Nhiều doanh nghiệp vi phạm
Theo tìm hiểu của PV. VietNamNet, tính đến ngày 15/9, có 5 doanh nghiệp kết chuyển không đúng quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Các doanh nghiệp đó là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà; Công ty CP Dầu khí Đông Phương; Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam S.W.P và Công ty TNHH Trung Linh Phát.
Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp không phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Đó là Công ty CP Dầu khí Đông Phương; Công ty TNHH Trung Linh Phát; Công ty Cổ Phần Appollo Oil.
Trong khi đó, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá. Điều này đã được quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.
Theo quy định tại Thông tư 103/2021 về quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm công bố công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về số dư Quỹ.
Tuy nhiên, trên website của Công ty CP Dầu khí Đông Phương, cho đến tối qua (27/9) báo cáo về Quỹ bình ổn giá xăng dầu được cập nhật gần nhất là tháng 5/2023, với số dư hơn 13 tỷ đồng. Sáng nay, website công ty này đã hiển thị thông tin số dư Quỹ đến tháng 8/2023. Còn website của các công ty: TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, Thiên Minh Đức, Trung Linh Phát không thấy hiển thị thông tin về Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) tiếp tục rà soát thông tin hoạt động kinh doanh của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; trong đó, có việc sử dụng Quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành của Bộ Công Thương.
Trường hợp phát sinh những vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp có ảnh hưởng đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương chủ động rà soát theo thẩm quyền, đồng thời thông tin để Bộ Tài chính phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Trước đó, theo đại diện Bộ Công Thương, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã bị Bộ Tài chính xử phạt vi phạm hành chính về Quỹ bình ổn giá. Phần lớn là lỗi không kết chuyển số dư Quỹ vào tài khoản ngân hàng.
Không thể “cấn trừ’ nợ DN từ tài khoản Quỹ bình ổn
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có số dư nợ tại ngân hàng thương mại – nơi doanh nghiệp mở tài khoản Quỹ bình ổn, nhà băng đã tự động trích thu nợ từ các tài khoản khác của doanh nghiệp có số dư dương (trong đó có tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu) để khấu trừ công nợ của doanh nghiệp.
Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà là một doanh nghiệp bị ngân hàng tự động cấn trừ nợ gần 270 tỷ đồng từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bộ Tài chính đã yêu cầu nhà băng phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định 95. Đó là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được chi sử dụng Quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương, không được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho các mục đích khác.
Có ý kiến cho rằng ngân hàng có quyền trích nợ từ Quỹ bình ổn giá vì đó đều là tài khoản mang tên doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu lớn chia sẻ: Tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu riêng biệt hoàn toàn với các tài khoản khác của doanh nghiệp; khi lập tài khoản xong đều phải có báo cáo gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Các doanh nghiệp cũng phải thường xuyên báo cáo số dư tài khoản Quỹ bình ổn giá, sao kê gửi cho hai bộ.
Cho nên, không thể có chuyện ngân hàng được phép “cấn trừ” nợ của doanh nghiệp từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu và không thể không biết tài khoản đó là dành cho Quỹ.
“Trừ khi doanh nghiệp đó cố tình nhập nhằng giữa các tài khoản. Như vậy, họ sẽ phải chịu trách nhiệm”, vị này chia sẻ.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, khẳng định: Ngân hàng không thể không biết đó là tài khoản dành cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Do đó, ngân hàng sẽ phải trả lại Quỹ số tiền đã cấn trừ nợ.
Trước khi Thông tư 103/2021 có hiệu lực từ 2/1/2022 thì Thông tư liên tịch 39 về phương pháp tính giá, cơ chế điều hành giá, Quỹ bình ổn giá xăng dầu áp dụng từ 1/11/2014 đến 1/1/2022 đã quy định cụ thể về trách nhiệm của ngân hàng thương mại – nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ. Theo đó, định kỳ mùng 1 hàng tháng, ngân hàng thương mại – nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản tiền gửi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu – phải gửi sao kê về các giao dịch phát sinh liên quan đến tài khoản tiền gửi Quỹ đến Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá). Trong đó, thể hiện rõ số dư Quỹ đầu kỳ báo cáo; số trích lập Quỹ trong kỳ báo cáo; số sử dụng Quỹ trong kỳ báo cáo… Kết thúc năm tài chính, thương nhân đầu mối và ngân hàng thương mại đó có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá… đến liên Bộ Công Thương – Tài chính. Những căn cứ trên cho thấy, ngân hàng – nơi doanh nghiệp đầu mối xăng dầu mở tài khoản – phải biết rõ số tài khoản nào của doanh nghiệp là dành cho Quỹ bình ổn giá. |