Người lao động làm việc trong nhà máy sản xuất tinh dầu của doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh: JULYHOUSE
Hãng vận tải kiểm tra kỹ nguồn gốc sản phẩm
Theo sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7-2, Mỹ sẽ tạm thời cho phép các gói hàng nhỏ lẻ, giá trị thấp từ Trung Quốc được miễn thuế cho đến khi Bộ Thương mại Mỹ có thể xác nhận việc đã hình thành các thủ tục và hệ thống để thông quan các gói hàng loại này và thu thuế.
Gần 10h sáng 8-2, Công ty cổ phần giao nhận vận tải hàng hóa toàn cầu HP (HPW) đã thông báo với khách hàng về việc kiểm tra hàng hóa có liên quan đến xuất xứ Trung Quốc.
Thực tế, các quy định về vấn đề áp thuế nhập khẩu từ Mỹ như áp thêm 10% thuế, tạm ngừng áp thuế với hàng dưới 800 USD, sẽ ảnh hưởng lớn đến thời gian và quy trình thông quan hàng thương mại điện tử vào quốc gia này.
Theo HPW, các đơn hàng "Made in China", nếu được gửi từ nước khác ngoài Trung Quốc vào Mỹ theo diện thương mại điện tử sẽ bị phạt 5.000 USD/đơn hàng. Đồng thời, thuế suất cũng sẽ được áp dụng tương tự như hàng gửi trực tiếp từ Trung Quốc.
Để kiểm soát và không ảnh hưởng đến lượng hàng đi từ Việt Nam, hãng giao nhận vận tải này sẽ triển khai các hoạt động như kiểm tra xác suất hàng hóa, kiểm tra tem mác, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Đồng thời, hãng sẽ đảm bảo hàng hóa không có nguồn gốc liên quan đến Trung Quốc hoặc "Made in China" cũng như gửi trả lại sản phẩm có tem mác tiếng Trung.
Nếu phát hiện sản phẩm có tem mác hoặc chữ Trung Quốc, HPW sẽ gửi trả lại toàn bộ hàng.
Việc này nhằm tránh rủi ro vi phạm quy định của Chính phủ Mỹ, đảm bảo hàng hóa từ Việt Nam không bị áp thuế như hàng Trung Quốc.
Không thể cạnh tranh với hàng sản xuất hàng loạt
Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng được dự đoán vẫn là khu vực chịu "tổng lực xả hàng" của các sản phẩm đa dạng chủng loại và giá cả từ công xưởng sản xuất của thế giới.
Cùng với đó, xu hướng hợp tác thông qua liên doanh và mua bán & sáp nhập (M&A) giữa doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam sẽ gia tăng.
Những năm gần đây, hàng hóa từ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam với tốc độ ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt thông qua các nền tảng thương mại điện tử như Temu, Shein, 1688, Alibaba, Shopee và TikTok Shop.
Điều này đã đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước, vốn đã phải vật lộn với bài toán chi phí, thương hiệu và tâm lý tiêu dùng chuộng hàng giá rẻ.
Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Đào Thế Vinh - sáng lập thương hiệu thời trang Midori - cho biết trong năm 2024, nhiều nhà bán hàng và start-up đã phải xả hàng và giảm giá sâu xuống còn 99.000 đồng cho các sản phẩm như áo thun, chấp nhận lỗ để cạnh tranh với Trung Quốc.
Kết quả là họ cạn vốn và không thể thanh toán nợ cho các nhà máy nhỏ, dẫn đến cả cụm doanh nghiệp bao gồm nhà bán hàng và nhà sản xuất bị phá sản. Theo ông Vinh, điều này cho thấy rõ tác động của việc không thể cạnh tranh về giá với Trung Quốc, đặc biệt đối với các sản phẩm thuộc phân khúc đại chúng như áo thun.
Các áo thun từ nước ngoài được bán thông qua sàn tại Việt Nam với mức giá khoảng 87.000 đồng, trong khi sản phẩm cùng loại của Midori là 149.000 đồng - Ảnh chụp màn hình
Còn theo ông Trần Lâm - sáng lập thương hiệu Julyhouse, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các thương hiệu nội địa, đang đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt. Một trong những khó khăn lớn nhất là giá cả. Các sản phẩm như mỹ phẩm, tinh dầu, đồ gia dụng nhập từ Trung Quốc có mức giá thấp nhờ quy mô sản xuất khổng lồ và tối ưu hóa chi phí.
Ví dụ, một chai tinh dầu thiên nhiên nhập từ Trung Quốc chỉ có giá từ 30.000 - 50.000 đồng, trong khi một sản phẩm tương tự từ thương hiệu Việt lại có giá 60.000 - 80.000 đồng do chênh lệch về chi phí sản xuất, kiểm định và vận hành.
Không chỉ chịu áp lực từ giá, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn trước tâm lý người tiêu dùng ngày càng bị ảnh hưởng bởi những lựa chọn rẻ hơn.
"Người tiêu dùng Việt Nam có thói quen so sánh giá, khiến các thương hiệu nội địa như Julyhouse gặp khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng chọn sản phẩm chất lượng thay vì hàng rẻ", ông Lâm chia sẻ.
Yếu tố thúc đẩy xu hướng hàng hóa Trung Quốc tràn ngập các thị trường
Theo ông Trần Lâm, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới giúp hàng Trung Quốc dễ dàng tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng Đông Nam Á mà không cần thông qua các kênh nhập khẩu truyền thống.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tại Trung Quốc vẫn duy trì ở mức cạnh tranh nhờ vào chuỗi cung ứng quy mô lớn và hệ thống sản xuất tự động hóa cao.
Dù phải chịu thuế nhập khẩu, giá thành sản phẩm của họ vẫn thấp hơn so với hàng sản xuất tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Không chỉ có lợi thế về sản xuất, Trung Quốc còn đầu tư mạnh vào hệ thống logistics xuyên biên giới và có những kho hàng lớn đặt sát biên giới Việt Nam, như ở Lạng Sơn và Quảng Ninh.
"Từ năm 2024, các nhà bán hàng nhỏ hầu như đã không còn tồn tại trên các sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, các nhà máy lớn có đủ khả năng sẽ chuyển sang tự sản xuất và tự kinh doanh. Mô hình bán trực tiếp đến người tiêu dùng ngày càng trở nên rõ nét hơn từ năm 2025", ông Đào Thế Vinh nhận định.
Tuoitre.vn
Bình luận (0)