Bên hành lang Kỳ họp thứ 8, ngày 22/11, nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ ý kiến, Quốc hội, Chính phủ cần tính toán, quy định chặt chẽ khi ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế trong điều kiện hiện nay.
Đại biểu Quốc hội các tỉnh Phú Thọ; Nam Định; Bình Dương thảo luận tại tổ. Ảnh: An Đăng/TTXVN
ề dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đáng lưu ý, với quy định về người nộp thuế và thu nhập chịu thuế, dự thảo Luật bổ sung quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam. Cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài bao gồm cả nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số mà thông qua đó doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.
Chia sẻ ý kiến về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, thực tiễn phát triển của các hoạt động kinh doanh thông qua thương mại điện tử và các nền tảng số xuyên biên giới cho thấy sự bất cập về khái niệm cơ sở thường trú đang được quy định tại Luật hiện hành và các Hiệp định thuế, chưa đáp ứng được thực tế của loại hình kinh doanh sử dụng cơ sở thường trú “ảo”- không có hiện diện vật lý. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn giữ khái niệm cơ sở thường trú hiện hành tại khoản 2 Điều 2 về người nộp thuế; theo đó, vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan đến nội dung về cơ sở thường trú về cơ bản chưa được giải quyết trong dự thảo Luật. Từ đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ về vấn đề này.
Cũng cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị cần làm rõ quy định đối tượng chịu thuế là “doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam” tại khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật mà không có cơ sở thường trú tại Việt Nam để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện luật và cơ sở nào để thu thuế đối với các doanh nghiệp này vì các doanh nghiệp này chỉ kinh doanh trên nền tảng số.
Đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) đề nghị xem xét lựa chọn mức thuế suất đối với đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt về rượu, bia, thuốc lá; đề nghị sửa đổi, tăng mức thuế suất với kinh doanh xổ số, kinh doanh golf, nhằm điều tiết thu nhập giữa các đối tượng kinh doanh, tiêu dùng loại dịch vụ này. Đề nghị rà soát điều chỉnh mức thuế suất phù hợp đối với một số loại hàng hóa, đại biểu Hoàng Thị Đôi nêu ý kiến cần đưa ra khỏi đối tượng thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc xây dựng lộ trình áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số loại hàng hóa như điều hòa nhiệt độ, xăng…; đặc biệt cân nhắc kỹ việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng.
Cũng cho ý kiến về thuế đối với xăng, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho rằng, mặt hàng xăng đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.
Về quy định trong dự thảo luật về nước giải khát có đường là mặt hàng mới được bổ sung vào diện chịu thuế với thuế suất dự kiến 10%, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) đánh giá, việc bổ sung đối tượng chịu thuế mới sẽ có tác động rất lớn tới sự phát triển của doanh nghiệp ngành hàng này vì vậy cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Đại biểu đề nghị cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và có đánh giá kỹ hơn về tác động, biện pháp thực hiện, cũng như lộ trình phù hợp của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
Nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/bao-dam-hieu-qua-viec-thu-thue-doi-voi-cac-nha-cung-cap-nuoc-ngoai-qua-nen-tang-thuong-mai-dien-tu-20241122151751956.htm