Ăn uống không lành mạnh như nhiều món muối chua, bánh mứt có đường, hoặc bảo quản, chế biến, dự trữ thức ăn không phù hợp có thể gây hại sức khỏe ngày Tết.
Trong dịp Tết, theo truyền thống, nhiều gia đình sẽ chuẩn bị thật nhiều đồ ăn, trái cây, bia, rượu… mong một năm trọn vẹn, tốt đẹp hơn. Tết là dịp tuyệt vời để các gia đình quây quần bên nhau, cùng thưởng thức những món ăn ngon và tận hưởng không khí hân hoan.
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3, Tết cũng có thể là khoảng thời gian mà mọi người dễ mắc một số tình trạng sức khỏe nhất định do không kiểm soát được những thói quen ăn uống, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Sau đây là một số thói quen ăn uống có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh và gây hại cho sức khỏe trong dịp Tết, theo bác sĩ Vũ.
Ăn uống không lành mạnh
Ăn quá nhiều thức ăn giàu chất béo, cay, chua
Những món ăn chế biến từ thịt nhiều mỡ, dầu mỡ và thức ăn chiên rán có thể khiến cho bữa ăn ngày Tết dễ ngấy, gây gánh nặng cho tiêu hóa và có thể làm tăng lượng chất béo không lành mạnh trong cơ thể, tăng cholesterol máu, có thể dẫn đến vấn đề tim mạch.
Các tình trạng khác như bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), viêm dạ dày có thể tái phát trong dịp Tết do việc tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất béo và cay hoặc có tính axit.
Ăn, uống quá nhiều các món nhiều đường, đồ ngọt, đồ uống có ga và nước ngọt
Bánh mứt, kẹo dẻo, nước giải khát có ga… là những thực phẩm chứa hàm lượng đường cao. Ăn uống quá nhiều có thể gây tăng đột ngột đường huyết sau ăn, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và là một trong những nguyên nhân chính khiến cơ thể tăng cân mất kiểm soát, béo phì.
Bên cạnh đó, những thực phẩm này còn làm cho vi khuẩn có hại trong khoang miệng hoạt động mạnh gây hại cho răng, đặc biệt ở trẻ nhỏ dễ sâu răng. Ngoài ra, ăn ngọt trước bữa ăn còn là nguyên nhân làm mất cảm giác ngon miệng khi đến bữa chính, dẫn đến bỏ bữa gây thừa gluxit và thiếu các dưỡng chất quan trọng trong bữa ăn chính.
Tiêu thụ thức ăn nhiều muối, thực phẩm muối chua, thực phẩm chế biến sẵn
Ăn các món chứa nhiều muối có thể gây tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Người lớn tuổi, người béo phì, người mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh thận… không nên ăn nhiều các món chứa nhiều muối, thực phẩm muối chua, các món chế biến sẵn. Lượng muối tiêu thụ trung bình mỗi ngày nên khoảng 5 g.
Dưa bắp cải, dưa hành, dưa chua là món ăn phổ biến trong ngày Tết để chống ngấy, cân bằng với các món ăn như bánh chưng, thịt mỡ. Dưa chua còn chứa men vi sinh, vi khuẩn có lợi, kích thích tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động đường ruột và tăng cường hệ miễn dịch. Nếu ăn và muối dưa đúng cách sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ăn dưa mới muối, dưa nhiễm độc tố hoặc tiêu thụ quá nhiều (hàm lượng muối và axit trong dưa chua rất lớn) có thể gây hại cho sức khỏe và có nguy cơ ngộ độc. Người mắc bệnh dạ dày, bệnh thận, cao huyết áp, phụ nữ mang thai không nên ăn quá nhiều. Ngoài ra, dưa chua là thường có vị chua cay nồng, nếu sử dụng quá nhiều có thể gây hôi miệng và gây mùi cơ thể.
Thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm đã qua chế biến như xúc xích, lạp xưởng, chả lụa, thịt xông khói… thường có trong bữa ăn của nhiều gia đình vào ngày Tết. Chúng chứa nhiều muối nitrat và nitrit, nhiều chất bảo quản và phụ gia không lành mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe và hệ tiêu hóa. Những chất này được phép sử dụng trong thực phẩm nhưng nếu tiêu thụ nhiều, tích lũy một lượng lớn có thể tăng nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm như ung thư đại tràng, suy giảm miễn dịch. Đồng thời chất béo trong loại thực phẩm này cũng gây thừa cân, gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ăn ít hoặc không ăn rau xanh và chất xơ
Ngày Tết mọi người thường chuẩn bị mâm cơm với toàn thịt mà rất ít rau xanh hoặc thậm chí bỏ quên rau xanh. Rau xanh chứa một lượng lớn dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể như vitamin, khoáng chất, chất xơ.
Ăn nhiều rau xanh, chất xơ sẽ góp phần hạn chế hấp thu chất béo. Không đảm bảo đủ lượng rau xanh và chất xơ trong chế độ ăn sẽ làm cơ thể thiếu chất, có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, gây những vấn đề đường ruột và tăng nguy cơ táo bón.
Uống nhiều rượu bia và sử dụng cà phê, nước ngọt có chứa caffein quá mức
Uống rượu bia, nước ngọt để chúc Tết nhau là một phần văn hóa lâu đời của người Việt. Tuy nhiên, chúng ta nên sử dụng hạn chế, không nên lạm dụng và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nếu muốn bảo vệ sức khỏe, tránh ngộ độc.
