Mỗi bước tiến trên hành trình chinh phục đường chạy được chàng trai Gen Z đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu.
“Cố lên! Cố lên!”, nghe thấy tiếng cổ vũ vang lên từ phía xa, Vũ Tiến Mạnh, 23 tuổi (quê ở Phú Thọ) như bừng tỉnh.
Cơ thể rệu rã, đến nhấc chân cũng phải cần một nỗ lực lớn sau khi vượt quãng đường gần 42km, như được tiếp thêm một nguồn năng lượng khổng lồ.
Khoảnh khắc chạm vào vạch đích trong tiếng hò reo vang dậy của mọi người, chàng trai trẻ như vỡ òa, những giọt nước mắt bất giác rơi hòa làm một với mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt.
Vũ Tiến Mạnh chính thức trở thành người Việt Nam khiếm thị đầu tiên chinh phục marathon.
Huy chương cự ly 42km vừa giành được tại giải marathon tổ chức tại Hạ Long, được Vũ Tiến Mạnh treo trang trọng trên bức tường ở phòng khách, nơi lưu giữ những thành tích chạy bộ của anh.
Nằm kế bên, là chiếc huy chương vàng của giải chạy toàn quốc cho học sinh khuyết tật năm 2014.
Hai tấm huy chương như gói gọn cả một hành trình dài từ khi lúc vừa bén duyên đến khi chinh phục những đỉnh cao chạy bộ của Mạnh.
Mỗi bước tiến trên hành trình này đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả máu.
Mắc căn bệnh rung giật nhãn cầu, ngay từ khi chào đời, Mạnh chỉ có thể nhìn được “lờ mờ” những vật có kích thước lớn và màu sắc. Thị lực của cậu xuống dần theo năm tháng và đến năm 2020, Mạnh chỉ có thể phân biệt được sáng tối.
“Làm gì để sống khi là một người khuyết tật?”, đó là trăn trở của bố mẹ khi chấp nhận thực tế Mạnh sẽ sống cả đời trong bóng tối, sau những nỗ lực chạy chữa đến kiệt quệ tài chính.
Ban đầu, gia đình định hướng cho Mạnh theo đuổi con đường âm nhạc, nhưng cậu không nhận thấy niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này. Trái lại, Vũ Tiến Mạnh lại tìm thấy trong mình tình yêu với chạy bộ.
Bố mẹ phản đối quyết liệt vì cho rằng chạy bộ là bộ môn nguy hiểm với Mạnh. Điều này không hề sai. Những buổi tập chạy đầu tiên của Mạnh luôn kết thúc với đôi chân và tay chi chít những vết thương rớm máu do bị ngã, va chạm.
“Để chứng minh với bố mẹ lựa chọn của mình là đúng, không có cách nào khác ngoài sự nỗ lực. Kết quả đương nhiên không thể đến trong ngày một ngày hai. Và rồi những cú ngã dần ít lại, tốc độ chạy cũng nhích lên theo thời gian”, Mạnh nhớ lại.
Bước ngoặt xảy ra vào năm 2014, Mạnh tham gia Giải chạy Toàn quốc cho học sinh khuyết tật và xuất sắc đạt huy chương vàng.
Mạnh chia sẻ: “Với tôi, đây luôn là tấm huy chương quý giá nhất. Nó không chỉ mở ra con đường chạy bộ chuyên nghiệp, mà còn giúp tôi nói với bố mẹ rằng “con đã làm được”. Cả gia đình đã thay đổi suy nghĩ và bắt đầu ủng hộ cho lựa chọn của tôi từ đó”.
Đằng sau tấm huy chương bạc tại ASEAN Para Games 12 lại là những lần chân chạy khiếm thị đứng trước thách thức cực hạn, ngỡ không thể vượt qua.
Những ngày đầu tháng 4, để làm quen với cái nóng của Campuchia (nơi tổ chức giải đấu), đúng khung giờ cao điểm (14h-16h30), Mạnh lại bắt đầu tập chạy trên đường cao su nhựa tổng hợp, nhiệt độ có khi lên đến 49-50 độ C.
“Có nhiều lúc tôi như bước đi trên lằn ranh, chỉ cần một chút nhụt chí là đã có thể bỏ cuộc”, Mạnh mô tả.
Vài tháng sau, những giọt mồ hôi trên đường chạy bỏng rát đã được đền đáp xứng đáng.
“Khoảnh khắc đặt tay mình lên ngực trái và hát vang bài Quốc ca trên đấu trường quốc tế, tôi không kìm được những giọt nước mắt tự hào, người run lên như có dòng điện chạy qua”, Mạnh thuật lại hào hứng và cảm xúc hệt như chuyện chỉ vừa xảy ra ngày hôm qua.
