Chí Cường, 23 tuổi, được thăng quân hàm trung úy sớm một năm vì tốt nghiệp loại giỏi và là thủ khoa đầu ra của trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy.
Nguyễn Chí Cường, tốt nghiệp với điểm trung bình 8,61/10. Chàng trai đến từ Đà Nẵng là một trong 96 thủ khoa được UBND thành phố Hà Nội tuyên dương hôm 10/10, cũng là đại diện duy nhất của khối trường công an góp mặt trong danh sách được vinh danh năm nay.
“Mình thường hay đặt những mục tiêu nhỏ, ngắn hạn theo từng kỳ hoặc năm học. Do đó, trở thành thủ khoa đầu ra là thành tích ngoài mong đợi của mình”, Cường bày tỏ.
Sinh trưởng trong gia đình có bố là bộ đội, nhiều người quen cũng học An ninh, Cảnh sát, nên Cường sớm đặt mục tiêu gia nhập lực lượng công an nhân dân. Khi biết con trai chọn khoa Chỉ huy chữa cháy, Đại học Phòng cháy Chữa cháy, bố mẹ Cường ủng hộ, dù lo lắng con sẽ vất vả khi học xa nhà 800 km.
Cường thừa nhận lúc đó do quá hào hứng với hành trình mới nên chưa nghĩ nhiều về điều này. Cậu sống trong ký túc xá với 7 bạn học khác, đến từ nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Ninh, Thái Bình.
“Mình không quen ai, lại xa nhà quá nên thời gian đầu cũng khá rụt rè, ngại giao tiếp. Ngày trước, đau ốm chút là có bố mẹ chăm sóc nhưng giờ mình phải tự chăm sóc, cũng không dám gọi điện về, lại làm bố mẹ lo thêm”, Cường kể, nói mất khoảng một tháng để quen với các bạn, dần thích nghi với đời sống sinh viên.
Chương trình học của Cường kéo dài bốn năm, trong đó ba năm đầu chủ yếu rèn thể lực, học lý thuyết, mô phỏng và các môn liên quan nghiệp vụ cảnh sát. Những môn thể lực từng là thử thách lớn với Cường. Ngoài các môn thể thao, hoạt động bắt buộc như nhảy xa, chạy, xà đơn, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy phải học cách điều tiết nhịp thở.
Cường giải thích, khi tham gia chữa cháy, chiến sĩ phải mặc đồ bảo hộ, đeo bình oxy rất nặng. Nếu thở hồng hộc do mệt hoặc tâm lý hoảng loạn, chiến sĩ sẽ khiến lượng oxy trong bình cạn nhanh, giảm hiệu suất công việc.
“Đến giờ thì mình quen rồi. Một ngày không hoạt động thể thao lại thấy thiếu. Vận động cũng giúp mình khỏe người, ăn ngủ ngon hơn”, Cường nói.
Là lớp phó học tập, cậu thường chủ động xin giáo viên đề cương ngay khi bắt đầu môn học. Bài giảng tới đâu, Cường tổng hợp luôn phần trả lời cho mỗi câu hỏi trong đề cương, xin góp ý từ thầy cô, rồi chia sẻ với các bạn.
Thiếu tá Trần Anh Tuấn, cán bộ Phòng quản lý học viên trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy, là giáo viên chủ nhiệm lớp của Cường. Thầy Tuấn nhận xét Cường chăm chỉ, ham học hỏi; là lớp phó học tập được tín nhiệm, dù nhỏ tuổi nhất lớp. Nhờ vậy, lớp của Cường luôn có kết quả học tập tốt nhất khóa.
Theo thầy Tuấn, Cường giỏi toàn diện, đặc biệt là các môn nghiệp vụ. Với lợi thế tiếng Anh, Cường thường lên mạng tham khảo tài liệu về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của nước ngoài.
“Ước mơ của Cường là trở thành chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy thực thụ, cứu người và tài sản trong mọi tình huống”, thầy giáo nói.
Kỷ niệm đáng nhớ với Cường là thời gian thực tập tại đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, quận Hoàn Kiếm, vào năm ngoái. Trong một lần tham gia chữa cháy, Cường lên tầng ba, cõng một cụ ông ra ngoài an toàn.
