Thực tế những năm qua cho thấy, khi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), người dân được hưởng nhiều quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh (KCB). Đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có trên 916.000 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 92,3% dân số. Như vậy, hiện còn khoảng gần 8% dân số chưa có thẻ BHYT. Một trong những lý do là còn một bộ phận người dân chưa hiểu rõ về quyền lợi, tầm quan trọng, ý nghĩa của tấm thẻ BHYT hoặc mang suy nghĩ còn trẻ, khỏe chưa cần đến nên không tham gia.
Anh Trần Văn Vĩnh, xã Gia Lạc (huyện Gia Viễn) cảm thấy tiếc nuối khi vừa phải thanh toán số tiền gần 40 triệu đồng do bị tai nạn giao thông khi không có thẻ BHYT. Trong khi có người cùng phòng bị tai nạn nặng hơn anh mà số tiền chi trả chỉ vài triệu đồng do đã được BHYT thanh toán phần lớn viện phí. Anh Vĩnh thấy tiếc nuối khi trước đó nhiều lần được nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT xã tuyên truyền, vận động nhưng chủ quan nghĩ mình còn trẻ, khỏe, sẽ không bị ốm đau bệnh tật gì, nhưng nào ngờ tai nạn không may đến lúc nào không biết.
“Trong những ngày nằm viện, tôi cũng chứng kiến nhiều người bệnh nặng, dự kiến kinh phí điều trị hết khá nhiều tiền, nhưng họ không quá lo lắng vì biết được đã có BHYT hỗ trợ chi trả đến 85-90% tổng chi phí rồi. Rút kinh nghiệm từ bản thân, tôi bàn với vợ, dù thế nào cũng phải tham gia BHYT. Ngay sau khi ra viện, vợ chồng tôi sẽ tiết kiệm, dành ra số tiền hơn 1 triệu đồng để mua BHYT cho cả 2 vợ chồng. Tôi thấy rằng, dù có đang trẻ, khỏe nhưng cuộc sống không ai đoán trước được điều gì, có tấm “bùa hộ mệnh” chăm sóc sức khỏe cho mình vẫn yên tâm hơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi ngày, bệnh viện điều trị nội trú cho khoảng 1.000 bệnh nhân, trong đó có trên 90% người bệnh sử dụng thẻ BHYT. Đối với nhiều loại bệnh, đặc biệt là các bệnh nặng, nan y, phải điều trị thường xuyên và lâu dài, như các bệnh về tim mạch, ung thư, thận nhân tạo, tai nạn… mỗi đợt điều trị hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, nếu không có thẻ BHYT, người bệnh khó có thể duy trì được việc điều trị bệnh tật, rất thiệt thòi cho bản thân và gia đình.
Để nâng cao chất lượng khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tập trung cải tiến quy trình KCB, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực; nâng cao y đức, quy tắc ứng xử cho đội ngũ y, bác sĩ…, tạo thuận lợi cho nhân dân, không có sự phân biệt giữa KCB BHYT và KCB dịch vụ theo yêu cầu.
Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn chú trọng ứng dụng các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới, hiện đại; triển khai các dịch vụ y tế tiên tiến; ứng dụng CNTT trong quản lý, kết nối, liên thông dữ liệu KCB BHYT, đáp ứng tốt việc thanh toán chi phí KCB, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.
Thời gian qua, để giúp người dân sớm tiếp cận và thụ hưởng những quyền lợi thiết thực của chính sách BHYT, đồng thời thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân theo Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, ngành Bảo hiểm xã hội và ngành Y tế đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tăng cường truyền thông, vận động để người dân hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ, từ đó tích cực tham gia BHYT.
Công tác tuyên truyền ngày càng sâu rộng, lan tỏa, giúp mỗi người dân chủ động tích cực tìm hiểu quyền lợi, nghĩa vụ, quy định của pháp luật về BHYT, từ đó tích cực tham gia BHYT, sử dụng hiệu quả tấm thẻ BHYT khi đi KCB để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và chia sẻ với cộng đồng.
