Nhiệt độ trung bình toàn cầu đầu tháng 6 năm nay là mức cao nhất từng được ghi nhận vào thời kỳ này, theo cơ quan giám sát khí hậu EU.
“Thế giới vừa trải qua thời gian đầu tháng 6 ấm nhất lịch sử. Tháng 5 năm nay cũng chỉ kém tháng 5 ấm nhất trong lịch sử chưa đầy 0,1 độ C”, Samantha Burgess, phó giám đốc Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S), đơn vị giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), ngày 15/6 cho hay.
Ngày 9/6, nhiệt độ trung bình toàn cầu là 16,7 độ C, mức cao nhất từng được ghi nhận vào ngày này trong lịch sử. C3S cho hay trong hai ngày 8 và 9/6, nhiệt độ trung bình toàn cầu ấm hơn khoảng 0,4 độ C so với cùng kỳ những năm trước.
Đầu tháng 6, nhiệt độ toàn cầu đã vượt mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (năm 1850 – 1900). Đây là mức giới hạn được đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm hạn chế nóng lên toàn cầu. Cụ thể, ngày 9/6 ghi nhận mức nhiệt cao hơn so với thời tiền công nghiệp 1,69 độ C.
Copernicus trước đó thông báo tháng 5 vừa qua, các đại dương trên Trái Đất cũng ghi nhận mức nhiệt cao nhất so với các tháng 5 trong lịch sử.
Thông tin được công bố trong bối cảnh El Nino đã xuất hiện. El Nino là hiện tượng nhiệt độ mặt biển ấm hơn mức trung bình ở miền trung và đông Thái Bình Dương gần xích đạo. Hiện tượng này xảy ra lần gần nhất vào năm 2018-2019 và lặp lại trong thời gian trung bình 2-7 năm.
Đa số những năm nắng nóng nhất diễn ra trong thời kỳ El Nino. Các nhà khoa học lo ngại mùa hè năm nay và sang năm có thể ghi nhận nhiệt độ kỷ lục trên đất liền và trên biển.
“Chúng tôi dự đoán năm 2024 sẽ còn nóng hơn năm 2023 khi hiện tượng El Nino tiếp tục phát triển”, Burgess nói. “Chúng ta biết rằng khí hậu toàn cầu càng nóng lên thì các hiện tượng cực đoan càng dễ xảy ra, với độ nghiêm trọng ngày càng tăng”.
Copernicus có trụ sở tại thành phố Bonn của Đức, nơi đang diễn ra các cuộc đàm phán khí hậu do Liên Hợp Quốc tổ chức trước thềm hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 ở Dubai cuối năm nay.
Hồng Hạnh (Theo AFP)