Ban đầu, cậu định đưa ông bằng lối thang bộ, nhưng vì có quá nhiều khói, Cường cõng nạn nhân theo lối ban công sang nhà bên cạnh, đi xuống bằng thang thoát hiểm. Xuống đến nơi an toàn, Cường nhận được lời cảm ơn của nạn nhân và người nhà, trên gương mặt bám đầy bụi than.
“Mình không thể diễn tả được cảm giác hạnh phúc và xúc động ấy. Trước đó, nạn nhân cũng nói rất tin lính cứu hỏa, điều đó tiếp thêm động lực cho mình rất nhiều”, Cường nhớ lại.
Tốt nghiệp tháng 10/2022, Cường trở về quê nhà Đà Nẵng, nhận nhiệm vụ tại Công an quận Cẩm Lệ. Cường thành thật, khi trở thành thủ khoa, cậu từng có suy nghĩ mình đã rất vững lý thuyết, chuyên môn. Tuy nhiên, khi không còn tham gia chữa cháy với vai trò sinh viên hay chiến sĩ thực tập, không còn đàn anh hay thầy giáo luôn ở phía sau hỗ trợ, Cường nhận ra mình đã tự mãn.
Học chuyên ngành Chỉ huy chữa cháy, vị trí của Cường khi tốt nghiệp là tiểu đội trưởng (người chỉ huy một xe chữa cháy). Cậu phải quyết định toàn bộ hoạt động của cả kíp xe chữa cháy. Ngoài việc nắm bắt tình huống, chọn phương pháp chữa cháy, Cường còn phải đảm bảo an toàn của chiến sĩ theo xe.
“Lúc trước, mình được hướng dẫn, giờ là người đưa ra quyết định. Mình đã bị tâm lý, mơ hồ và bấn loạn về vai trò và những phán đoán của bản thân”, Cường nói.
Hiểu nếu không nhanh chóng cải thiện và thay đổi, cái giá phải trả rất đắt, Cường bắt đầu bằng việc xin lời khuyên, hướng dẫn của các anh, chị đi trước và cấp trên. Khi đã hiểu vai trò của mình là gì, cậu xây dựng thói quen kiểm tra dụng cụ trên xe chữa cháy mỗi ngày. Bởi nếu tiểu đội trưởng không nắm được vị trí, cách hoạt động của từng dụng cụ trên xe thì sẽ ảnh hưởng tới phương pháp chữa cháy. Việc này cũng giúp Cường phát hiện những thiết bị hỏng hóc, trục trặc, cần sửa chữa ngay. Cậu còn tham gia tập luyện cùng anh em trong kíp xe, nhằm nắm bắt tính cách, khả năng của từng người, từ đó phân công nhiệm vụ phù hợp.
“Dần dần, mình trưởng thành và tự tin, quyết đoán hơn. Mình thấy bản thân may mắn vì luôn có các anh chị, thầy cô đồng hành và hướng dẫn”, Cường chia sẻ.
Với thành tích tại Đại học Phòng cháy chữa cháy, tháng 6/2023, Cường được phong hàm trung úy, sớm hơn một năm so với thời hạn chuẩn. Thầy Tuấn nói tự hào về thành tích mà học trò đạt được.
“Tôi được biết Cường thích nghi nhanh với các nhiệm vụ khi về Đà Nẵng công tác. Trong công tác tuyên truyền và huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, Cường được quý mến và đánh giá cao về khả năng sư phạm. Tôi tin với sự yêu nghề và ham học hỏi, Cường sẽ phát triển và thành công hơn”, thầy Tuấn nói.
Thầy giáo cho biết thêm, trong cuộc sống, Cường nhân hậu, rất yêu trẻ em và động vật. Cậu có thể giúp đỡ mọi người vô điều kiện, thường suy nghĩ tích cực và trách nhiệm với công việc.
Lúc được hỏi sợ nhất điều gì khi làm cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cường đáp ngay: cháy nhà dân. Nếu nhận thông tin cháy nhà dân và còn người mắc kẹt, Cường và các anh em đều thấp thỏm và lo lắng, sẵn sàng bình khí, chuẩn bị phương án cứu người.
“Trong ít phút từ trụ sở tới hiện trường, cả kíp xe đều bận nghĩ là phải làm gì, lên phương án chữa cháy thế nào. Mình không sợ hay lo lắng cho bản thân và nghĩ chiến sĩ nào cũng vậy thôi”, Cường nói.
Vnexpress.net