Ám ảnh nhất với anh Thái Tiến Dũng, 43 tuổi, trong suốt 17 năm mỗi lần vợ mang thai, là câu “đình chỉ thai kỳ” của bác sĩ.
Cưới nhau từ 2006, trong ba năm, vợ anh Dũng (ngụ TP HCM) sảy thai đến hai lần, không rõ nguyên nhân. 5 năm sau, gia đình đón con trai đầu lòng, nhưng niềm vui nhanh chóng vụt tắt.
Ngày mất con, anh giấu vợ, lẳng lặng về nhà dọn sạch đồ sơ sinh mua trước đó. Vợ anh, vết mổ sau sinh vừa cắt chỉ, đã phải từ biệt núm ruột mới chào đời 14 ngày.
“Bé không thể sống”, anh Dũng kể. Con anh qua đời vì xuất huyết não do rối loạn bẩm sinh hiếm gặp, được xác định là thiếu yếu tố đông máu số 7.
Vợ chồng anh cùng mang đột biến gene lặn – trường hợp rất hiếm, 300.000-500.000 người mới có một ca. Con sinh ra có 25% khả năng bị thiếu yếu tố đông máu. Nhẹ thì xuất huyết tiêu hóa, nặng thì chảy máu não, khó sống sót ngay từ những tháng đầu sau sinh. Con anh Dũng rơi vào 25% này.
Kể từ đó, họ bước vào một thập kỷ lặn lội ngược xuôi để thực hiện hóa giấc mơ được làm cha mẹ. Vợ chồng anh lẽ ra đã có 7 đứa con, nếu tất cả đều được ra đời trọn vẹn.
Hai năm sau khi mất đứa con đầu, vợ anh mang thai lần thứ tư, nhưng căn bệnh cũ vẫn đeo bám. Thương vợ, anh nghe theo lời khuyên của bác sĩ, đồng ý đình chỉ thai kỳ.
Không từ bỏ hy vọng, năm 2015, vợ anh mang bầu lần thứ năm. Khi thai nhi 16 tuần, bác sĩ lại phát hiện tình trạng tương tự, một lần nữa khuyên chấm dứt thai kỳ. Nhưng lần này, anh chị quyết tâm giữ con.
“Chúng tôi chấp nhận đánh đổi để có được cảm giác bế con trên tay, dù không lành lặn, hoặc không sống được bao lâu”, anh nói. Bốn lần mất con, họ khao khát có một đứa trẻ.
Hai tuổi, bé sống “như một cái cây”, chỉ nằm yên một chỗ để truyền máu, không thể nói chuyện. Vợ chồng anh bán nhà, chuyển đến ở gần bệnh viện để chạy chữa cho con. Nhưng tất cả đổ sông đổ bể. Bé dần suy kiệt và rời bỏ mẹ cha khi mới 4 tuổi. Một lần nữa, anh chị phải tiễn biệt khúc ruột của mình.
Tỷ lệ vô sinh hiếm muộn của các đôi vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam là 7,7% – khoảng một triệu cặp, theo Bộ Y tế. Trong đó, hơn 50% là hiếm muộn thứ phát, tức đã có thai hoặc đẻ con ít nhất một lần nhưng không thể có con tiếp, tăng 15-20% mỗi năm. Anh Dũng và vợ nằm trong số này. Khác với những đôi vợ chồng vô sinh nguyên phát (không mang thai sau một năm chung sống), gia đình anh đối diện với hoàn cảnh oái oăm hơn: có bầu, nhưng không dám sinh con.
Nỗi khao khát có con của những cặp vợ chồng như anh Dũng là động lực nuôi dưỡng ngành điều trị hiếm muộn phát triển ba thập kỷ qua, trở thành nền công nghiệp triệu USD tại Việt Nam.
“Mỗi lần tư vấn hai vợ chồng chấm dứt thai kỳ thật sự rất khó, bởi tôi biết vợ Dũng vô cùng mong muốn được làm mẹ. Sau khi mất con, hai vợ chồng đều trầm cảm, tôi kêu đi điều trị đi, rồi quay lại làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Ít nhất vẫn còn có hy vọng”, bác sĩ Quách Thị Hoàng Oanh (Phó khoa Xét nghiệm di truyền y học, Bệnh viện Từ Dũ) – người điều trị cho vợ chồng anh Dũng từ năm 2011, cho biết.
