Với 41/44 môn học đạt 9 và 10 điểm, Hoàng Dương trở thành thủ khoa đầu ra có điểm trung bình cao nhất từ trước đến nay của trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Nguyễn Hoàng Dương, quê Thái Nguyên, sẽ lấy bằng tốt nghiệp ngành Kinh doanh Quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, vào tháng tới. Chàng trai 22 tuổi sở hữu bảng điểm ấn tượng khi đạt tuyệt đối ở thang điểm 4 và 9,59 ở thang 10 (từ 8,5/10 trở lên được quy đổi 4/4 điểm).
“Dương là sinh viên có điểm trung bình theo thang 10 cao nhất từ trước đến nay”, đại diện nhà trường cho biết.
Dương là cựu học sinh trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội. Ngày học phổ thông, nam sinh sớm xác định theo đuổi ngành Kinh doanh quốc tế vì cho rằng đây là xu hướng, bản thân cũng phù hợp với môi trường năng động của các trường kinh tế. Tuy nhiên, bố mẹ mong muốn Dương chọn ngành Tự động hóa. Dương phải dành cả tháng thuyết phục để chọn trường theo ý mình.
Ngày dự khai giảng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thấy một tân sinh viên được mời lên phát biểu, Dương cũng mong ước được đứng trên sân khấu chia sẻ cảm nghĩ, phía dưới có gia đình dõi theo. Vì thế, chàng trai sinh năm 2002 đặt mục tiêu tốt nghiệp thủ khoa đầu ra.
Dương sau đó chủ động lên kế hoạch học tập. Trước mỗi buổi học, Dương xem trước bài và đọc thêm tài liệu ngoài giáo trình. Trên lớp, nam sinh thường ngồi bàn đầu và không ngại đặt câu hỏi cho giảng viên nếu có nội dung chưa hiểu.
“Nhiều bạn có tâm lý ngại hỏi, nhưng nếu được thầy cô trực tiếp giải đáp, mình sẽ nhớ bài lâu và kỹ hơn”, Dương nói.
Nhờ đã hiểu nội dung bài ngay ở lớp, Dương không mất nhiều thời gian ôn luyện trước ngày thi. Với một số môn nhiều lý thuyết, nam sinh sử dụng sơ đồ tư duy để nhớ các ý chính. Với các môn chuyên ngành thiên về quản trị, liên quan đến tình huống cụ thể, Dương tham khảo tài liệu trên mạng, đọc báo để có thêm kiến thức thực tế.
Để có thể ra trường sớm, mỗi học kỳ, Dương đăng ký thêm 1-2 môn, học thêm một kỳ mùa hè. Theo Dương, việc này không quá vất vả bởi số môn học mỗi kỳ tăng thêm không nhiều. Trong khi đó nếu rút ngắn thời gian học, sinh viên có thể ra trường sớm một năm, dành thời gian này tham gia thị trường lao động, tăng kinh nghiệm làm việc.
Sau ba năm học, Dương hoàn thành chương trình với bảng điểm toàn A và A+. Trong đó, năm môn lý luận chính trị gồm Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Dương đều đạt 10. Nam sinh chỉ có ba môn có điểm tổng kết dưới 9 là Kinh tế vĩ mô, Quản trị kinh doanh, Nghiệp vụ giao nhận và vận tải hàng hóa quốc tế với điểm thấp nhất là 8,8.
“Mình không gặp khó ở môn nào, thấy bản thân cũng có thế mạnh về tư duy nhanh và logic nên việc học khá nhẹ nhàng”, Dương nói.
Ngoài điểm số, Dương còn có nhiều nghiên cứu khoa học. Từ năm thứ nhất, khi mới tiếp cận hoạt động này, nam sinh nhận ra đây là một cách để hiểu sâu lĩnh vực, học hỏi nhiều kỹ năng nên nhanh chóng yêu thích.
Trong hơn ba năm, Dương tham gia nhiều nhóm nghiên cứu, đóng góp vào hàng chục đề tài, được công bố trên các tạp chí, hội thảo khoa học trong và ngoài nước. Những lĩnh vực mà Dương quan tâm là Quản trị chuỗi cung ứng quốc tế, Năng lực cạnh tranh, Tài chính quốc tế, Tài chính doanh nghiệp và Khoa học chính trị.
“Mình chọn những lĩnh vực bản thân có cảm hứng và liên quan tới ngành học, công việc”, Dương nói.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, là người hướng dẫn Dương làm nghiên cứu đầu tiên.
Thầy Lạng cho biết sau 4-5 tháng, Dương hoàn thành nghiên cứu với “chất lượng tốt”. Nam sinh cũng gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu phương pháp, thu thập số liệu, song “có ý chí để vượt qua”.
“Không nhiều sinh viên nghiên cứu nhiều như Dương, cho thấy bạn có đam mê, sử dụng thành thạo các phần mềm xử lý thông tin dùng trong nghiên cứu”, thầy Lạng nói. Ông cũng đánh giá học trò là người nhanh nhẹn, kiên trì.
Dương cũng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa ở trường. Nam sinh từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phong cách Sinh viên, ba năm liền là lớp trưởng Kinh doanh quốc tế 62B và tham gia tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, giải trí trong và ngoài trường.
Nhiều lần được khen thưởng nhưng Dương tự hào nhất với danh hiệu “Sinh viên tiêu biểu” được nhận hồi năm thứ ba. Quy trình xét chọn gồm ba vòng, bắt đầu từ khoa, tới đoàn trường rồi ban giám hiệu và hội đồng trường. Sinh viên được đánh giá về học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động ngoại khóa và giải thưởng cá nhân.
“Vì yêu cầu khắt khe nên sinh viên đạt danh hiệu này thường vào năm cuối. Mình là số ít được nhận khi học năm thứ ba với những thành tích của năm trước đó”, Dương nói.
Hiện, chàng trai quê Thái Nguyên phụ trách lĩnh vực xuất nhập khẩu trong một công ty năng lượng. Trong 2-3 năm tới, Dương muốn dành thời gian để học cao hơn, đặt mục tiêu trở thành doanh nhân hoặc nhà quản lý trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế.
Còn khoảng một tháng trước khi nhận bằng tốt nghiệp, Dương nói hồi hộp và mong chờ, vì mong ước từ ngày nhập học sắp thành hiện thực. Với Dương, đây là phần kết trọn vẹn cho quãng đời sinh viên của mình.
Thanh Hằng