Cháo lươn
Gạo trắng, hành tăm, nghệ và những con lươn đồng mình thon, thịt chắc sau khi được chế biến khéo léo của những đầu bếp sẽ trở thành món cháo lươn nóng hổi.
Cháo được nấu khá kỳ công, có bí quyết riêng. Cụ thể phần xương lươn sẽ được nghiền hay giã nhỏ rồi đem chắt lấy nước bỏ vào nồi cháo nấu kỹ. Nhờ có nước nấu từ chính xương sống của con lươn nên cháo lươn xứ Nghệ có vị ngọt thơm rất riêng, không có vị béo của mỡ, khác hẳn với vị ngọt của bát cháo hầm từ thị gà vịt hay xương lợn, xương bò.
Cháo lươn là món ăn bình dị, gần gũi. Từ TP Vinh sầm uất với những quán cháo lươn nổi tiếng ở khu vực thành cổ đến các quán ăn nhỏ ở bất kỳ vùng quê nào của xứ Nghệ, nếu thích thì bất cứ lúc nào bạn cũng có thể được thưởng thức món cháo lươn nóng hổi, thơm ngon.
Bánh mướt Diễn Châu
Bánh mướt là món ăn dân dã đã gắn bó với người dân xứ Nghệ nói chung và người dân Diễn Châu nói riêng. Bánh mướt thoạt nhìn trông giống bánh cuốn của miền Bắc, bánh ướt ở miền Nam, nhưng khi ăn thử lại thấy hương vị riêng biệt, không lẫn vào đâu được.
Bánh mướt thường có độ dài bằng ngón tay trỏ, trắng và mềm, không dính vì đã được phết lớp dầu lúc cuốn.
Bánh mướt dễ ăn, chỉ cần ăn kèm một chén nước mắm vắt chanh với ớt tươi xắt lát cũng đã thấy ngon miệng. Ngoài ra, bánh mướt còn có thể ăn với thịt vịt, gà, bò hầm hoặc xáo lòng, đầu má heo (nội tạng heo như tim, gan, lòng, cật, dạ dày và dồi, huyết, thịt thủ heo).
Bánh mướt không còn là món ăn dân dã một thời mà đã có mặt ở các quán ăn, nhà hàng lớn nhỏ. Ngày Tết, bạn chỉ cần gắp từng miếng bánh chấm vào chén nước mắm rồi chậm rãi đưa vào miệng, húp thêm miếng xáo lòng là đủ vị đậm đà.
Xáo gà Thanh Chương
Xáo gà Thanh Chương còn được gọi là canh gà. Để nấu món ăn này ngoài thịt gà đồi thịt thơm ngon thì muối hạt và hành tăm là những nguyên liệu không thể thiếu. Cụ thể, gà phải lấy tiết thật khéo, lỗ cắt tiết phải nhỏ, chính xác để giữ da cổ gà được lành lặn, tiết phải lấy hết ra để thịt gà được sáng tươi.
Gà được lấy riêng phần cổ đầu gà, rút lõi ra chỉ giữ lại phần da, đem đổ tiết gà vào luộc luôn lên làm món dồi cổ.
Ngoài ra, để làm món này, người dân Thanh Chương thường lọc phần xương và thịt ra. Tiếp đến thị gà sau khi cắt phải đem ướp ngay với lá chanh, muối trắng, nghệ và ớt tươi giã nhỏ. Lúc chờ thịt ướp ngấm họ sẽ đem xương băm nhỏ ra làm mộc. Sau khi ướp ngấm, nồi gà nấu xáo chín phải màu vàng ngậy, dậy mùi lá chanh, hành tăm, nghệ và ớt. Ngày Tết được thưởng thức món xáo gà chan nước ăn với cơm bạn sẽ nhớ mãi món ăn dân dã này.
Tương Nam Đàn
Theo các nghệ nhân, để có chai tương Nam Đàn ngon, công việc đầu tiên là chọn loại nguyên liệu nấu lên ủ mốc. Đây là công đoạn khó, quyết định chất lượng tương. Mốc được làm từ gạo nếp có hạt to, tròn. Nếp sẽ được vò thật kỹ, đem đi đun lên, sau đó rải đều để nguội. Khi xôi nguội hẳn, người làm rưới vào một ít nước chè đặc và đem ủ kín bằng lá nhãn. Sau khi được ủ khoảng một tuần có mùi thơm ngọt và màu vàng rơm thì được đưa ra bóp vụn, đem phơi nắng rồi cho vào túi bóng giữ kín chờ ngày ngạ tương.
Song song với quá trình phơi mốc, người làm tương phải rang chín đỗ tương rồi xay vỡ đôi, làm sạch vỏ đưa vào nồi nấu trong thời gian khoảng 15 giờ, sau đó để nguội múc ra chum ủ phơi ngoài nắng. Hàng ngày vào buổi sáng người làm tương ra khuấy đều chum tương, vớt bọt, tạp chất nổi lên. Sau khoảng 7 ngày ủ, tương được làm bằng cách đem mốc, muối trắng cho vào chum nước tương theo tỷ lệ mốc 7 kg/chum 100 lít, muối 17 – 18 kg/chum 100 lít.
Sau khi ngạ tương để khoảng 45 ngày, chúng ta sẽ cho một chum tương Nam Đàn thơm ngon, vàng óng. Tương Nam Đàn càng để lâu càng ngon. Tương thường được dùng làm nước chấm rau, thịt, chan cơm ăn, kho cá đồng, là món ăn không thể thiếu đối với người dân xứ Nghệ trong dịp Tết.