Theo dự thảo, bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp sau đây:
1- Thông tư số 155/2009/TT-BTC ngày 31/7/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ phân phối lợi nhuận của công ty nhà nước theo quy định tại Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ.
Về lý do đề xuất bãi bỏ, Bộ Tài chính cho biết, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã bãi bỏ Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 về việc chuyển đổi công ty nhà nước thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do Nhà nước làm chủ sở hữu (được thay thế bởi Nghị định số 89/2024/NĐ-CP ngày 16/7/2024 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH MTV tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp). Theo đó, các công ty nhà nước phải thực hiện chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động chung theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác đã được thay thế bởi Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp).
Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ; Nghị định số 121/2020/NĐ-CP ngày 09/10/2020 của Chính phủ và Nghị định só 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ) đã có quy định cụ thể về việc phân phối lợi nhuận đối với doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Như vậy, quy định tại Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ đã hết hiệu lực nên nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 155/2009/TT-BTC ngày 31/7/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ phân phối lợi nhuận của công ty nhà nước không còn đối tượng áp dụng nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật thay thế hoặc bãi bỏ nên vẫn còn hiệu lực pháp lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
2- Thông tư số 202/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về tài chính trong giao, bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, Thông tư hướng dẫn quy định tại Điều 2, Điều 4 Nghị định số 109/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 của Chính phủ về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (đã được thay thế bởi Nghị định số 128/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nay đã được thay thế bởi Nghị định số 23/2022/NĐ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ). Qua rà soát, tại các Nghị định này không giao Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung về xử lý tài chính trong giao, bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Như vậy, quy định tại Nghị định số 128/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ đã hết hiệu lực nên nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 202/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính không còn căn cứ pháp lý nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật thay thế hoặc bãi bỏ nên vẫn còn hiệu lực pháp lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
3- Thông tư số 92/2011/TT-BTC ngày 23/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện trợ cấp khó khăn đối với người lao động trong doanh nghiệp theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 30/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính cho biết, Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 30/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi người có công và hộ nghèo đời sống khó khăn được ban hành để trợ cấp khó khăn đột xuất cho các đối tượng thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Trong đó, tại Điều 5 quy định các doanh nghiệp nhà nước thực hiện trợ cấp khó khăn cho các lao động từ các Quỹ tài chính hợp pháp của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hỗ trợ cho người lao động mà nguồn từ các quỹ hợp pháp không đủ chi thì được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể.
Tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 92/2011/TT-BTC ngày 23/6/2011 của Bộ Tài chính quy định đối tượng áp dụng trợ cấp khó khăn theo hướng dẫn tại thông tư này là người lao động có tên trong danh sách lao động của doanh nghiệp tại thời điểm 30/3/2011 và có thu nhập từ 2,2 triệu đồng/tháng trở xuống (trừ các khoản tiền thưởng từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, tiền ăn ca, tiền chế độ bồi dưỡng nghề độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại nguy hiểm), nội dung Thông tư hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng các nguồn Quỹ tài chính hợp pháp của doanh nghiệp để thực hiện chi trợ cấp khó khăn cho người lao động một lần trong năm 2011, xác định số tiền còn thiếu làm cơ sở để hạch toán chi phí, lập báo cáo tài chính và thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 của doanh nghiệp theo quy định. Nội dung quy định trợ cấp này không phát sinh ở các năm sau.
Do vậy, Thông tư số 92/2011/TT-BTC ngày 23/6/2011 của Bộ Tài chính không còn đối tượng áp dụng trên thực tế.
4- Thông tư số 180/2012/TT-BTC ngày 24/10/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính về chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
Lý do bãi bỏ được Bộ Tài chính đưa ra là: Tại Thông tư số 82/2003/TT-BTC ngày 14/8/2003 của Bộ Tài chính về việc trích lập, quản lý, sử dụng và hạch toán Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm tại doanh nghiệp và chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp được trích lập và hạch toán kế toán đối với Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm tại doanh nghiệp để chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
Qua rà soát, nội dung Thông tư số 180/2012/TT-BTC chỉ quy định hướng dẫn xử lý đối với số dư Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm đã trích lập theo quy định tại Thông tư số 82/2003/TT-BTC tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm 2012 và không được chuyển số dư Quỹ sang năm sau để sử dụng. Do đó, chính sách này không phát sinh ở các năm sau.
Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 180/2012/TT-BTC ngày 24/10/2012 của Bộ Tài chính quy định khoản chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động trong trường hợp doanh nghiệp có thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Bộ luật Lao động năm 1994, Điều 11 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/04/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của về việc làm (nội dung quy định này đã hết hiệu lực thi hành và được thay thế bởi quy định của Bộ luật lao động năm 2019 và hướng dẫn tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ). Theo đó, kinh phí chi trả được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, chế độ kế toán hiện hành quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính đã không còn tồn tại Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/de-xuat-bai-bo-mot-so-thong-tu-linh-vuc-tai-chinh-doanh-nghiep-162667.html
Bình luận (0)