Tính đến 31/12/2024, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của 25 ngân hàng niêm yết lên đến 118.915 tỷ đồng (khoảng 4,75 tỷ USD), tăng 39,30% so với đầu năm 2024.

Con số trên chưa bao gồm nợ nhóm 5 tại LPBank và VIB do hai nhà băng này chỉ công bố số liệu nợ quá hạn và không công bố chi tiết từng nhóm nợ.

Với các ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo, có thể thấy nợ nhóm 5 chiếm phần lớn nợ xấu. Thậm chí có những nhà băng tỷ lệ nợ nhóm 5 chiếm trên 90% tổng dư nợ xấu (nợ nhóm 3-5).

Nam A Bank, Techcombank và ABBank có tỷ lệ nợ nhóm 5 tăng cao nhất, lần lượt tăng 165%, 136,9%, và 103% so với đầu năm. 

Trong đó, con số tuyệt đối nợ có nguy cơ mất vốn của Nam A Bank là trên 2.600 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng nợ xấu của ngân hàng này. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng vì thế cũng tăng thêm 500 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 2.065 tỷ đồng tại ngày 31/12/2024.

Techcombank với hơn 3.269 tỷ đồng nợ xấu được xếp vào nhóm 5, chiếm tỷ lệ 0,54% tổng dư nợ tín dụng, đồng thời tăng gần 137% so với nợ xấu nhóm 5 tại thời điểm đầu năm 2024. Nợ ngắn hạn chiếm 34,95% tổng dư nợ tại Techcombank. Nợ trung hạn và dài hạn lần lượt chiếm 14,07% và 50,98%.

Cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất tại Techcombank, lên tới 30,88% tổng dư nợ tín dụng (năm 2023 tỷ lệ này là 35,21%).

Còn tại ABBank, nợ nhóm 5 tăng 103% so với đầu năm 2024 và chiếm tới 57% tổng nợ xấu của ngân hàng này.

Ngoài ra, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 5 tăng cao lần lượt gồm: Saigonbank (72,41%), Bac A Bank (73,4%), ACB (74%), Sacombank (81,36%), KLB (82%)…

Đáng chú ý, báo cáo tài chính quý IV/2024 cho thấy, 3 ngân hàng gồm SHB, NCB, và TPBank ghi nhận nợ nhóm 5 suy giảm so với đầu năm.

Cụ thể, nợ nhóm 5 tại SHB giảm 3,67% còn 9.704 tỷ đồng; nợ nhóm 5 tại NCB giảm 3,49% còn 13.665 tỷ đồng, và tại TPBank giảm nhẹ 0,28% còn 1.115 tỷ đồng. 

Với trường hợp của NCB, việc giảm đáng kể nợ xấu nói chung và nợ nhóm 5 nói riêng là tín hiệu tích cực cho thấy nhà băng này đã và đang đạt được những thành tựu đáng kể trong quá trình cơ cấu lại theo “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của NHNN.

Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 5 tăng thấp nhất bao gồm: Viet A Bank (3%), VietBank (5,2%), PGBank và SeABank (cùng tăng 25%), và BVBank (29%).

Nhóm ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV, và VietinBank dù đứng đầu về con số tuyệt đối do dẫn đầu hệ thống về cung ứng vốn cho thị trường, nhưng cả 3 “ông lớn” đều không thuộc nhóm đầu về tỷ lệ tăng thêm của nợ nhóm 5.

Cụ thể, tỷ lệ này tại Vietcombank là 30%, VietinBank 49%, trong khi nợ nhóm 5 tại BIDV tăng thêm 55% so với đầu năm 2024.

DIỄN BIẾN NỢ NHÓM 5 CỦA CÁC NGÂN HÀNG TRONG NĂM 2024 (ĐVT: Triệu đồng)
STT NGÂN HÀNG NỢ NHÓM 5 NĂM 2024 NỢ NHÓM 5 NĂM 2023 % THAY ĐỔI
1 ABBANK 2.107.037 1.035.207 103,54
2 ACB 6.735.014 3.870.725 74,00
3 BAC A BANK 893.900 515.493 73,41
4 BIDV 18.960.261 12.211.783 55,26
5 BVBANK 1.316.955 1.018.931 29,25
6 EXIMBANK 2.971.904 1.868.082 59,09
7 HDBANK 2.213.947 1.616.606 36,95
8 KIENLONG BANK 821.354 451.397 81,96
9 MB 4.506.833 2.851.344 58,06
10 MSB 2.920.021 1.787.809 63,33
11 NAM A BANK 2.617.266 986.031 165,43
12 NCB 13.187.712 13.665.061 -3,49
13 OCB 2.621.403 1.680.979 55,95
14 PGBANK 618.714 493.473 25,38
15 SACOMBANK 8.228.689 4.537.034 81,37
16 SAIGONBANK 400.744 232.424 72,42
17 SEABANK 2.697.271 2.150.292 25,44
18 SHB 9.347.633 9.704.450 -3,68
19 TECHCOMBANK 3.269.527 1.380.121 136,90
20 TPBANK 1.111.841 1.115.066 -0,29
21 VIET A BANK 518.959 503.722 3,02
22 VIETBANK 1.498.070 1.423.071 5,27
23 VIETCOMBANK 10.228.970 7.835.714 30,54
24 VIETINBANK 13.741.489 9.221.230 49,02
25 VPBANK 5.379.910 3.205.810 67,82
Tổng:  118.915.424 85.361.855 39,31

Trả lời chất vấn trước Quốc hội vào tháng 11/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, nợ xấu trong các TCTD do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, xã hội; doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến việc trả nợ càng khó khăn hơn. 

Để kiểm soát nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cũng đề ra một số giải pháp. Đối với các TCTD, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay, đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. 

Đối với các nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản của nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có khuôn khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu.