Công thức cân bằng dinh dưỡng 4 – 5 – 1 giúp mọi người có thể dễ dàng hiểu về các yếu tố cấu thành nên một bữa ăn đủ chất, đồng thời hiểu được cách kết hợp các nhóm thực phẩm khác nhau để thay đổi khẩu vị nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của mỗi lần dung nạp.
Cụ thể, số 4 chính là chế độ ăn cân đối 4 yếu tố: cân đối giữa 3 nhóm chất sinh năng lượng (chất bột đường – chất béo – chất đạm); cân đối về protein (giữa đạm động vật và thực vật); cân đối về lipid (giữa lipid động vật và lipid thực vật); cân đối về vitamin và khoáng chất.
Do đó, để đạt được sự cân đối giữa 3 nhóm chất sinh năng lượng thì lượng chất đạm (protein) phải đạt từ 13-20%; chất béo (lipid) từ 20-25% và tinh bột (carbohydrate) từ 55-65% trong bữa ăn hằng ngày.
Bên cạnh yếu tố cần cân đối giữa 4 nhóm chất, còn cần đảm bảo tính đa dạng của bữa ăn, thì phải có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm, trong đó nhóm thực phẩm cung cấp chất béo là bắt buộc. Cụ thể:
Nhóm 1 – lương thực: Gạo, mì ăn liền, ngô, khoai, sắn… là thức ăn cơ bản, nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể.
Nhóm 2 – các loại hạt: Đậu, đỗ, vừng, lạc là nguồn cung cấp chất đạm thực vật cho cơ thể.
Nhóm 3 – sữa và các sản phẩm từ sữa, cung cấp chất đạm động vật, canxi quan trọng cho cơ thể.
Nhóm 4 – thịt các loại, cá và hải sản cung cấp chất đạm động vật, đặc biệt các axit amin cần thiết mà cơ thể người không tự tổng hợp.
Nhóm 5 – trứng và các sản phẩm của trứng là nguồn cung cấp chất đạm động vật, nhiều chất dinh dưỡng quý cho cơ thể.
Nhóm 6 – củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ như cà rốt, bí ngô, gấc, cà chua hoặc rau tươi có màu xanh thẫm là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng chủ yếu cho cơ thể. Loại rau càng sẫm màu thì càng có giá trị dinh dưỡng.
Nhóm 7 – rau củ quả khác như su hào, củ cải cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ.
Nhóm 8 – dầu ăn, mỡ các loại là nguồn cung cấp năng lượng và các axit béo cần thiết cho cơ thể.
Cuối cùng, số 1 chính là một bữa ăn hoặc dinh dưỡng trong một ngày cần sự hài hòa giữa các nhóm chất và thực phẩm. Theo đó, công thức dinh dưỡng 4 – 5 – 1 cho thấy, trong mỗi bữa ăn phải đảm bảo tính đa dạng, cân đối không kiêng khem hoặc lạm dụng bất cứ thực phẩm nào. Kết hợp lựa chọn thực phẩm an toàn kể cả thực phẩm tươi sống và thực phẩm công nghiệp.
Hiện nay, nhiều người thích sử dụng mì gói trong các bữa ăn. Tuy nhiên, một gói mì có thể chưa đủ nhu cầu dinh dưỡng của nhiều người nên để ăn mì ngon hơn, đầy đủ dinh dưỡng hơn, người dùng có thể bổ sung thêm các thực phẩm khác theo công thức 4-5-1. Có thể bổ sung thêm chất đạm từ trứng, thịt, hải sản,… và thay đổi nguyên liệu linh hoạt để ngon miệng hơn. Ngoài đạm động vật, có thể kết hợp nấm và đậu để thêm đạm thực vật. Có thể bổ sung thêm rau, củ để thêm vitamin, khoáng chất như: ớt chuông vàng, cà rốt, bí đỏ, rau cải xanh, cải thìa, bắp cải, dưa leo, đậu que…vào tô mì giúp cân bằng về dinh dưỡng. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm trái cây vào bữa ăn hàng ngày.
Ngọc Minh