(MPI) – Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đã trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch và tặng hoa chúc mừng tỉnh Bình Phước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: binhphuoc.gov.vn |
Tham dự buổi Lễ có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Về phía tỉnh Bình Phước có Bí thư tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh; Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cùng lãnh đạo các ban, sở, ngành, huyện thị, thị xã, thành phố.
Hội nghị nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về quy hoạch tỉnh để các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân biết, hiểu, thống nhất về nhận thức để triển khai thực hiện. Đồng thời, giới thiệu những định hướng phát triển của tỉnh; thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 và được điều chỉnh tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 24/10/2024. Quy hoạch các tỉnh, thành phố được phê duyệt và công bố rộng rãi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, toàn thể nhân dân, doanh nghiệp biết, thống nhất trong nhận thức và hành động. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá. Tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số.
Cụ thể, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 10%. Cơ cấu kinh tế: công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại – dịch vụ 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 11%. Kinh tế số chiếm 30% trong cơ cấu nền kinh tế. GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng (tương đương 7.500 USD). Thu ngân sách đạt 30.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%. Giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh thành lập mới 15.000 doanh nghiệp. Khách du lịch đạt 3,5 triệu lượt khách…
Đến năm 2050, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh Bình Phước xác định các đột phá phát triển gồm: ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, phát triển hạ tầng đô thị, thương mại cửa khẩu, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển hạ tầng số; ưu tiên đào tạo lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững; hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch.
Về phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp: Huy động các nguồn lực để phát triển mạng lưới khu công nghiệp tại các địa phương trong vùng phía Nam và lân cận gồm: thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú, huyện Hớn Quản…
Đồng thời, mở rộng và thành lập mới các khu công nghiệp khi được cấp có thẩm quyền giao bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 18.105 ha.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước đã đạt được trong suốt chặng đường qua. Đồng thời nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh Bình Phước sẽ tạo ra không gian mới, tầm nhìn mới, giá trị mới để hiện thực hóa khát vọng của các thế hệ lãnh đạo, của Đảng bộ và nhân dân; Đưa Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, là đầu mối kết nối kinh tế với khu vực Tây Nguyên, có không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, với lợi thế của địa phương đi sau, trong quá trình thực hiện quy hoạch Bình Phước phải “đồng bộ hơn, bài bản hơn, nhanh hơn, xanh hơn, bền vững hơn”. Theo đó, tỉnh phải khẩn trương cụ thể hóa Quy hoạch chung bằng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch ngành đồng bộ, đồng thời; có cơ chế đặc thù thu hút các nhà khoa học, tư vấn lập quy hoạch, nhà đầu tư hàng đầu.
Cùng với đó, đẩy mạnh kết nối giao thông giữa các trục phát triển, nhằm giảm chi phí thời gian, logistics cho các doanh nghiệp ở Bình Phước; xây dựng những khu công nghiệp xanh, sạch, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường…, để sản phẩm của các doanh nghiệp không phải đóng thuế carbon, cạnh tranh sòng phẳng ở các thị trường trên thế giới.
Tỉnh cần có chiến lược thu hút các dự án, lĩnh vực đầu tư công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao. Trong đó, các dự án công nghiệp phải tiếp cận tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, tạo ra các doanh nghiệp cộng sinh trong khu công nghiệp, khu kinh tế “không khí thải, không rác thải, không nước thải”. Nhà đầu tư phải cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, làm chủ các chuỗi giá trị.
Kinh tế nông nghiệp chú trọng chất lượng cao, sinh thái, công nghiệp hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, hình thành các hệ sinh thái bền vững, phát triển du lịch nông nghiệp.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Phước dành nguồn lực Nhà nước để hiện thực hóa công cuộc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tránh những khó khăn, bất cập, hạn chế nhiều đô thị, nhiều địa phương gặp phải như chưa phát triển đã ô nhiễm, tắc nghẽn, ngập lụt, quá tải hạ tầng xã hội; làm tốt hơn nữa trong xây dựng chính quyền phục vụ thông qua chuyển đổi số, kinh tế số, trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, quản lý nhà nước cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp tìm hiểu tổng thể hơn về tầm nhìn, không gian phát triển mới, những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội của Bình Phước, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững theo những định hướng, ưu tiên của quy hoạch tỉnh.
Đồng thời bày tỏ tin tưởng, với sự khởi đầu hết sức tốt đẹp, cùng với vốn quý là lòng tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa, tinh thần vượt khó, năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, Bình Phước sẽ bước đi đầy tự tin, với sức trẻ, nhiệt huyết để bước vào kỷ nguyên mới để phát triển nhanh, bền vững, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-12-15/Thu-truong-Nguyen-Thi-Bich-Ngoc-tham-du-Hoi-nghi-caq0fxi.aspx