Với xu hướng đó, các cơ quan báo chí buộc phải thay đổi cách thức hoạt động, từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu thụ nội dung nhằm tạo ra một mô hình mới phù hợp hơn. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Truyền thông tỉnh cũng đã hoạt động và đi theo xu thế này. Để sản xuất được các loại hình báo chí mới, Trung tâm truyền thông Quảng Ninh đã tổ chức toà soạn theo mô hình tòa soạn hội tụ, từ hội tụ nguồn lực đến hội tụ quy trình để có thể kiểm soát nội dung từ đầu vào đến đầu ra một cách thông suốt, nhất quán. Trên cơ sở đó, việc phát triển các sản phẩm báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ và đa phương tiện được xác định là công việc vô cùng quan trọng.
Các sản phẩm báo chí đa phương tiện trên báo điện tử Quảng Ninh với đầy đủ nội dung, hình ảnh, video, đồ họa, âm thanh được trình bày trên các công cụ số, ngày càng thu hút và hấp dẫn công chúng.
Gần đây với xu hướng mobile-first và social-first, với mục tiêu sản xuất các sản phẩm báo chí, truyền thông hướng tới việc phù hợp với thiết bị di động, phù hợp với sự nhanh nhạy của truyền thông xã hội và mạng xã hội, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã chủ động xây dựng và cho ra mắt app QuangninhMedia. Ứng dụng này có thể xem dc TV, nghe PT và đọc được báo bằng điện thoại di động một cách dễ dàng, tiện lợi.
Cùng với đó, Trung tâm phát triển báo chí trên nền tảng mạng xã hội bằng cách củng cố các kênh đã có, xây dựng thêm các kênh mới trên các nền tảng truyền thông hiện đại gồm cả: Youtube, Facebook, Tiktok, Zalo… Đến nay, Trung tâm đang sở hữu một hệ thống các kênh mạng xã hội phong phú và hoạt động hiệu quả thuộc dạng top đầu tại Quảng Ninh, có lượng lớn độc giả quan tâm theo dõi.
Trong đó, trang fanpage trên mạng xã hội Facebook của Trung tâm mang tên QMG-Tin tức Quảng Ninh 24/7 đã có tới 306.000 lượt theo dõi, trở thành trang cung cấp thông tin chính thống về các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, được đông đảo công chúng tin cậy. Nhiều video được đăng tải trên kênh đã thu hút hàng triệu lượt xem. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, kênh fanpage QMG-Tin tức Quảng Ninh 24/7 đã thực sự trở thành kênh truyền thông hiệu quả về dịch bệnh, các chính sách của chính quyền tới người dân; đăng các video dạy học trực tuyến phục vụ nhu cầu của học sinh trong thời gian học tập trực tuyến …
Với đặc thù của tỉnh du lịch, từ năm 2022, Trung tâm còn xây dựng một trang fanpage chuyên biệt giới thiệu các điểm đến, ẩm thực đặc sắc, những trải nghiệm du lịch hấp dẫn trên địa bàn tỉnh, mang tên fanpage Quảng Ninh Ăn chơi 24/7. Đến nay, trang này đã có 23.000 lượt theo dõi, góp phần quảng bá tích cực cho du lịch Quảng Ninh.
Cùng với đó, Trung tâm cũng đã sớm xây dựng được 2 kênh youtube Quảng Ninh TV, trong đó kênh youtube phối hợp với BHMedia bắt đầu hoạt động từ 14/12/2020 và hiện đã có 112.000 lượt đăng ký, đạt nút bạc Youtube. Ngoài ra, Trung tâm còn sở hữu kênh Tiktok QMG-Tin tức Quảng Ninh đạt 22 ngàn lượt theo dõi; kênh Zalo QMG Tin tức Quảng Ninh với gần 4.000 lượt theo dõi. Từ tháng 10/2023, Trung tâm Truyền thông tỉnh phối hợp với VTVcab xây dựng kênh video riêng trên ứng dụng Onlala.
Mục tiêu cuối cùng trong chiến lược chuyển đổi số của các cơ quan báo chí vẫn là chuyển đổi để nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả, để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận thông tin trong môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa ở mọi lúc, mọi nơi; từ đó tiếp cận và phục vụ độc giả, khán thính giả được tốt hơn. Khi đó, chính các cơ quan báo chí sẽ làm tốt hơn trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cũng như kinh tế báo chí.
Do đó, cần một số giải pháp để làm tốt hơn việc sản xuất nội dung số, truyền thông số phù hợp với xu hướng hiện nay.
Trước hết, các cơ quan báo chí, trong đó có Trung tâm Truyền thông phải xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số báo chí, việc thay đổi cách thức sản xuất nội dung số và truyền thông số; phải lan tỏa được tư duy này tới mọi ngóc ngách của cơ quan báo chí để mỗi người làm báo hiểu được việc tạo ra sản phẩm báo chí mới sáng tạo thì mới thu hút, giữ chân được độc giả; họ buộc phải thay đổi để bắt kịp.
Tiếp đó là cần tiếp tục đầu tư cho con người. Bởi con người làm nên nội dung tác phẩm trên nền tảng công nghệ hiện đại; cần thường xuyên học tập kinh nghiệm, nghiên cứu, tham khảo những mô hình tòa soạn hội tụ tiên tiến; học tập cách thức sản xuất nội dung số và truyền thông số của các cơ quan báo chí uy tín để có chọn lọc ứng dụng vào thực tiễn..
Cùng với đó, cần đầu tư, bổ sung thêm trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và đồng bộ; tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc tự động hóa các quá trình sản xuất, sáng tạo ra các loại hình sản phẩm thông tin, các loại hình dịch vụ, kênh tiếp cận mới với độc giả.
Trong kế hoạch đầu tư cho các nền tảng số, cần tiếp tục xây dựng các kênh mạng xã hội mang đặc trưng riêng, nhằm tạo giá trị cạnh tranh khác biệt. Cụ thể, theo kế hoạch năm 2024, QMG sẽ thử nghiệm vận hành hoạt động thêm kênh Youtube dành riêng cho 2 di sản Vịnh Hạ Long và Yên Tử.
Đồng thời về lâu dài cần sản xuất nội dung số riêng cho các kênh mạng xã hội với từng nền tảng riêng biệt, bên cạnh việc biên tập để đăng tải lại như hiện nay, từ đó giúp người dùng có nhiều lựa chọn hơn để tiếp cận với nội dung, tạo độc giả trung thành qua môi trường số…
Ngọc Linh