Thứ trưởng Giáo dục nói sẽ đề nghị Chính phủ bắt buộc mọi khoản thu ở trường học đều không dùng tiền mặt, để tránh lạm thu.
Chiều 9/9, tại họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ đã ban hành đầy đủ hướng dẫn về các khoản thu của trường phổ thông. Quan trọng là địa phương, nhà trường tăng cường thanh tra để tránh lạm thu dưới mọi hình thức.
“Tiến tới mọi khoản thu của các trường sẽ không dùng tiền mặt, nhằm khắc phục tình trạng lạm thu”, ông Sơn nói, cho hay Bộ sẽ đề nghị Chính phủ có văn bản pháp lý bắt buộc việc này.
Với các đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo không quản lý trực tiếp tài chính của từng trường, chỉ quy định cơ chế thu, quản lý học phí. Những khoản thu theo dịch vụ phải công khai, minh bạch với người học, đúng pháp luật.
Với 34 trường đại học trực thuộc, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra.
“Trường nào không thực hiện đúng cam kết sẽ bị xử lý”, ông Sơn nói.
Hiện các trường mầm non và phổ thông công lập được phép thu học phí (trừ tiểu học) theo mức do HĐND địa phương quyết định, thu hộ tiền Bảo hiểm y tế. Ngoài ra, các trường có thể thu tiền dạy hai buổi một ngày, ăn bán trú, chăm sóc bán trú, vệ sinh, nước uống, đồng phục, phù hiệu…
Theo thống kê, các trường học được phép thu trên dưới 20 khoản tiền. Ở mỗi khoản, các địa phương đều đưa ra mức trần, yêu cầu nhà trường thỏa thuận với phụ huynh, công khai, minh bạch… Với các khoản xã hội hóa, các trường huy động trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng, không ép buộc.
Tháng 6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn, yêu cầu các trường phối hợp với các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan để thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, việc này chưa phải là bắt buộc. Các nhà trường vẫn có thể dùng nhiều phương thức, gồm cả thanh toán trực tuyến hoặc thu tiền mặt qua bộ phận tài vụ, giáo viên chủ nhiệm.
Địa phương áp dụng trên diện rộng nhất là TP HCM, phụ huynh tất cả trường học đều thanh toán học phí qua app.