51,3 triệu người có việc làm trong quý I/2024, giảm nhẹ so với quý IV/2023 và dần quay lại xu hướng bình thường như trước khi Covid-19, theo Tổng cục Thống kê.
Báo cáo Tình hình lao động việc làm quý I, Tổng cục Thống kê cho biết số người có việc làm giảm 127.000 so với ba tháng cuối năm 2023 (khoảng 0,25%), tương tự như trước đại dịch. Xu hướng trước đại dịch là lao động có việc làm quý I năm sau thường giảm nhẹ so với quý IV năm trước, nhưng cao hơn cùng kỳ. Sự sụt giảm thường do yếu tố thời vụ và văn hóa lễ hội sau dịp Tết Nguyên đán.
Lao động có việc làm khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất với 40%; tiếp đến là công nghiệp, xây dựng 33% và nông lâm thủy sản thấp nhất, chiếm 27%. Quy mô lao động ngành dịch vụ cũng tăng cao nhất với hơn nửa triệu người trong khi hai khu vực còn lại đều giảm.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I năm nay tăng hơn 300.000 đồng so với quý IV năm ngoái, đạt 7,6 triệu đồng. Mức này được cải thiện nhưng tốc độ tăng chậm, khoảng 7,8% trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng 10%. Thông thường, quý đầu năm ghi nhận thu nhập nhỉnh hơn do chính sách lương thưởng dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động cao nhất nước trong quý I, đạt 6,9 triệu đồng (trên 6%). Lao động các tỉnh Đồng Tháp đạt 8,2 triệu đồng (28,5%); Bạc Liêu 6,9 triệu đồng, (22,8%); Tiền Giang 7,9 triệu (tăng 15%). Ngược lại, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tốc độ tăng thu nhập thấp nhất, đạt 6,6 triệu đồng (khoảng 2,8%). Trong đó, Thanh Hóa 6,8 triệu (tăng 1,8%), Nghệ An 5,8 triệu đồng (giảm 0,5%).
Thu nhập bình quân tháng của lao động một số ngành có tốc độ tăng khá so với cùng kỳ năm 2023. Lao động lĩnh vực bất động sản trên 12 triệu đồng (tăng 15,3%); tài chính, ngân hàng, bảo hiểm 13 triệu đồng (tăng 12,7%); dịch vụ lưu trú và ăn uống 7,3 triệu đồng (tăng 9,3%); vận tải kho bãi 10,5 triệu đồng (9,2%).
Tổng cục Thống kê dẫn dự báo của phần lớn tổ chức quốc tế cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ thấp hơn 2023. Thị trường lao động và nhiều lĩnh vực dần phục hồi, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn khi số giải thể, ngừng hoạt động cao hơn thành lập mới.
Quý I, cả nước có hơn 36.200 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký là 332.200 tỷ đồng. Số quay lại hoạt động cũng tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ 2023, đạt hơn 23.600 đơn vị. Như vậy, mỗi tháng có gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động.
Gần 43% đơn vị kinh doanh nhìn nhận ổn định, còn lại đánh giá khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước thấp, cạnh tranh cao và gặp khó khăn về vốn. Song đơn hàng hiện khởi sắc hơn ba tháng cuối năm 2023, tình hình dự báo sẽ cải thiện từ quý II.
Hồng Chiêu