TP HCM7 năm trước, bà Trịnh Kim Chi, lúc đó 57 tuổi, e dè nộp hồ sơ xin vào học lớp 6 ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Quận 7.
Bà Chi, nay 64 tuổi, học viên lớp 12 của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Quận 7, là thí sinh lớn tuổi nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở TP HCM năm nay. Kỳ thi diễn ra từ ngày 27 đến 29/6.
Đi học ở cái tuổi nhiều người đã nghỉ ngơi, vui vầy với con cháu, bà Chi nói lý do bắt nguồn từ tuổi thơ sống trong cơ cực. Nhà nghèo, là chị cả trong gia đình có 5 anh chị em, nên học đến lớp 8, bà đành phải từ bỏ ước mơ làm bác sĩ để ở nhà phụ giúp cha mẹ làm ăn.
“Lúc mới bỏ học, phụ mẹ đi bán hàng rong trong Thảo Cầm Viên, nhìn bạn bè đồng trang lứa đi chơi, đi học mà mình phải buôn gánh bán bưng, tôi bật khóc vì tủi thân”, bà Chi nhớ lại.
Sau khi lập gia đình, bà cũng bị cuốn vào cuộc sống mưu sinh, chăm lo cho con cái nên đành gác lại ham muốn đi học tiếp. Khi kinh tế gia đình đã ổn định, các con học hành thành tài, yên bề gia thất, bà Chi vẫn luôn tự ti vì chưa học hết lớp 12, kiến thức hạn hẹp.
Năm 2016, bà Chi quyết tâm đi học. Ban đầu bà e dè, sợ hàng xóm chê cười nên nộp hồ sơ vào một trung tâm giáo dục thường xuyên cách xa nhà. Nhưng trung tâm này từ chối vì bà đã lớn tuổi. Không từ bỏ, bà Kim Chi trở lại quận 7 để nộp hồ sơ. Dù đã từng học tới lớp 8 nhưng chỉ có giấy tờ và học bạ đến lớp 5, bà đành học lại từ lớp 6.
“Tôi hụt hẫng khi bị trung tâm đầu tiên từ chối, nên khi được trường này chấp nhận, tôi mừng muốn khóc. Lúc đấy, tôi nói với cô giáo nhận hồ sơ rằng học từ lớp 6 hay lớp mấy cũng được”, bà Chi chia sẻ.
Quyết định của bà Chi nhận được sự ủng hộ của chồng và các con. Dù vậy, bà nhiều lúc chạnh lòng khi nghe hàng xóm nói ra nói vào “lớn tuổi rồi còn học làm gì, xấu hổ với con nít”. Vì thế, thời gian đầu đi học, bà đi đi về về đúng giờ, không giao lưu với các bạn trẻ trong lớp.
Về sau, bà cởi mở, tập làm quen với những người bạn đáng tuổi cháu mình. Chỗ nào thầy cô giảng nhanh không ghi kịp, bà xem nhờ vở của bạn học. Chữ nào khó nhìn do mắt mờ, bà cũng nhờ xem giúp. Ngược lại, bà chia sẻ, giảng lại bài với những bạn chưa hiểu, thậm chí còn rủ các bạn cùng lớp về nhà học nhóm.
Bà Chi nhìn nhận vì đã lớn tuổi nên mất thời gian nhiều để ghi nhớ kiến thức. Nếu các bạn trẻ chỉ cần một tiếng, thì bà phải mất gấp đôi, gấp ba thời gian. Thế nên hàng ngày mỗi khi xong công việc nhà, bà lại ngồi vào bàn học.
“Có những hôm phải 10h đêm tôi mới có thể ngồi vào bàn nên đành học đến 1, 2h sáng. Đã học thì phải đáng, đi học chỉ ở mức trung bình, đủ lên lớp thì tôi không muốn”, thí sinh 64 tuổi kể.
Để ghi nhớ kiến thức, sau buổi học trên lớp, bà vẽ sơ đồ tư duy để ôn tập, dù đó là môn xã hội hay tự nhiên. Với sự ham học hỏi, suốt 7 năm học, bà Chi đều đạt danh hiệu học viên giỏi của trung tâm. Năm lớp 9 và lớp 12, bà còn đạt giải nhì và ba môn Địa lý tại kỳ thi học viên giỏi thành phố dành cho hệ giáo dục thường xuyên.
Tự nhận mạnh các môn xã hội, yếu Toán, Lý, Hóa nhưng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, bà Chi đăng ký bài thi khoa học tự nhiên.
“Tôi muốn thử thách, vượt qua chính mình dù biết kết quả có thể không cao”, bà nói. Những ngày ôn thi nước rút, bà đóng cửa phòng, tập trung ôn tập, bàn học luôn sáng đèn đến 1, 2h sáng.
Cô Hồ Thị Phước Thọ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Quận 7, gặp bà Chi đúng vào lúc vừa về trường công tác. Cô Thọ cho hay tưởng bà Chi là giáo viên đến dự giờ bởi bà lớn tuổi, mặc áo sơ mi trắng, quần tây, ôm chiếc cặp bên hông rất nghiêm túc.
“Điều tôi ấn tượng là khi gặp thầy cô trên đường, lúc phát biểu trong lớp hay nhắn tin hỏi bài, cô Chi đều dạ thưa lễ phép, vòng tay cúi đầu chào”, cô Thọ chia sẻ.
Theo lời giám đốc trung tâm, dù lớn tuổi nhưng bà Chi chưa từng xin châm chước hay ngoại lệ nào. Bà nghiêm túc học, làm bài tập đầy đủ, thậm chí còn chủ động tìm hiểu bài học trước.
Khi bà đăng ký thi bài thi Khoa học tự nhiên, các thầy cô ở trung tâm nhiều lần khuyên có thể giảm tần suất học các môn còn lại, chỉ cần tập trung các môn Toán, Văn, Tiếng Anh và bài thi Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, bà Chi nhất quyết không chịu, nói đã học thì môn nào cũng phải học tốt, không vì thi môn này mà bỏ môn kia.
“Có những hôm 2, 3h sáng, cô còn nhắn tin cho giáo viên hỏi cách giải một bài Toán. Cô muốn đã đi học thì phải học tốt, điểm cao, nhiều lúc thi điểm thấp cô buồn trông thấy”, cô Thọ kể.
Cô Thọ chia sẻ, điều mà cô khâm phục ở bà Chi là tinh thần học hỏi để hiểu biết, giúp ích cho đời, không mưu cầu điều gì khác. Nhờ tấm gương phấn đấu học tập của cô, nề nếp lớp học thay đổi, những bạn “khó bảo” được xếp cạnh bà Chi để nhờ bà khuyên răn, dạy bảo.
Bà Chi cho biết nếu kết quả thi tốt sẽ đăng ký học ngành Sư phạm Tiểu học của trường Đại học Sư phạm TP HCM hoặc Đại học Sài Gòn.
“Mong ước của tôi là mở một lớp học tình thương nho nhỏ cho các cháu cơ nhỡ, khó khăn xung quanh nhà mình. Từng bỏ học vì gia đình khó khăn nên tôi hiểu sự tủi thân, thiệt thòi của các cháu”, bà nói.
Lệ Nguyễn