Do tác động của lạm phát đến túi tiền người dân, thế giới đã tiêu thụ 121,2 tỷ gói mỳ năm ngoái, mức cao nhất mọi thời đại.
Số liệu mới được công bố bởi Hiệp hội mỳ ăn liền Thế giới, trụ sở chính tại Osaka (Nhật Bản). Dữ liệu được tính toán dựa trên ước tính xuất khẩu mỳ gói ở 56 nền kinh tế. So với 2021, số lượng tiêu thụ mỳ gói năm qua tăng 2,6%.
Tiêu thụ mỳ ăn liền toàn cầu đã tăng liên tục trong 7 năm qua. Đến 2022, Trung Quốc, bao gồm Hong Kong, là thị trường lớn nhất, Indonesia đứng thứ hai, tiếp theo là Ấn Độ, Việt Nam và Nhật Bản.
Vào năm 2020, khi nhiều người bị phong tỏa vì đại dịch, nhu cầu mỳ gói toàn cầu đã tăng 9,5%. Mức tăng giảm xuống còn 1,4% vào năm 2021, nhưng sau đó tăng trở lại vào năm 2022. Nguyên nhân bởi giá lương thực ở nhiều nước tăng vọt do lạm phát đã thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang sử dụng mỳ ăn liền như một lựa chọn hợp túi tiền.
Thị trường mỳ ăn liền mở rộng đặc biệt mạnh mẽ ở Mexico. Nhu cầu tại nước này tăng vọt 17,2% vào năm 2021 và vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số vào năm ngoái, đạt 11%. Ngược lại, thị trường Bắc Mỹ giảm 1,4% vào năm 2021, sau đó phục hồi 3,4% vào năm 2022. mỳ ăn liền phổ biến khắp châu Á, nơi các món mỳ là một phần lâu đời của văn hóa ẩm thực, nhưng ngày càng chúng cũng dần hiện diện rộng rãi ở những nơi như Mỹ và Mexico.
Theo nhà sản xuất mỳ ăn liền Nissin Foods, người tiêu dùng trung lưu trước đây không dùng mỳ ăn liền nhưng giờ cũng đang kết hợp món này vào thực đơn do lạm phát. Cùng với Nissin Foods, công ty mỳ gói khác là Toyo Suisan cũng ghi nhận lợi nhuận tăng đáng kể từ hoạt động ở nước ngoài trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023.
Cả hai đều có kế hoạch thành lập cơ sở sản xuất tại Mỹ vào năm 2025 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở nước này cũng như Mexico. “Số lượng người tiêu dùng thường xuyên ăn mỳ ăn liền đang tăng lên và chúng tôi sẽ tăng thêm sự đa dạng về hương vị trong tương lai”, Toyo Suisan cho biết.
Riêng ở Nhật Bản, các công ty mỳ ăn liền lớn đã tăng giá khoảng 10% vào năm ngoái và một lần nữa vào năm 2023 để ứng phó với chi phí nguyên liệu và bao bì tăng. Mức tăng 10% trong hai năm liên tiếp là điều bất thường, nhưng doanh số bán hàng không giảm đáng kể.
Ngoài những sản phẩm có giá cả phải chăng, xu hướng người tiêu dùng hiện còn muốn những sản phẩm giúp họ tiết kiệm thời gian nhưng vẫn có dinh dưỡng. Vì vậy, các nhà sản xuất mỳ ăn liền đang nỗ lực cải tiến sản phẩm bằng cách làm cho chúng có nhiều dinh dưỡng và sử dụng nguyên liệu tốt hơn.
Phiên An (theo Nikkei)