Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, truyền thông số mang đến sự vượt trội trong cách thức lưu trữ và truyền tải thông tin so với truyền thông truyền thống trước đây. Trong đó người dùng có thể truy cập, tìm kiếm và tiếp cận nguồn thông tin khổng lồ một cách dễ dàng và nhanh chóng ở bất cứ thời điểm nào, từ bất cứ đâu nếu có một thiết bị đầu cuối được kết nối internet. Nội dung truyền thông số được tạo ra và phân phối trên nhiều nền tảng khác nhau, trong đó nổi bật hơn cả là trên các mạng xã hội, như Facebook, Instagram, Twitter, TikTok, YouTube…
Tại nước ta thời gian qua, cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin – truyền thông, hoạt động của người dân trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và gia tăng nhanh chóng về số lượng người dùng. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu cấp bách đối với công tác quản lý nội dung truyền thông số, đặc biệt là vấn đề đảm bảo các giá trị văn hóa, đạo đức và quy định pháp lý của hàng tỷ nội dung số trên mạng xã hội, trong bối cảnh những nội dung này đang ảnh hưởng ngày càng sâu sắc đến nhận thức, hành vi, thói quen và đời sống tinh thần hàng ngày của nhiều nhóm người trong xã hội.
GS.TS Trần Minh Hưởng, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân cho rằng, bên cạnh yếu tố tích cực, truyền thông số trên mạng xã hội cũng đặt ra những thách thức: Các thế lực thù địch, phản động và tội phạm cũng triệt để khai thác tính ẩn danh, nặc danh, đặc điểm lan tỏa, phát tán thông tin nhanh. Mạng xã hội không bị hạn chế bởi không gian và thời gian của truyền thông số trên mạng xã hội để tiến hành các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá trên không gian mạng, trực tiếp tác động đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của Việt Nam. Cùng với đó, sự xâm nhập, tiếp biến của các luồng văn hóa độc hại từ nước ngoài thông qua truyền thông số trên mạng xã hội có thể đe dọa hoặc làm xói mòn đến các giá trị văn hóa đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tại hội thảo, các tham luận đề cập đến những vấn đề lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm liên quan đến văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, tập trung thảo luận làm rõ một số nội dung chủ yếu như: Phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam. Phân tích thực trạng văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, đánh giá các ưu điểm, hạn chế và phân tích nguyên nhân, từ đó làm rõ những vấn đề đặt ra; định hướng, giải pháp và khuyến nghị xây dựng văn hóa, đạo đức, đảm bảo tuân thủ pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới.
Theo GS. TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cần xây dựng môi trường mạng xã hội văn minh, an toàn với các nội dung truyền thông số trong bối cảnh hiện nay: Hiện vẫn còn những lỗ hổng pháp lý, bảo mật và khó khăn nhiều mặt trong quản lý hàng tỷ nội dung số trên các mạng xã hội mỗi ngày ở Việt Nam, khiến cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi phản văn hóa, trái đạo đức, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội gặp nhiều thách thức.
Do đó, xây dựng một môi trường mạng xã hội văn minh, an toàn với các nội dung truyền thông số đảm bảo văn hóa, đạo đức, được quy định pháp lý chặt chẽ ở Việt Nam hiện nay là vô cùng cấp bách, quan trọng.
Các ý kiến cũng cho rằng, để thực hiện hiệu quả các giải pháp xây dựng văn hóa, đạo đức, đảm bảo tuân thủ pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội và người dân trong việc xây dựng môi trường mạng xã hội văn hóa, văn minh, lành mạnh. Mỗi người sử dụng mạng xã hội cần nâng cao ý thức trách nhiệm, sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, có đạo đức và tuân thủ pháp luật.
Nguồn: https://www.congluan.vn/xay-dung-moi-truong-mang-xa-hoi-van-minh-an-toan-voi-cac-noi-dung-truyen-thong-so-post297641.html