Sáng 16/12, tại thủ đô Tokyo, tiếp tục các hoạt động song phương tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp gỡ cấp cao, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn chào đón Thủ tướng và Đoàn Việt Nam. (Ảnh: Hà Thế Giang) |
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tầm quan trọng của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản trong hợp tác kinh tế, đầu tư, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ XHCH, lấy người dân là trung tâm, chủ thể của các chính sách của Nhà nước, người dân phải đóng góp, thúc đẩy sự phát triển, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó tuân thủ quy luật cung cầu có sự điều tiết của Nhà nước.
Thủ tướng nêu rõ, xuyên suốt quá trình phát triển, Việt Nam xác định con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển. Việt Nam không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực tạo môi trường thuận lợi nhất, bảo đảm cho các doanh nghiệp đến Việt Nam yên tâm làm ăn, phát triển lâu dài.
Thủ tướng đặt câu hỏi với các doanh nghiệp Nhật Bản là làm thế nào để Việt Nam đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Thủ tướng nhắc lại rằng, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã từng nhấn mạnh “hợp tác với Việt Nam là không có giới hạn”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam xác định nội lực là chính, nhưng không thể thiếu ngoại lực, sự hợp tác của doanh nghiệp Nhật Bản. (Ảnh: Đoàn Bắc) |
Thủ tướng cho biết các nhà đầu tư bao giờ cũng cần sự ổn định chính trị, bảo đảm vững chắc về quốc phòng an ninh, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đây là yêu cầu cơ bản. Cho nên Việt Nam luôn luôn nỗ lực giữ gìn độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam xác định nội lực là chính, nhưng không thể thiếu ngoại lực, xác định độc lập, tự chủ nhưng không thể thiếu hội nhập, chỉ có độc lập, tự chủ mới đứng vững được trước các “cơn gió ngược”. Muốn vậy phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, cân bằng thị trường lao động… nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Thủ tướng cũng khẳng định mạnh mẽ: Việt Nam là nơi khu trú an toàn trong cơn bão của thế giới hiện nay. Việt Nam thực hiện đường lối chính sách quốc phòng “4 không”, coi trọng phát triển nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc bên cạnh phát triển kinh tế, coi trọng đạo đức kinh doanh; sự yêu thương con người, kết nối “từ trái tim đến trái tim” như cố Thủ tướng Fukuda Takeo của Nhật Bản đã từng nói về quan hệ ASEAN – Nhật Bản. Việt Nam kết hợp các chính sách kinh tế, quốc phòng, văn hoá… là nền tảng cơ bản để các nhà đầu tư yên tâm đến Việt Nam làm ăn. Việt Nam sẵn sàng là người bạn, đối tác với các tập đoàn, doanh nghiệp người ngoài.
Doanh nghiệp Nhật Bản đặt câu hỏi với Thủ tướng về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao. (Ảnh: ĐB) |
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn lắng nghe, quý trọng bạn bè. Trong kết quả này có sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có Nhật Bản. Thủ tướng mong các bạn cùng Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, bởi theo Thủ tướng, đây là lựa chọn chiến lược của Việt Nam.
Việt Nam xác định phát triển công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ hơn, có vai trò nằm trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản, toàn cầu. Muốn vậy, phải có đầu tư phát triển, đầu tư nguồn nhân lực, công xưởng. Muốn vậy phải có nguồn lực, muốn vậy phải có các cơ chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.
Theo Thủ tướng, Việt Nam phải đào tạo nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đang xây dựng các chính sách ưu tiên cho các ngành mới nổi, trong đó có ngành sản xuất chíp bán dẫn.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang hợp tác bình đẳng với các đối tác lớn trên thế giới, tạo hệ sinh thái để tích cực phát triển xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn… (Ảnh: Đức Khải) |
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chính sách này, theo đó ưu tiên cho các tập đoàn lớn đầu tư, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với đó là tăng cường đào tạo kỹ sư về chíp bán dẫn… Việt Nam sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Năm nay, trong điều kiện thế giới khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng về thu hút đầu tư FDI.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn phát triển ngành sản xuất chíp bán dẫn đột phá. Việt Nam đang nghiên cứu cách làm việc để tổ chức tốt hơn, tập hợp được các lực lượng, tập đoàn bán dẫn trên thế giới vào đầu tư Việt Nam. Việt Nam đang hợp tác bình đẳng với các đối tác lớn trên thế giới trong lĩnh vực này, tạo hệ sinh thái để tích cực phát triển xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn…
Các tập đoàn Nhật Bản khẳng định, Việt Nam là cứ điểm quan trọng của Nhật Bản, thời gian tới, trí tuệ nhân tạo là yếu tố quan trọng trong công nghiệp bán dẫn, các hoạt động lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong quá trình trao đổi với các đồng nghiệp các nước, họ đều quan tâm sự phát triển ngành bán dẫn trên thế giới hiện nay. Các doanh nghiệp đều quan tâm tầm nhìn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, các chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, tìm hiểu thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là vấn đề nguồn nhân lực…