Tấm huy chương mới nhất được đánh đổi bằng những guồng chân không nghỉ liên tục trên cung đường dài 42km vòng quanh thành phố Hạ Long.
Mạnh kể: “10km cuối cùng, tôi gần như chỉ chạy bằng ý chí. Thời gian lúc đó trôi qua rất chậm, mỗi phút đều như cực hình. Cảm tưởng như bao nhiêu sức lực trong cơ thể đều đã dùng hết, tôi không thể tiến thêm một kilomet nào nữa, suy nghĩ bỏ cuộc thì luôn thường trực”.
Sau 3 giờ 41 phút 12 giây, Mạnh vượt qua vạch đích. Cái kết đẹp được viết nên bởi những nỗ lực không ngừng nghỉ, để chinh phục chạy dài.
5h30, trong căn phòng nhỏ nằm ở phố Hào Nam (Hà Nội), chàng thanh niên Vũ Tiến Mạnh lần mò đặt từng món đồ cần thiết cho buổi chạy tập vào chiếc balo đã sờn.
“Một chai nước lọc, một chai bù điện giải, một bộ quần áo, một khăn lau…”, Mạnh lẩm nhẩm.
Tay chạm vào chiếc bàn đặt ngay góc phòng, cậu bật cười: “À, mũ đây rồi! Mình nhớ là đã để nó ở đây mà”.
Sau mỗi giải chạy, Mạnh lại quay về với những buổi chạy tập vào mỗi sáng sớm. Một thói quen, theo cậu mô tả, “cứ đến giờ lại thấy ngứa chân”.
Gần 10 năm làm vận động viên chạy chuyên nghiệp nhưng Mạnh chỉ mới bắt đầu chạy dài 3 năm trở lại đây.
Đó là một buổi sáng đầu năm 2020, Mạnh tỉnh dậy và quyết định làm mới mình với một cự ly mới, vì “Covid-19 ở nhà chán quá”.
“Ô sao chạy dài cảm giác lại thích thế nhỉ”, Mạnh phấn khích ngay trong lần chạy dài đầu tiên.
Cậu mô tả, khi chạy cự ly ngắn 100-300m quen thuộc, chỉ quan tâm việc về đích cho nhanh nhưng chạy dài có thể nói chuyện với rất nhiều các chân chạy xung quanh mình.
Bén duyên với chạy dài từ những cảm xúc mới mẻ, thú vị trên đường chạy, nhưng theo Mạnh để chinh phục được bộ môn này, cần phải có sự đầu tư thật sự nghiêm túc và khoa học. Nhất là khi ngay từ những bước chạy đầu tiên, Mạnh đã đặt đích đến cho mình là một tấm huy chương marathon.
Mạnh phân tích: “Đối với bất kì môn thể thao nào, muốn đi vào con đường chuyên nghiệp thì gần như đều bắt buộc phải có giáo án từ đầu tuần đến cuối tuần”.
Khoảng 1, 2 năm đầu, Mạnh thường có những buổi tập luyện trực tiếp với huấn luyện viên của mình.
Sau này, khi đã có kinh nghiệm, ngoại trừ những buổi quan trọng cần gặp trực tiếp; thời gian còn lại huấn luyện viên sẽ gửi giáo án để Mạnh tập theo và ghi lại dữ liệu qua đồng hồ chuyên dụng.
Mạnh còn có cả một chế độ sinh hoạt riêng cho bản thân khi bước chân vào con đường chạy dài.
Mỗi ngày, cậu ăn 3-5 bữa, luôn đảm bảo bổ sung đầy đủ các chất: xơ, đạm, tinh bột… trong thực đơn.
Việc đi ngủ trước 23h theo Mạnh là một điều cần thiết, để đảm bảo ngủ đủ giấc, chuẩn bị tốt cho ngày luyện tập tiếp theo.
Trước khi chạy dài, dù là mùa đông hay mùa hè cậu vẫn luôn tập các bài khởi động, để làm cơ thể nóng lên.
“Tôi thường chạy khởi động 1-2 km, sau đó ngồi ép cơ; làm các động tác bổ trợ chuyên nghiệp cho vận động viên điền kinh: bước nhỏ, bước cao đùi, gót chạm mông… để cho cơ thể được khởi động, bước vào một cường độ tập luyện lớn ít bị chấn thương hơn”, Mạnh chia sẻ.
Nhận ra tiếng xe máy quen thuộc vang lên trước cửa nhà, cậu thanh niên khiếm thị nhanh chóng khoác balo, khởi đầu ngày mới với đam mê lớn nhất của cuộc đời.
“Tài xế” của Mạnh là Dương, cô gái được anh gọi là người đồng hành đặc biệt.