Theo Hiệp hội y tế Mỹ, tiêu thụ quá nhiều chất kích thích có thể gây ảnh hưởng xấu tới các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là gan, và gây những rối loạn tâm thần, hoang tưởng, có thể dẫn đến tình trạng mất kiểm soát khi lái xe, thậm chí ngộ độc rượu gây nguy hiểm tính mạng.
Rượu, bia, nước ngọt cũng chứa nhiều calo, làm giảm khả năng ức chế của cơ thể, khiến chúng ta ăn nhiều hơn, dễ tăng cân. Do đó, chúng cũng không có lợi cho những người bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường.
Uống ít nước
Thói quen uống nhiều rượu, bia, cà phê và nước ngọt có chứa caffein còn khiến cơ thể luôn có cảm giác no bụng, không muốn uống thêm nước, có thể dẫn đến mất nước. Không uống đủ nước khiến cơ thể dễ cảm thấy mệt mỏi, thiếu nước, đau đầu, chóng mặt, quá trình trao đổi chất diễn ra chậm hơn và có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tim mạch, thận, gan… Vì vậy, nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày để chăm sóc tốt cho sức khỏe của mình trong những ngày nghỉ Tết.
Ăn uống không đúng cách
Ăn quá nhiều
Chúng ta thường có tâm lý giữ bụng thật đói trước khi ngồi vào bàn tiệc để tiêu thụ nhiều thực phẩm hơn. Tuy nhiên, ăn quá nhiều có thể dẫn đến tăng cân nhanh chóng, khó tiêu, quá tải cho dạ dày và các vấn đề tiêu hóa khác.
Để tránh ăn quá nhiều, hãy ăn chậm và dừng lại khi cảm thấy no. Các chuyên gia khuyến cáo, thay vì ăn nhiều thực phẩm cùng một lúc, nên chia nhỏ thành các bữa ăn trong ngày (khoảng 5-6 bữa nhỏ mỗi ngày) để giúp cân bằng dinh dưỡng, cơ thể dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng và tránh cảm giác quá thèm ăn quá nhiều một lúc.
Ăn quá nhanh
Ăn quá nhanh có thể khiến bạn không thể trải nghiệm, cảm nhận được hết hương vị ẩm thực mà còn gây áp lực lên hệ tiêu hóa và các vấn đề tiêu hóa khác.
Thiếu chế độ ăn cân đối
Chỉ thích ăn một loại thức ăn hoặc ăn thiếu chất dinh dưỡng quan trọng có thể dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Bỏ bữa
Nhiều người cho rằng bỏ bữa sáng hoặc bữa trưa là cách hiệu quả để hạn chế lượng calo nạp vào trong dịp Tết. Tuy nhiên, điều này có thể khiến cơ thể mệt mỏi, hạ đường huyết, đau đầu, thậm chí khiến bạn thèm ăn hơn, dẫn đến ăn tối nhiều hơn, lại gây ra tình trạng ăn quá nhiều một lúc.
Dùng chung nước chấm
Người Việt có thói quen dùng chung chén nước chấm cho cả gia đình, song việc làm này có thể gây hại cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) gây viêm dạ dày, virus cúm, quai bị, viêm gan A… Do đó, khi ăn uống nên sử dụng mỗi người một chén nước chấm riêng để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại, đi bộ…
Theo Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ (2/2013), việc mất tập trung trong lúc ăn uống như nhắn tin, xem tivi, xem điện thoại… có khả năng làm tiêu thụ thức ăn lên đến hơn 50% calo, gây tăng cân khó kiểm soát, béo phì.
Ăn nhiều hơn nhưng không hề tập trung vào việc ăn, mà chỉ tiếp nhận thức ăn một cách thụ động nên không hề cảm nhận được mùi, vị. Ở trẻ nhỏ, lâu dần sẽ thành thói quen, làm mất cảm giác thèm ăn.
Không tập trung trong khi ăn còn làm giảm tiết axit ở dạ dày, gây khó tiêu, cơ thể cũng khó hấp thụ dinh dưỡng hơn và có thể gây rối loạn tiêu hóa, đau và viêm dạ dày…
Bảo quản, chế biến, dự trữ thức ăn không đúng cách
Sử dụng thực phẩm không hợp vệ sinh, ôi thiu hoặc không quen với thức ăn… có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Đồng thời, thói quen hâm đi hâm lại đồ ăn nhiều lần dễ khiến cho thực phẩm bị biến đổi thành phần hóa học, trở thành chất độc nguy hiểm cho cơ thể.
Thức ăn thừa chỉ nên được hâm nóng lại một lần. Quá trình nguội và hâm nóng thức ăn càng lặp lại nhiều lần sẽ làm biến mất các chất dinh dưỡng vốn có, nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm cũng càng cao. Thức ăn hâm lại, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt, nhưng độc tố do vi khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên gây ngộ độc cho người dùng.
Ngoài ra, tích trữ nhiều đồ ăn không đúng cách, bảo quản không tốt khiến thực phẩm dễ bị hư, nấm mốc, gây ngộ độc. Đồ ăn tích trữ quá nhiều trong tủ lạnh cũng làm giảm chất lượng của tủ, khiến thực phẩm dễ bị hỏng, mốc, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, khi ăn vào sẽ dễ bị đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc.
Do đó, mỗi người cần có chế độ và phương pháp ăn uống đúng cách, thay đổi những thói quen xấu và thực hiện hoạt động thể chất đều đặn, hướng đến một lối sống lành mạnh và khoa học.
Mỹ Ý