Đồng chí Đinh Nho Khánh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Ninh Bình cho biết: Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, mức đóng và chế độ, quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) cũng được điều chỉnh phù hợp với quy định mới.
Hiện nay, chi phí cho một lần khám, chữa bệnh (KCB) thấp hơn 15% mức lương cơ sở (thấp hơn 223.500 đồng) thì người tham gia BHYT được thanh toán 100% chi phí. Khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức chi phí cho 1 lần khám bệnh nêu trên sẽ thay đổi thành 270.000 đồng. Theo đó, người có thẻ BHYT đi KCB đúng quy định, có tổng chi phí một lần KCB thấp hơn 270.000 đồng (tương đương 15% mức lương cơ sở) thì không phải thực hiện cùng chi trả. Như vậy, mức chi phí KCB một lần được BHYT chi trả 100% này tăng thêm 46.500 đồng từ ngày 1/7/2023. Đây là một quyền lợi hưởng BHYT tăng lên khi lương cơ sở tăng.
Cùng với đó là việc thay đổi điều kiện hưởng 100% chi phí KCB. Theo đó, ngoài các nhóm đối tượng chính sách, người tham gia BHYT chỉ được hưởng 100% chi phí KCB khi có đủ 5 năm tham gia BHYT liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Tức là trong năm, nếu số tiền KCB mà người bệnh đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì phần vượt quá 6 tháng lương cơ sở sẽ do quỹ BHYT thanh toán và người bệnh được chi trả 100% chi phí KCB từ thời điểm này cho đến hết năm.
Do điều kiện đồng chi trả căn cứ theo lương cơ sở nên khi mức lương cơ sở thay đổi từ ngày 1/7, điều kiện để được miễn đồng chi trả cũng thay đổi theo. Cụ thể, từ đầu năm 2023 cho đến hết ngày 30/6, người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 8.940.000 đồng (6 tháng lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng) thì phần vượt quá 6 tháng lương cơ sở sẽ do quỹ BHYT thanh toán và người bệnh được chi trả 100% chi phí KCB từ thời điểm này cho đến hết năm. Còn từ ngày 1/7/2023, khi lương cơ sở tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên phải có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 10.800.000 đồng (6 tháng lương cơ sở) mới được hưởng các quyền lợi trên.
Ngày 1/7 hàng năm là ngày kỷ niệm BHYT Việt Nam. Năm nay, ngày BHYT Việt Nam với chủ đề: “Thực hiện nghiêm Luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân”. Để tăng thêm đối tượng tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, Sở Y tế và ngành BHXH đã có văn bản đề nghị các Sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh phối hợp thực hiện trong công tác truyền thông, tuyên truyền về chính sách, pháp luật về BHYT; khuyến khích, vận động nhân dân tham gia BHYT gắn với mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân, bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác BHYT và cán bộ, nhân viên ngành Y tế.
Hiện nay, tỷ lệ người dân tỉnh Ninh Bình tham gia BHYT là trên 916.000 người, đạt tỷ lệ bao phủ là 92,3% dân số. Để thu hút gần 8% dân số còn lại tham gia BHYT, cùng với việc nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nghiêm chính sách pháp luật, các chương trình, kế hoạch về BHYT, cần quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm đối tượng hộ gia đình, người lao động và chủ sử dụng lao động tham gia BHYT.
Ngành BHXH tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số nhằm nâng cao hơn hiệu quả phục vụ người tham gia. Đồng thời phối hợp với ngành Y tế và các đơn vị liên quan nâng cao chất lượng KCB, đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi KCB cho người tham gia BHYT, giúp người dân hiểu rõ và yên tâm, tích cực tham gia BHYT một cách chủ động và bền vững.
Bài, ảnh: Hạnh Chi