đến cải cách TTHC, đồng thời chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ, gây khó khăn cho người dân.
Chỉ thị cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự phối hợp giữa Bộ Y tế với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ, để đảm bảo quá trình cải cách TTHC đạt hiệu quả cao nhất.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tin-tuc-sang-9-2-se-thi-diem-co-che-dac-thu-phat-trien-duong-sat-do-thi-tai-ha-noi-tp-hcm-20250208220818165.htm
Bình luận (0)