Thúc đẩy chiến lược an ninh hàng hải toàn diện và tích hợp thông qua Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế05/02/2025

Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN (ACF) tạo cơ hội cho các quốc gia trong khu vực trao đổi một cách minh bạch, cởi mở và tăng cường hiểu biết lẫn nhau nhằm ứng phó với các thách thức an ninh hàng hải chung.


Thúc đẩy chiến lược an ninh hàng hải toàn diện và tích hợp thông qua Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN
Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN lần thứ ba tại Davao, Philippines, tháng 6/2024. (Nguồn: PNA)

Khủng bố, tội phạm mua bán người, ma túy, môi trường và các rủi ro an ninh mạng ngày càng tinh vi đều có chiều hướng tác động đến an ninh hàng hải. Cùng với những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra ở Biển Đông, tình trạng tội phạm hàng hải ngày càng phức tạp đòi hỏi các cơ quan cảnh sát biển trong khu vực Đông Nam Á phải phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Hiện các cơ quan cảnh sát biển ở các quốc gia Đông Nam Á có cơ cấu tổ chức khác nhau, trực thuộc các bộ khác nhau như nội vụ, quốc phòng hoặc giao thông vận tải. Vai trò của họ cũng khác nhau tùy theo phân nhiệm của quốc gia, từ tìm kiếm cứu nạn đến thực thi pháp luật hàng hải như Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA), Cảnh sát biển Việt Nam, Cảnh sát biển Philippines... Sự khác biệt này quyết định các ưu tiên về an ninh hàng hải của từng cơ quan, trong khi một số quốc gia tập trung vào việc trấn áp tội phạm hàng hải trên biển, thì số khác ưu tiên bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển.

Cơ chế đối thoại hiệu quả

ACF được thành lập với mục tiêu “tạo ra một cơ chế đối thoại riêng biệt để thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN đối với an ninh hàng hải trong khu vực” trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang nỗ lực tăng cường hợp tác và truyền thông để chống lại các mối đe dọa trên biển như hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định, không báo cáo (IUU), tội phạm mua bán người và ma túy, cũng như phối hợp trong tuần tra Biển Đông và hiểu rõ hơn về các mối quan tâm an ninh hàng hải chung. Diễn đàn cũng là nền tảng để giải quyết các khác biệt hiện có và tăng cường hợp tác khu vực nhằm giải quyết các lợi ích hàng hải chung, đồng thời tạo cơ hội cho các đối tác bên ngoài hỗ trợ các nỗ lực an ninh hàng hải khu vực của ASEAN và có mong muốn tham gia vào ACF.

ACF lần đầu tiên được tổ chức tại Bali (Indonesia) vào tháng 11/2022 với sự tham gia của 8 quốc gia thành viên. Vào tháng 5/2023, Cảnh sát biển Philippines cùng Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Chương trình Tội phạm hàng hải toàn cầu (GMCP) đã đồng tổ chức Cuộc họp Nhóm chuyên gia kỹ thuật ACF. Tại đây, tài liệu khái niệm và các điều khoản tham chiếu đã được hoàn thiện.

Diễn đàn thứ hai được tổ chức tại Indonesia vào năm 2023, bao gồm các cuộc thảo luận về vai trò của cảnh sát biển khu vực trong các tình huống khẩn cấp và thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa các quốc gia.

Diễn đàn thứ ba được tổ chức tại Philippines vào tháng 6/2024 nhằm thảo luận về dự thảo Điều khoản tham chiếu cho các Nhóm công tác về xây dựng năng lực, chia sẻ thông tin và hợp tác hoạt động, và dự thảo Nghị định thư về Giao lưu trên biển cho Cảnh sát biển và Thực thi pháp luật hàng hải (SEA-PEACE).

Nhìn chung, ba diễn đàn này đã thành công trong việc khởi động đối thoại về cách tiếp cận chung và có cấu trúc cũng như xây dựng năng lực về nhân đạo, an ninh, thực thi pháp luật cho lực lượng cảnh sát biển trên khắp khu vực ASEAN. Tuy nhiên, đã đến lúc ACF cần phát triển thành một cơ quan chính thức và có thể chế hóa hơn dưới sự bảo trợ của ASEAN. Trên thực tế, một số quốc gia thành viên ASEAN đã kêu gọi điều này, bằng chứng là hai bản dự thảo đang được soạn thảo về việc chính thức hóa ACF trong diễn đàn gần đây nhất.

Trao quyền cho ACF đóng vai trò mạnh mẽ hơn

Việc chính thức hóa ACF đòi hỏi nhiều hành động.

Thứ nhất, việc tạo điều kiện cho các cuộc họp thường kỳ và các cuộc diễn tập chung định kỳ với sự tham gia của lực lượng bảo vệ bờ biển và các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải từ tất cả các quốc gia thành viên ASEAN là rất quan trọng.

Các diễn đàn trước đây không có sự tham gia đầy đủ của tất cả các thành viên ASEAN, vì một số thành viên vắng mặt để giải quyết các vấn đề trong nước cấp bách hơn vào thời điểm đó, chẳng hạn như chuẩn bị bầu cử quốc gia và quản lý thảm họa. Điều này có khả năng làm suy yếu hiệu quả và tính bao trùm các sáng kiến ​​của ACF.

Sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong khu vực sẽ giúp xây dựng lòng tin lẫn nhau, thúc đẩy khả năng tương tác và bảo đảm rằng tất cả các quan điểm và năng lực đều được xem xét.

Thứ hai, cần hoàn thiện và thông qua các hướng dẫn và tài liệu có liên quan để bảo đảm ACF hoạt động hiệu quả. Ví dụ, cần xây dựng một tài liệu khái niệm về ACF để xác định rõ nhiệm vụ, tầm quan trọng, phạm vi và các hình thức hoạt động.

Ngoài ra, cần ban hành các điều khoản tham chiếu để nêu rõ trách nhiệm của các thành viên, quy trình ra quyết định và kế hoạch làm việc của ACF. Các tài liệu này cũng cần nêu rõ các cách thức tham gia để hướng dẫn các hoạt động trên biển của lực lượng bảo vệ bờ biển của các quốc gia ASEAN. AFC có thể tham khảo mô hình hợp tác hiệu quả của Diễn đàn chức năng bảo vệ bờ biển châu Âu (ECGFF).

Thứ ba, các cơ chế hợp tác của ACF cần bảo đảm tính minh bạch, cởi mở và tăng cường hiểu biết lẫn nhau về các thách thức an ninh hàng hải chung. Việc chia sẻ thông tin thường xuyên sẽ cho phép các thành viên trao đổi dữ liệu giám sát hàng hải và thông tin tình báo về các mối đe dọa chung.

Hiện tại, các lực lượng hải quân ASEAN tạo điều kiện trao đổi thông tin thông qua Cổng thông tin chia sẻ thông tin ASEAN và ACF có thể phát triển một nền tảng chuyên dụng tương tự cho các cơ quan bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên, những thách thức như chính sách quốc gia khác nhau, tính nhạy cảm của dữ liệu và sự đa dạng về ngôn ngữ trong khu vực có thể cản trở việc chia sẻ thông tin hiệu quả.

Thứ tư, các bài tập xây dựng năng lực cũng nên là trọng tâm hợp tác tại ACF, nơi các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải có thể đồng tổ chức các cuộc diễn tập chung, các bài tập thực thi pháp luật, đào tạo chuyên sâu và các chương trình trao đổi kiến ​​thức. Các chương trình đào tạo có thể bao gồm các lĩnh vực như hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, an ninh mạng, giao thức an toàn, kỹ thuật điều hướng và đào tạo thiết bị, cùng nhiều lĩnh vực khác.

Đổi lại, điều này có thể củng cố sự hiểu biết chung về các thách thức an ninh hàng hải và thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan. Tháng 8/2024, Philippines và Việt Nam đã tổ chức cuộc diễn tập chung đầu tiên của lực lượng bảo vệ bờ biển. Mô hình này có thể mở rộng quy mô để có sự tham gia của nhiều cơ quan bảo vệ bờ biển hơn trong khu vực thông qua ACF.

Tất nhiên, việc triển khai các khuyến nghị này không hề dễ dàng do các lực lượng bảo vệ bờ biển trong khu vực Đông Nam Á đang tiếp tục phải đối mặt với những hạn chế về nguồn lực, nhân sự và tài chính. Tuy nhiên, việc chính thức hóa ACF là điều cần thiết để ngăn chặn hiệu quả các tội phạm trên biển, chẳng hạn như buôn bán bất hợp pháp và IUU, đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia trong việc thực thi pháp luật. Sáng kiến ​​này sẽ trao quyền cho ACF đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy cam kết của ASEAN đối với chiến lược an ninh hàng hải toàn diện và tích hợp.

Malaysia-Australia ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, kêu gọi kiềm chế ở Biển Đông Malaysia-Australia ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, kêu gọi kiềm chế ở Biển Đông

Ngày 10/12, tại Melbourne, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Mohamed Khaled Nordin và Phó Thủ tướng Australia kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Richard ...

Cảnh sát biển Việt Nam và Ấn Độ diễn tập tìm kiếm cứu nạn và xử lý các sự cố Cảnh sát biển Việt Nam và Ấn Độ diễn tập tìm kiếm cứu nạn và xử lý các sự cố

Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ đã tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn và xử ...

Thúc đẩy Chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Thúc đẩy Chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh đã được đặt nền móng từ Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo ...

Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hội nhập quốc tế Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hội nhập quốc tế

Chiều 26/12, Hội thảo với chủ đề 'Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ ...

Xung đột ở Gaza: Các bên chính thức ký thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin, vai trò của ông Trump được tiết lộ Xung đột ở Gaza: Các bên chính thức ký thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin, vai trò của ông Trump được tiết lộ

Ngày 17/1, phong trào Hồi giáo Hamas, Mỹ và Qatar đã chính thức ký thỏa thuận thả con tin và lệnh ngừng bắn ở Dải ...



Nguồn: https://baoquocte.vn/thuc-day-chien-luoc-an-ninh-hang-hai-toan-dien-va-tich-hop-thong-qua-dien-dan-canh-sat-bien-asean-303103.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available