Người dân làm các thủ tục có bảo hiểm y tế trong bệnh viện tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Gửi câu hỏi đến Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn đọc thắc mắc khi sáp nhập tỉnh thành, bệnh viện các tỉnh có sáp nhập, có ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh không.
Sáp nhập các sở y tế
Hiện nay cả nước có gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (gồm khoảng 2.897 cơ sở khám chữa bệnh và gần 10.000 trạm y tế xã).
Theo hướng dẫn về sắp xếp, tổ chức lại cơ sở y tế tại đơn vị hành chính các cấp, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp vừa được Bộ Y tế ban hành, phương án sắp xếp, tổ chức lại sẽ thực hiện như sau:
Đối với các tỉnh, thành phố sau sắp xếp, sáp nhập sẽ thành lập sở y tế thuộc UBND cấp tỉnh sau sắp xếp, trên cơ sở sáp nhập sở y tế hiện có của các tỉnh, thành phố trước khi sắp xếp.
Bộ Y tế hướng dẫn trên cơ sở rà soát, đánh giá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở y tế hiện có trước khi sắp xếp, giám đốc sở y tế tỉnh, thành phố sau sắp xếp tham mưu, trình UBND cấp tỉnh quyết định duy trì, giải thể hoặc tổ chức lại (sáp nhập, chia tách hoặc điều chỉnh tên gọi, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ) các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở y tế.
Cơ bản giữ nguyên cơ sở khám chữa bệnh
Nguyên tắc của việc sắp xếp này là bảo đảm duy trì, không gián đoạn việc cung cấp các dịch vụ cơ bản, thiết yếu về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành y tế tại địa phương.
Trong đó, cơ bản duy trì, giữ nguyên các cơ sở khám chữa bệnh (đa khoa, chuyên khoa, khu vực) và các cơ sở bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội hiện có, là các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở y tế sau sắp xếp.
Việc duy trì cơ sở khám chữa bệnh nhằm duy trì việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh cấp cơ bản, hoặc chuyên sâu và các dịch vụ trợ giúp xã hội, dịch vụ công tác xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân và các đối tượng bảo trợ xã hội tại địa phương.
Đối với các đơn vị sự nghiệp khác trực thuộc sở y tế (như các trung tâm: kiểm soát bệnh tật, giám định y khoa, pháp y hay kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm, thực phẩm...), giám đốc sở y tế xây dựng đề án, trình UBND cấp tỉnh thực hiện việc sáp nhập các đơn vị có cùng tên, cùng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để thành lập đơn vị mới trực thuộc sở y tế của các tỉnh, thành phố sau sắp xếp.
Theo Bộ Y tế, tùy theo quy mô dân số, đặc điểm địa lý, phạm vi hoạt động, mỗi đơn vị sự nghiệp mới này có thể có nhiều cơ sở hoạt động, nhưng phải xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động, cơ chế phối hợp.
Bảo đảm không có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi giữa các cơ sở của đơn vị sự nghiệp đó.
Với trung tâm y tế cấp huyện, quận, thị xã, thành phố hiện có, cần sắp xếp, tổ chức lại thành trung tâm y tế khu vực, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở y tế.
Đối với các tỉnh, thành phố không thực hiện việc sáp nhập, sắp xếp, Bộ Y tế hướng dẫn cơ bản duy trì, giữ nguyên các cơ sở y tế cấp tỉnh, thành phố hiện có.
Riêng trung tâm y tế cấp huyện, quận, thị xã, thành phố hiện có cần tổ chức lại thành trung tâm y tế khu vực.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện có, giám đốc sở y tế xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại, sáp nhập, giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả, không còn chức năng, nhiệm vụ hoặc chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp khác.
Nguồn: https://tuoitre.vn/sap-nhap-tinh-thanh-benh-vien-co-sap-nhap-2025041516054267.htm
Bình luận (0)