- Hội nghị Cấp cao ASEAN 43: Một ASEAN tự cường, chuyển mình vì lợi ích cho người dân
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: ASEAN độc lập và tự cường, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế
- Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 dự kiến thông qua và ghi nhận gần 50 văn kiện
- Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 giai đoạn 2021 – 2025
Ngày 29/9, tại TP.HCM, Bộ LĐ-TB&XH với vai trò là cơ quan đầu mối phụ trách hoạt động của Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) tổ chức Hội thảo tham vấn của Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN (ACWC).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH, Đại diện ACWC về Quyền Phụ nữ của Việt Nam) cho biết, ACWC đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em trong ASEAN thông qua việc thực hiện các Kế hoạch công tác 5 năm (giai đoạn 2012-2016 và 2016-2020) với các hoạt động về thúc đẩy bình đẳng giới, lồng ghép giới, xóa bỏ tất cả hình thức bạo lực đổi với phụ nữ và trẻ em, tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em cũng như giải quyết những vấn đề mới nổi ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em ASEAN.
Bà Hà Thị Minh Đức hy vọng thông qua Hội thảo, các đại biểu sẽ hiểu thêm về những nỗ lực của ACWC nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ở cấp khu vực, cùng thảo luận và đề xuất các hoạt động hợp tác trong thời gian tới.
Cũng tại Hội thảo, bà Hà Thị Minh Đức đã giới thiệu về Kế hoạch hành động của ACWC giai đoạn 2021 – 2025 và việc thực hiện Kế hoạch cho đến thời điểm hiện tại.
Theo đó, kế hoạch công tác giai đoạn 2021 – 2025 tập trung vào tăng cường sự hỗ trợ đối với các vấn đề về phụ nữ và trẻ em thông qua cơ chế vận động hiệu quả; xây dựng quan hệ đối tác; nâng cao nhận thức và năng lực về lồng ghép quyền của phụ nữ và trẻ em trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình và chính sách liên qua.
Kế hoạch bao gồm 29 hoạt động dự án do các nước thành viên ASEAN chủ trì, tập trung vào các lĩnh vực sau: phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; mua bán phụ nữ và trẻ em; thúc đẩy quyền phụ nữ và trẻ em di cư; bảo vệ trẻ em; phụ nữ, hòa bình và an ninh; tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em trước những tác động của biến đổi khí hậu và nền công nghiệp 4.0.
Tiếp tục Chương trình, bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH, Đại diện ACWC về Quyền Phụ nữ của Việt Nam) đã cập nhật về các hoạt động do Việt Nam ACWC chủ trì, phối hợp thực hiện trong năm 2022 – 2023 và dự kiến các hoạt động sẽ triển khai trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã cùng thảo luận và đề xuất các khuyến nghị và cơ hội hợp tác.
Tại hội thảo, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam) và ông Trần Văn Thao, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã trình bày tổng quan về tình hình trẻ em trên môi trường mạng, việc thực hiện các chính sách và pháp luật liên quan.
Đồng thời, ông Nguyễn Hiệp Trí, Phó trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) đã trình bày về các biện pháp và mô hình về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được triển khai tại TP.HCM.
Tại Hội thảo, ông Đỗ Dương Hiển, Tổ chức ChildFund Việt Nam cũng đã chia sẻ về những nỗ lực của tổ chức này trong việc triển khai các chương trình và dự án về bảo vệ trẻ em trên mỗi trường mạng và đề xuất các khuyến nghị trong thời gian tới.
Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) được thành lập vào ngày 7/4/2010 tại Hà Nội, nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16.
Theo đó, Ủy ban ACWC được thành lập với mục tiêu thúc đẩy, bảo vệ, tôn trọng và thực thi các quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN để họ được sống hòa bình, bình đẳng, công bằng và thịnh vượng.
ACWC bao gồm 20 Đại diện của các Quốc gia Thành viên ASEAN về quyền phụ nữ và quyền trẻ em, trong đó mỗi nước cử 2 đại diện. Mỗi Đại diện ACWC phục vụ nhiệm kỳ ba năm và có thể được bổ nhiệm lại cho nhiệm kỳ thứ hai. ACWC họp định kỳ 2 lần/năm.