Tỉ giá nổi sóng
Tính từ đầu năm đến nay, tỉ giá đã tăng hơn 3%. So sánh VND với các đồng tiền khác trong khu vực như Nhân dân tệ (Trung Quốc) mất giá 6%, Bath (Thái Lan) mất giá 5,3%, Ringgit (Malaysia) mất giá 6,5%… Như vậy, Ngân hàng Trung ương một số nước láng giềng đã chủ động để đồng nội tệ của họ yếu hơn trong bối cảnh USD mạnh hơn.
Tỉ giá là một trong ba nhân tố trong “Bộ ba bất khả thi”. Nếu tỉ giá tiếp tục nóng, giới phân tích dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể phải dừng việc giảm lãi suất, thậm chí xem xét điều chỉnh tăng trở lại để kiềm chế tỉ giá. Nếu kịch bản này xảy ra, các doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí lãi vay cao hơn. Tỉ giá cũng là một phần trong chi phí tài chính của doanh nghiệp.
Chỉ số DXY được dự báo sẽ còn tăng trên 110 điểm trong năm 2024. Fed dự báo sẽ còn tăng 25 điểm cơ bản vào những tháng cuối năm 2023 và lãi suất có thể sẽ hạ nhiệt từ quý III/2024.
Trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã có 10 phiên hút ròng thông qua phát hành tín phiếu với tổng giá trị 110.700 tỉ đồng. Lãi suất liên ngân hàng đang nhích dần.
“Lãi suất giảm thì đương nhiên tỉ giá tăng, đó là về mặt kinh tế học. Do đó điều hành cần phải có sự hài hoà, ổn định là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tại cuộc họp với các doanh nghiệp.
Chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng được cho là phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam. Song việc tiếp tục cắt giảm lãi suất sẽ làm gia tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực đến tỉ giá.
Liệu chính sách có đảo chiều?
Ông Đỗ Hiệp Hoà – Giám đốc đầu tư của MB Capital – cho rằng: “Việc đảo chiều chính sách là chưa có. Động thái hút ròng tín phiếu trên thị trường liên ngân hàng là bước đi thận trọng và khéo léo của Ngân hàng Nhà nước để hút dư thừa thanh khoản trên liên ngân hàng để tránh đầu cơ tỉ giá. Động thái vừa rồi của Ngân hàng Nhà nước mới chỉ tác động khoanh vùng trong khu vực liên ngân hàng”.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thanh khoản dư thừa, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm được đẩy về mức sát 0%/năm, thấp hơn gần 5%/năm với lãi suất USD. Mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ngày càng tăng đã dẫn đến hiện tượng đầu cơ ngoại tệ trong hệ thống, gây sức ép lên tỉ giá.
Bởi vậy, việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền về sẽ giúp nâng mặt bằng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, đồng thời thu hẹp chênh lệch với lãi suất USD, từ đó giảm hiện tượng đầu cơ ngoại tệ, giảm sức ép lên tỉ giá.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Phạm Thế Anh – Trưởng khoa Kinh tế học Đại học Kinh tế Quốc dân – cho rằng: “Tôi nghĩ không nên hoảng loạn về việc chính sách tiền tệ sắp đảo chiều. Tôi cho rằng, các cơ quan điều hành sẽ chưa có động thái đảo chiều chính sách tiền tệ ngay. Hiện kinh tế trong nước còn tương đối khó khăn, tổng cầu còn yếu nên Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng giữ mặt bằng lãi suất thấp càng lâu càng tốt để hỗ trợ tăng trưởng”.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, mục tiêu cao nhất của chính sách tiền tệ là ổn định giá cả, ổn định giá trị đồng nội tệ. Chính phủ đang theo đuổi mục tiêu tăng trưởng. Hiện tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra vì vậy Chính phủ sẽ cố gắng để có tăng trưởng cao hơn. Do vậy, bên cạnh chính sách tài khoá thì cần duy trì chính sách tiền tệ dễ chịu với doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng kiểm soát lạm phát và thực tế là lạm phát lõi đang có xu hướng giảm.