Động thái này diễn ra trong bối cảnh các bên đang bắt đầu xây dựng một cơ cấu chính trị để quản lý Gaza sau chiến tranh, trong đó gây áp lực lên Tổng thống Mahmoud Abbas nhằm hoàn thiện Chính quyền Palestine (PA).
Việc từ chức của ông Shtayyeh vẫn phải được Tổng thống Abbas chấp nhận, người có thể yêu cầu ông tiếp tục tạm quyền cho đến khi bổ nhiệm được người thay thế lâu dài.
Trong một tuyên bố, ông Shtayyeh, một nhà kinh tế nhậm chức vào năm 2019, cho biết giai đoạn tiếp theo sẽ cần phải tính đến thực tế mới ở Gaza, nơi đã bị tàn phá sau gần 5 tháng giao tranh ác liệt.
Ông cho biết giai đoạn tiếp theo sẽ “đòi hỏi những thỏa thuận chính trị và chính quyền mới có tính đến thực tế đang nổi lên ở Dải Gaza, các cuộc đàm phán đoàn kết dân tộc và nhu cầu cấp thiết về sự đồng thuận giữa những người Palestine”. Ngoài ra, nó cần “mở rộng quyền lực của Chính quyền đối với toàn bộ vùng đất của Palestine”.
Chính quyền Palestine, được thành lập cách đây 30 năm theo hiệp định hòa bình tạm thời ở Oslo, nhằm thực hiện quản lý hạn chế đối với các khu vực ở Bờ Tây bị chiếm đóng và Gaza, nơi mà PA đã bị Hamas chiếm lấy quyền lực vào năm 2007.
Phong trào Fatah, nhóm kiểm soát PA, và Hamas đang nỗ lực thỏa thuận về một chính quyền đoàn kết và sẽ gặp nhau tại Moscow vào thứ Tư tới. Một quan chức cấp cao của Hamas cho biết động thái này phải đi kèm với một thỏa thuận rộng hơn về việc quản lý đối với người Palestine.
Lãnh đạo cấp cao của Hamas, Sami Abu Zuhri, nói: “Việc Shtayyeh từ chức chỉ có ý nghĩa nếu nó diễn ra trong bối cảnh cả nước đồng thuận về các thỏa thuận cho giai đoạn tiếp theo”.
Hoàng Anh (theo Reuters, AJ, CNN)