Chính phủ đề xuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chưa điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu để hạn chế những yếu tố bất lợi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Chính phủ đề xuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chưa điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu để hạn chế những yếu tố bất lợi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Trong năm 2025 chưa điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để hỗ trợ nền kinh tế. Ảnh: Đức Thanh |
Lo tác động tiêu cực
Từ năm 2022 đến năm 2024, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (giảm 50%) đã được thực hiện. Theo đánh giá của Chính phủ, đây là giải pháp hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế trong những thời điểm đất nước gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh hay tăng trưởng chậm.
Mặc dù việc này có tác động trực tiếp đến giảm thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, số giảm thu do thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023 khoảng 38.274 tỷ đồng; trong 10 tháng của năm 2024 ước khoảng 33.256 tỷ đồng (chưa bao gồm giảm thu thuế giá trị gia tăng tương ứng). Chính phủ lý giải, đây cũng chính là khoản hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp, nhằm góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội.
Theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 (Nghị quyết số 579), từ ngày 1/1/2025 sẽ áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn mới. Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, trừ ethanol là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; dầu mazut là 2.000 đồng/lít; dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Tăng về mức trần trong biểu khung thuế như trên, theo Chính phủ, sẽ góp phần đảm bảo thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, khi mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tăng thì sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Bởi mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ làm tăng giá bán lẻ những mặt hàng này, tạo áp lực gia tăng lạm phát, từ đó gây bất lợi trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo trong phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể hơn, báo cáo của Chính phủ dẫn đánh giá của Tổng cục Thống kê, nếu từ ngày 1/1/2025, thuế bảo vệ môi trường của xăng tăng từ 2000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, tác động làm Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) chung năm 2025 tăng khoảng 0,33 điểm phần trăm.
Thuế bảo vệ môi trường của dầu diesel tăng từ 1.000 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít, tác động làm Chỉ số CPI chung năm 2025 tăng khoảng 0,005 điểm phần trăm.
Chính phủ nhìn nhận, năm 2025, bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại sẽ có tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế của Việt Nam. Hiện nay, tuy nền kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi, nhưng chưa thực sự ổn định và vững chắc do tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động, áp lực gia tăng lạm phát trong nước như thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, quy luật lạm phát thường tăng vào các tháng cuối năm, dịp lễ, tết… ảnh hưởng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Do đó, nếu tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày đầu năm sau sẽ làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. “Điều này sẽ là yếu tố bất lợi để hoàn thành các mục tiêu về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025”, Chính phủ nhấn mạnh.
Vì thế, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2025. Cụ thể, xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/lít; dầu hỏa là 600 đồng/lít.
Cân nhắc lộ trình tăng dần
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí việc xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất của Chính phủ để góp phần bình ổn giá bán xăng, dầu trong nước, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Mạnh cũng phản ánh, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế này bởi nhiều lý do, trong đó có giảm thu ngân sách (dự kiến) khoảng 43.940 tỷ đồng (bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) trong khi Quốc hội đã quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025. Như vậy sẽ tác động và gây áp lực đối với ngân sách nhà nước và giảm thu của ngân sách địa phương trong bối cảnh nguồn thu còn nhiều khó khăn, nhiều nhiệm vụ chi quan trọng cần bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện.
Một số ý kiến trong Ủy ban cũng cho rằng, mặc dù việc không tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường như đã thực hiện trong năm 2022-2024 có thể tạo dư luận không đồng thuận trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, song việc giảm thuế bảo vệ môi trường cũng cần phải tính đến thời điểm kết thúc để bảo đảm phù hợp với bản chất và nguyên tắc của loại thuế này, cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam để bảo vệ môi trường.
Do đó, các ý kiến này đề nghị cân nhắc phương án quy định lộ trình tăng dần mức thuế bảo vệ môi trường để tiến tới áp dụng mức thuế quy định tại Nghị quyết số 579, theo hướng trong 6 tháng đầu năm 2025, tiếp tục giữ mức thuế như đề xuất của Chính phủ. Trong 6 tháng cuối năm 2025, giảm 25% đối với xăng, dầu diezel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, giảm 50% đối với nhiên liệu bay. Riêng đối với dầu hỏa, đề nghị tiếp tục giảm 40% trong cả năm 2025 (áp dụng mức 600 đồng/lít) do đây là mặt hàng chủ yếu được dùng ở vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn.
Lộ trình này sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho việc quay lại áp dụng mức thuế trần đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo quy định tại Nghị quyết số 579 từ ngày 1/1/2026, đồng thời cũng thể hiện chính sách đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp và phù hợp với diễn biến, dự báo giá dầu thô trên thị trường thế giới. Việc này còn góp phần tạo thêm niềm tin trong cộng đồng quốc tế về việc Việt Nam cam kết và nỗ lực để thực hiện các giải pháp nhằm giảm tối đa các tác động có hại tới môi trường, tuân thủ các cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26, tạo dư địa để có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm mức thuế bảo vệ môi trường trong trường hợp cần thiết và giảm thiểu tác động với ngân sách nhà nước.
Thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Chính phủ cần dự báo chính sách, đánh giá tác động để xác định trong năm 2026 liệu có thể tiếp tục áp dụng mức thuế này không. Nếu như trong năm 2026 có thể áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 579, ông Tùng đề nghị Chính phủ cần cân nhắc thực hiện tăng dần thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn ngay từ cuối năm 2025 để người dân, doanh nghiệp dần quen với mức thuế mới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ cân nhắc lộ trình tăng dần mức thuế bảo vệ môi trường để tiến tới áp dụng mức thuế quy định tại Nghị quyết số 579, bảo đảm phù hợp với bản chất và nguyên tắc của thuế bảo vệ môi trường, phù hợp với diễn biến dự báo giá dầu thô trên thị trường thế giới cũng như thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn với sự tán thành của 100% thành viên có mặt.
Như vậy, sớm nhất thì phải đến đầu năm 2026, việc giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu mới kết thúc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết cho phép kéo dài thời điểm thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 ngày 8/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 – 2024 với mức chi phí quản lý được trích tối đa tạm thời là 1,44% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thời gian kéo dài đến hết 30/6/2025.
Đây là giải pháp tình thế để đảm bảo vận hành công tác quản lý bảo hiểm xã hội trong điều kiện chưa kịp có nghị quyết mới, đang thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Nguồn: https://baodautu.vn/thue-bao-ve-moi-truong-voi-xang-dau-giam-den-khi-nao-d235777.html