Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính sớm hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ phê duyệt đề án phát triển thị trường carbon ngay trong tháng 7.
Chiều 14/7, Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết của Việt Nam phát thải ròng bằng 0 năm 2050. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng nghị định quản lý tín chỉ carbon, trình Chính phủ trong quý 2/2024.
Bộ Tài nguyên Môi trường cũng được giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham khảo kinh nghiệm các nước, tham mưu Thủ tướng ban hành chỉ thị về quản lý tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam. Bốn bộ khác được giao sớm ban hành quy định ứng phó biến đổi khí hậu và giảm phát thải nhà kính. Các doanh nghiệp có phát thải nhà kính sẽ được kiểm kê.
Tín chỉ CO2 (tín chỉ carbon) là chứng nhận có thể giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2, hoặc một tấn khí nhà kính khác tương đương. Phương thức mua bán được hiểu là một công ty tạo ra 12 tấn khí thải trong khi giới hạn cho phép là 10 tấn thì có thể mua lại 2 tấn tín chỉ từ công ty tạo khí thải thấp hơn mức giới hạn. Điều này được xác nhận bởi một bên thứ ba. Mục tiêu cuối cùng của tín chỉ carbon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.
Thị trường mua bán tín chỉ carbon trên thế giới khá sôi động. Tại Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Ba năm sau, sàn sẽ được vận hành chính thức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc
Cuối năm 2022, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị rao bán tín chỉ carbon với 5 cánh rừng đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng nhận quốc tế FSC về hấp thụ và lưu trữ CO2. Huyện Hướng Hóa có 2.150 ha rừng, có thể hấp thụ 7.000 tấn CO2 mỗi năm. Địa phương đang đàm phán với một doanh nghiệp tại Hà Lan để bán tín chỉ carbon với giá 10 USD/tấn CO2.
Tuy nhiên, không nhiều địa phương có thể bán tín chỉ carbon. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài muốn mua tín chỉ carbon tại Việt Nam nhưng gặp trở ngại do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.
Khi vào Việt Nam, doanh nghiệp cần một cơ quan điều phối từ phía Chính phủ để hướng dẫn vì thị trường carbon có rất nhiều lĩnh vực như lâm nghiệp, năng lượng, chăn nuôi, thú y… Việt Nam vẫn chưa có hệ thống đăng ký quyền carbon hay danh sách cơ sở, dự án về carbon để doanh nghiệp tìm đến.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà (bìa trái) và Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh thảo luận tại phiên họp chiều 14/7. Ảnh: Nhật Bắc
Tại phiên họp hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Việt Nam không thể đứng ngoài và cần xem đây là cơ hội phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững. “Việc phát triển xanh phải bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau”, lãnh đạo Chính phủ nói.
Ông giao Bộ Công Thương sớm trình để ban hành cơ chế thí điểm mua, bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng lớn; có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái. Chủ trương này nhằm đẩy nhanh các dự án chuyển đổi năng lượng công bằng, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.