IVF là phương pháp hỗ trợ sinh sản bằng cách kết hợp tinh trùng của chồng và trứng của vợ trong phòng thí nghiệm, rồi đưa phôi vào tử cung để bắt đầu thai kỳ. Đây là kỹ thuật trung tâm giải quyết hầu hết nguyên nhân vô sinh tại Việt Nam.
Anh Dũng tìm hiểu cách xử lý các ca tương tự trên thế giới, và biết kỹ thuật chuyên sâu của IVF giúp “đọc” bất thường trong gene và nhiễm sắc thể, gọi là chẩn đoán di truyền trước làm tổ (PGT). Nhờ đó, bác sĩ có thể sàng lọc và chọn ra phôi khỏe mạnh, không có gene bệnh di truyền, để chuyển vào tử cung người mẹ. Anh tính đưa vợ sang Malaysia điều trị.
Nhưng, may mắn đã mỉm cười với anh chị. Cuối năm 2019, Bệnh viện Từ Dũ đạt bước tiến mới trong công nghệ IVF khi lần đầu tiên thực hiện thành công PGT, mở ra cánh cửa hy vọng cho hai vợ chồng. Lần đầu, bác sĩ chỉ chọn được một phôi, song thất bại. Không nản lòng, một năm sau, khi anh Dũng đã ngoài 40, còn vợ bước sang tuổi 39, họ quyết tâm thử thêm lần nữa.
“Vợ chồng tôi không bỏ cuộc”, anh nói.
Chọn được hai phôi để đặt vào tử cung mẹ, cả bác sĩ, bệnh nhân đều hồi hộp. Tuần thứ 16, xét nghiệm nước ối cho thấy phôi tuy không hoàn toàn bình thường nhưng đều mang gene lặn giống cha mẹ, tức bé có thể sinh ra và lớn lên khỏe mạnh. Hai năm sau khi mất đứa con thứ năm, họ lại nuôi hy vọng.
Tháng 5/2022, bé chào đời, vợ chồng anh một lần nữa được làm cha mẹ. Ngày bế con trên tay, họ không dám tin.
“Chỉ có lần này tôi được ôm con khỏe mạnh về nhà”, anh Dũng không giấu được xúc động, nói về thời điểm trút bỏ được gánh nặng kéo dài cả thập kỷ. Tổng cộng, gia đình anh tốn hơn 2 tỷ đồng cho giấc mơ làm cha mẹ.
Con anh Dũng nằm trong số hơn 16.300 “em bé ống nghiệm” chào đời trong 30 năm qua nhờ công nghệ IVF tại Bệnh viện Từ Dũ – nơi đặt nền móng cho ngành điều trị hiếm muộn tại Việt Nam.
“Hồi đó IVF là một khái niệm xa lạ, bị phản đối kịch liệt, vì nhà nước đang chú trọng kế hoạch hóa gia đình, ngừa thai, triệt sản”, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ) kể.
Tiếp xúc hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn từ những năm 1980, bác sĩ Phượng thấy vô sinh giống như lời nguyền đeo bám người phụ nữ, ảnh hưởng nặng nề đến hạnh phúc gia đình. Bà quyết định ngược dòng dư luận, tìm cách đưa công nghệ chữa hiếm muộn về Việt Nam.
Năm 1994, bà được tiếp cận IVF tại Pháp, tự bỏ tiền mua máy móc, mời đoàn chuyên gia về nước hỗ trợ. Bốn năm sau, ba “em bé ống nghiệm” đầu tiên ra đời, đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho ngành điều trị hiếm muộn.
Từ một lĩnh vực bị phản đối, IVF phát triển bùng nổ từ Nam ra Bắc, trở thành phương pháp hỗ trợ sinh sản hàng đầu cả nước. Hơn 10 năm trước, Việt Nam có 18 cơ sở thực hiện kỹ thuật IVF và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Từ năm 2010, con số này tăng liên tục mỗi năm và hiện có 51 đơn vị.
Theo Bộ Y tế, tỷ suất sinh có sự can thiệp của hỗ trợ sinh sản tăng từ 2,11 năm 2010 lên 2,29 năm 2020 – tức bình quân một phụ nữ làm hỗ trợ sinh sản thì có 2,29 bé chào đời.
