Nước dừa cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất điện giải tự nhiên như natri, magie, canxi và kali, theo trang sức khỏe Verywell Health.
Chất điện giải giúp cân bằng lượng nước trong cơ thể, hỗ trợ chức năng cơ và thần kinh, ổn định huyết áp.
Ngoài ra, lượng calo trong nước dừa thấp. Trong 237 ml nước dừa, chứa khoảng 45 calo, theo trang Medical News Today.
Lợi ích của nước dừa
Kali trong nước dừa có thể làm giảm huyết áp và hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Thông thường, một cốc nước dừa có khoảng 400 miligam (mg) kali.
Nước dừa cũng cung cấp các chất chống oxy hóa cho cơ thể, giúp chống lại những tổn thương tế bào. Chúng còn có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận bằng cách loại bỏ các tinh thể dư thừa trong cơ thể.
Ngoài ra, nước dừa còn chứa canxi, giúp hỗ trợ sức khỏe xương và răng. Trong khi đó, magie trong nước dừa có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Nên uống nước dừa lúc nào?
Ông Shrey Srivastav, bác sĩ tại Bệnh viện Sharda (Ấn Độ), cho biết nước dừa giúp tăng cường khả năng miễn dịch và khởi động quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Theo ông Srivastav, uống nước dừa vào buổi sáng sẽ tốt hơn vào buổi tối. Ngoài ra, lượng nước dừa tiêu thụ cũng phải có chừng mực, theo tờ The Indian Express.
Bà Rinky Kapoor, bác sĩ da liễu tại Ấn Độ, tiết lộ thêm, bạn có thể uống nước dừa sau khi tập thể dục. Chúng là nguồn điện giải tự nhiên, giúp bù nước.
Ai không nên uống nước dừa?
“Nước dừa chứa hàm lượng kali cao. Vì vậy, những người mắc bệnh thận và những người bị rối loạn nhịp tim không nên uống nước dừa”, ông Srivastav nói.
Những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) cũng nên hạn chế dùng nước dừa. Một số carbohydrate trong nước dừa có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Một số người thường uống nước dừa trước khi ngủ để làm dịu cơn khát. Tuy nhiên, sở thích này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Ngoài ra, cơ thể mỗi người khác nhau, nên dùng nước dừa tùy vào điều kiện sức khỏe, sở thích và thói quen.