“Khi chạy bộ, đặc biệt là chạy giải, người khiếm thị cần có một người bạn đồng hành để dẫn đường. Người đồng hành cần có kỹ năng, nắm rõ đường chạy để đảm bảo an toàn cho cả hai khi chạy”, Mạnh chia sẻ.
Ngoài Dương, Mạnh còn có một người đồng hành khác là anh Phạm Bình Linh. Anh Linh đã đồng hành cùng chàng trai khiếm thị này từ những ngày đầu bước vào thể thao cho đến thời điểm hiện tại.
Trước khi tham gia thi đấu một ngày, Mạnh và Linh thường đến trước địa điểm thi để làm quen đường. Buổi làm quen đường đó giúp Mạnh hình dung rõ hơn về chặng đường mình sẽ đi qua.
Khi tham gia thi đấu, người đồng hành luôn chạy bên tay phải vận động viên, họ được kết nối bằng một sợi dây ở tay.
Thông qua sợi dây này, chân chạy khiếm thị sẽ kiểm soát được tốc độ theo người đồng hành cũng như điều hướng cho phù hợp với đường chạy.
Người đồng hành cũng sẽ giúp chân chạy khiếm thị giám sát các chỉ số trên đồng hồ thể thao, cũng như nhắc nhở khi cần thiết.
“Người đồng hành là tri kỷ, là “đôi mắt” của chúng tôi”, Mạnh hướng mặt về phía Dương cười.
Sáng đầu đông trên Sân vận động Hàng Đẫy, một nhóm các bạn trẻ khiếm thị đều nhịp chân, cùng nhau chạy về phía rạng đông, nơi mặt ló rạng. Gương mặt như tỏa nắng.
Họ là các thành viên của CLB Blind Runner, dành cho những người khiếm thị “cuồng chân”, do Vũ Tiến Mạnh sáng lập.
Theo Mạnh, chạy bộ là một trong những môn thể thao dễ tiếp cận nhất với người khiếm thị.
Bằng việc tích cực đăng bài tuyển thành viên trên các hội nhóm khiếm thị, cũng như thông qua kết nối trong cộng đồng người khiếm thị, đến nay Mạnh đã thu hút 30 thành viên tham gia CLB.
Cả đội được chia thành 2 nhóm: Mới tham gia và đã chạy lâu. Mỗi nhóm lại tập theo một giáo án riêng, do Mạnh xây dựng.
Bên cạnh sự hỗ trợ của người đồng hành, theo Mạnh, chân chạy khiến thị phải khai thác tối đa sức mạnh của các giác quan khác.
Cậu mô tả khi chạy trong bóng tối, đôi tai của người khiếm thị sẽ hoạt động “200% công suất”.
Vận động viên sẽ lắng nghe guồng chân của các chân chạy khác để điều chỉnh guồng chân của mình. Bên cạnh đó, đôi tai cũng thay đôi mắt nắm bắt các thông tin quan trọng khác qua âm báo trên đồng hồ chạy hoặc trao đổi của người dẫn đường.
“Đối với các bạn khiếm thị, chạy 35-40km chỉ nghe được tiếng bước chân của mình. Bốn tiếng đó vừa mệt, vừa nản”, Mạnh kể về thử thách đặc biệt đối với người khiếm thị khi chạy dài.
Những lúc này, người bạn đồng hành lại miêu tả khung cảnh xung quanh “Chuẩn bị chạy qua cây cầu”; “Mình đang chạy gần bờ biển, rất đẹp”… giúp đem lại cảm hứng cho vận động viên.
Ông trời lấy đi của người khiếm thị đôi mắt nhưng đổi lại là khả năng nghe và cảm giác không gian rất tốt. Ở đường chạy quen thuộc, người chạy lâu có thể chạy độc lập.
Mất đi thị giác, thế nhưng thế giới đằng sau đôi mắt của Mạnh lại không phải là một khoảng không màu đen vô tận.
“Ở phía góc kia có một chiếc ghế, chúng tôi vẫn hay ngồi nghỉ”, Mạnh chỉ về phía góc xa, khoe rằng mình thuộc mọi ngóc ngách của đường chạy quen thuộc này.
Cậu mô tả, trong đầu mình xây đắp nên hình ảnh của cung đường trên sân Hàng Đẫy. Những chi tiết lại càng đậm sâu sau mỗi vòng chạy.
Chàng trai khiếm thị tự điểm thêm màu sắc cho sân vận động trong tưởng tượng của mình thông qua mô tả của người đồng hành: “Đường chạy màu đỏ, những chiếc ghế màu xanh – trắng”.
Hệt như cách Mạnh tự vẽ cuộc sống đầy màu sắc của mình, bằng sự lạc quan và tinh thần thể thao cuồng nhiệt.
Thiết kế: Đức Bình
Dantri.com.vn