Quá trình hình thành và bản đồ 51 cơ sở y tế thực hiện IVF tại Việt Nam
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM (HOSREM), cho biết mỗi năm Việt Nam thực hiện hơn 50.000 trường hợp IVF mới, cao hơn nhiều nước. Còn ông Nguyễn Viết Tiến (Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế) dựa trên thống kê xã hội học, ước tính mỗi năm Việt Nam có 1-1,4 triệu trẻ em ra đời, trong đó khoảng 3% (30.000-42.000 bé) bằng IVF.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ này, theo bác sĩ Nguyễn Việt Quang (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, Bệnh viện Phụ sản Trung ương), bắt nguồn từ ba lý do. Thứ nhất, số lượng trung tâm IVF “nở rộ” từ Nam ra Bắc giúp các cặp vợ chồng dễ tiếp cận với phương pháp hỗ trợ sinh sản hơn. Thứ hai, tỷ lệ vô sinh do bệnh lý ngày càng tăng ở cả nam và nữ, cùng với môi trường làm việc phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, đã làm tăng nguy cơ hiếm muộn.
Cuối cùng là sự phát triển du lịch y tế. Việt Nam đang nổi lên như điểm đến hứa hẹn cho du khách muốn được điều trị y tế, trong đó có chữa hiếm muộn, làm đẹp… do chi phí phù hợp, dịch vụ tốt. Các hãng du lịch cũng hợp tác với bệnh viện, phòng khám để thiết kế tour nhằm quảng bá chất lượng của các cơ sở này.
Mỗi lần chuyển phôi hiện có giá 70-100 triệu đồng. Chi phí giữa bệnh viện công và tư tương đương nhau bởi đây là ngành khá cạnh tranh. Trung bình, một cặp vợ chồng chuyển phôi 1-2 lần sẽ thành công, nhưng không ít trường hợp phải làm nhiều hơn. Ngoài IVF, mỗi kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cũng có chi phí và tỷ lệ thành công khác nhau như di truyền, sàng lọc kết hợp, IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung), ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương noãn), IVM (kỹ thuật trưởng thành trứng non trong ống nghiệm), trữ lạnh phôi, tinh trùng… Tuy nhiên, hầu hết kỹ thuật IVF của Việt Nam đều có chi phí thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Chi phí điều trị các kỹ thuật IVF tại Việt Nam và một số nước khác
Sau ba thập kỷ, doanh thu quốc gia của ngành IVF năm 2022 đạt hơn 132 triệu USD, dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 7,47%, theo báo cáo của Research and Market (công ty nghiên cứu thị trường quốc tế của Mỹ). Tỷ lệ này cao hơn kỳ vọng tăng trưởng 5,72% mỗi năm của thị trường IVF toàn cầu từ nay đến 2030. Báo cáo cũng đưa ra dự báo giá trị thị trường của Việt Nam vào năm 2028 có thể lên tới gần 203 triệu USD.
“Điều trị hiếm muộn của Việt Nam đang trở thành ngành công nghiệp triệu đô, được đánh giá tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2023-2027”, bác sĩ Nguyễn Việt Quang nói. Hệ thống trung tâm điều trị hiếm muộn của Việt Nam hiện thuộc top đầu Đông Nam Á (ASEAN) về số ca, và tỷ lệ thành công trên số chu kỳ làm IVF lên tới 40-50%, tăng ba lần so với giai đoạn đầu (10-13%). Tỷ lệ trên thế giới hiện là 40-43%.
Số ca IVF giữa Việt Nam và một số nước trên thế giới
Theo nguyên thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến, nhiều bệnh nhân hiếm muộn nước ngoài đã chọn Việt Nam làm điểm đến vì kinh phí rẻ. Mới đây, ông điều trị thành công cho đôi vợ chồng quốc tịch Nam Phi ngoài 40 tuổi. Người vợ bị rối loạn chức năng phóng noãn, tắc vòi trứng, phải nhờ đến công nghệ IVF. Họ vừa đón con đầu lòng. Trước đó, một đôi vợ chồng người Lào làm IVF không thành công ở Thái Lan, tới Việt Nam chữa trị và cũng có tin vui ngay lần đầu chuyển phôi.
Từ góc nhìn chuyên môn, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (Khoa Y, Đại học Y Dược TP HCM) cho biết rất nhiều Việt kiều đã về làm IVF vì Việt Nam có kỹ thuật chuyên sâu, thậm chí dẫn đầu thế giới về IVM. Việt Nam cũng là nước có số lượng công bố khoa học quốc tế nhất khu vực, nhiều bác sĩ, chuyên viên các nước khác sang học hỏi.
“Nếu đánh giá theo khía cạnh kinh tế, điều trị hiếm muộn là một ngành rất tiềm năng”, bác sĩ Lan nói.
Tuy nhiên, dù kỹ thuật tốt, tổng chi phí mỗi lần chuyển phôi làm IVF chỉ bằng 20-50% các nước trong khu vực, nhưng Việt Nam vẫn không phải điểm đến hấp dẫn trên bản đồ điều trị hiếm muộn quốc tế. Nguyên nhân được cho là ngành du lịch y tế chưa được đầu tư và quy hoạch để phát triển đồng bộ, chủ yếu tự phát theo nhu cầu và tiềm năng.
Dẫn số liệu thống kê, bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho biết, hàng năm Việt Nam có khoảng 400 người nước ngoài đến khám và điều trị hiếm muộn tại các bệnh viện, trung tâm y tế (chiếm 1-2%).
Con số này thấp hơn nhiều so với Thái Lan, nơi có 60-70% bệnh nhân làm IVF là người ngoại quốc. Tổng cục Du lịch Thái Lan từng công bố dịch vụ thụ tinh nhân tạo đã giúp nước này có thêm ít nhất 20 tỷ baht (khoảng 611 triệu USD) trong năm 2018 nhờ phát triển du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp điều trị IVF. Tương tự, tại Malaysia, ước tính 30-40% trường hợp IVF là người nước ngoài.
Còn Trung Quốc – nơi cung cấp hơn một triệu chu kỳ IVF với khoảng 300.000 em bé được thụ thai mỗi năm, tuyên bố sẽ xây dựng cơ sở cung cấp IVF cho 2,3 đến 3 triệu người vào năm 2025. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh quốc gia tỷ dân đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức khi tỷ lệ sinh quá thấp.
Trong tương lai, Việt Nam có nguy cơ đối mặt với thách thức giống Trung Quốc khi 30 năm qua, mức sinh giảm gần một nửa, từ 3,8 con mỗi phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,01 con vào năm 2022. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao trên toàn cầu và ngày càng trẻ hóa, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dự báo năm 2050, số người trên 60 tuổi sẽ chiếm 1/4 dân số, đặt ra bài toán tăng dân số để cân bằng lực lượng lao động.
Xu hướng giảm tỷ lệ sinh của Việt Nam và Trung Quốc 70 năm qua
Dù chi phí IVF tại Việt Nam rẻ hơn so với thế giới, các chuyên gia cho rằng mức giá này vẫn quá sức với nhiều cặp vợ chồng có thu nhập thấp. Một lần điều trị có chi phí tương đương thu nhập bình quân đầu người một năm (năm 2022 là gần 100 triệu đồng). Trong khi, một ca thành công có thể phải chuyển phôi nhiều lần, tức tiêu tốn vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Phòng làm việc rộng 30 m2 của anh Nguyễn Thái Mạnh (37 tuổi, Hà Nội) chất đầy những tập giấy khám chữa bệnh dày cộp, được xếp ngay ngắn. Chúng nhắc nhở vợ chồng anh về hành trình 6 năm điều trị vô sinh.
Ba năm sau kết hôn, vợ chồng anh mới phát hiện không thể có con tự nhiên. Uống nhiều loại thuốc bổ nhưng vô ích, họ đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản Quốc gia, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khám. Vợ anh được xác định tắc vòi trứng, phải can thiệp bằng phẫu thuật. Niềm vui mỉm cười khi một năm sau, họ đón đứa con đầu lòng.
Hành trình tìm con thứ hai gặp nhiều gian nan. Năm 2016, anh chị muốn sinh con tự nhiên nhưng nhiều lần thất bại. Bác sĩ chẩn đoán vô sinh không rõ nguyên nhân. Hai vợ chồng tìm đến IVF. Từ đó, mỗi năm họ tới viện làm thụ tinh nhân tạo một lần, có năm hai lần.
Trong 6 năm, tổng cộng vợ anh Mạnh 7 lần chuyển phôi (70-100 triệu đồng/lần), song đều thất bại. “Không phải muốn và có tiền là làm được ngay. Vất vả vô cùng”, anh Mạnh nói.
Năm 2022, anh xác định đây là lần cuối làm IVF, bởi vợ đã gần 40 – độ tuổi không còn lý tưởng cho sinh sản. Phôi trữ đông của hai người cũng chỉ còn đủ cho một lần chuyển vào tử cung. May mắn mỉm cười ở lần thứ 8, vợ anh mang bầu và sinh một bé gái xinh xắn.
Gia đình anh Mạnh tốn tổng cộng gần một tỷ đồng để “tìm” con, trong khi vợ chồng anh Dũng mất hơn 2 tỷ trong 10 năm điều trị hiếm muộn. Giấc mơ làm cha mẹ không hề rẻ với những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, cả về vật chất lẫn tinh thần.
“Chi phí điều trị bệnh này tại Việt Nam thấp hơn nhiều nước, song vẫn là rào cản rất lớn với các bệnh nhân”, nguyên thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhìn nhận.
Nghịch lý là, bệnh nhân điều trị các bệnh như mổ bóc u xơ mà không có nhu cầu sinh con thì được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, nhưng nếu kèm theo điều trị vô sinh thì phải tự thanh toán toàn bộ chi phí. BHYT hiện không hỗ trợ bất cứ kỹ thuật nào trong quy trình điều trị hiếm muộn, trong khi nhiều nguyên nhân đến từ các bệnh lý: u buồng trứng, u xơ tử cung, polyp buồng trứng…
Trên thế giới, nhiều nước coi hiếm muộn là bệnh lý và dùng BHYT chi trả cho bệnh nhân. Ví dụ, Pháp cho IVF đến 4 lần, sang lần thứ 5 bệnh nhân mới phải trả tiền. Trung Quốc cũng đưa 16 dịch vụ hỗ trợ sinh sản vào hạng mục được BHYT chi trả từ năm 2022.
Theo ông Tiến, ở nước ngoài, mệnh giá đóng bảo hiểm cao nên các dịch vụ này được BHYT chi trả. Năng lực bảo hiểm của Việt Nam chưa thể bao phủ được một số dịch vụ, trong đó có IVF, với mệnh giá đóng bảo hiểm hiện tại. “Trước mắt, BHYT nên chi trả cho cả bệnh nhân hiếm muộn nhưng có bệnh lý giống những người khác. Nếu bảo hiểm có khả năng thì cần quan tâm đến đối tượng này trong tương lai”, ông nêu quan điểm.
Ngoài ra, mạng lưới điều trị hiếm muộn của Việt Nam chưa bao phủ hết cho số bệnh nhân có nhu cầu. Việt Nam có một triệu cặp vợ chồng vô sinh nhưng khả năng điều trị trung bình mỗi năm của 50 cơ sở chỉ ở mức 50.000 ca, chiếm 5%. Chưa kể rào cản địa lý khi các trung tâm điều trị vô sinh hiếm muộn chủ yếu ở thành phố lớn, vắng bóng ở miền núi, vùng sâu, xa. Về lâu dài, đây sẽ trở thành vấn đề lớn khi dân số bước vào giai đoạn già.
“Việt Nam không cần tăng số lượng trung tâm hỗ trợ sinh sản. Quan trọng là nâng cấp trình độ, năng lực điều trị cho bác sĩ, làm chủ mọi kỹ thuật để không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”, ông Tiến nói.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng mong muốn mỗi tỉnh có một trung tâm điều trị và thêm nhiều chương trình tài trợ cho các cặp vợ chồng nghèo hiếm muộn.
“Có con để hạnh phúc, vậy chẳng lẽ người nghèo không xứng đáng được hưởng hạnh phúc hay sao?”, bà đặt vấn đề.
Hơn một thập kỷ tìm con, vợ chồng anh Thái Tiến Dũng mất nhiều thứ, bao gồm cả căn nhà mà hai vợ chồng ở từ ngày mới cưới. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ tiếc nuối. Những người nuôi giấc mơ làm cha mẹ như anh chị sẵn sàng trả mọi giá để được hưởng niềm hạnh phúc ấy.
6 tháng sau khi “em bé IVF” chào đời, vợ anh Dũng mang thai tự nhiên thêm một bé gái, ra đời bình an. Anh cho rằng, đứa con “thụ tinh trong ống nghiệm” chính là phước lành lớn nhất của vợ chồng trong hành trình 16 năm mong con.
Nội dung: Thúy Quỳnh – Mỹ Ý – Lê Nga
Đồ họa: Hoàng Khánh – Mạnh Cường
Về dữ liệu: Dữ liệu trong bài này được cung cấp bởi Bộ Y tế; bác sĩ Nguyễn Việt Quang (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, Bệnh viện Phụ sản Trung ương); Bệnh viện Từ Dũ; Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM (HOSREM).