(ĐCSVN) – Việc quảng bá hình ảnh đất và người Hà Giang trên các nền tảng số đã và đang đem lại nhiều tín hiệu khả quan cho ngành du lịch Hà Giang – vốn được xem là “trụ đỡ” của nền kinh tế địa phương. Đóng góp vào kết quả tích cực đó có vai trò quan trọng của các lực lượng truyền thông cộng đồng trên môi trường số.
Từ các kênh truyền thông trên nền tảng số, các điểm đến hấp dẫn, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng của Hà Giang đã được quảng bá, giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước thông qua các video clip, bài viết, hình ảnh đẹp mắt.
Ca sĩ, nhạc sĩ Quách Beem (ngồi giữa) với những diễn viên quần chúng trong quá trình thực hiện MV “Hà Giang ơi” . (Nguồn ảnh: Vietnamnet)
Năm 2018 lần đầu tiên ca sĩ, nhạc sĩ Quách Beem đặt chân đến Hà Giang và nhận ra nơi này sẽ đẹp hơn, phát triển hơn nếu được quảng bá rộng rãi với mọi người. Quá ấn tượng với vẻ đẹp của Hà Giang, anh đã sáng tác và trình làng ca khúc “Hà Giang ơi” với sự khắc họa sinh động, gần gũi về mảnh đất nơi biên cương địa đầu cực bắc Tổ quốc. Ca khúc sau khi ra mắt đã gây bão mạng xã hội và đến nay vẫn không ngừng phá vỡ kỷ lục với trên 25 triệu lượt xem qua các nền tảng số. Có thể nói, sự ra đời của “Hà Giang ơi” với sự quảng bá tích cực trên các kênh thông tin, nền tảng số của ca sĩ, nhạc sĩ Quách Beem đã làm thổn thức trái tim của hàng triệu khán giả và làm nóng bước chân của du khách thập phương.
“Nghe xong ca khúc này, tôi chỉ muốn ngay lập tức khoác ba lô lên đường và khám phá Hà Giang” – Đó là cảm nhận chung của rất nhiều bạn trẻ dù đã từng đến hoặc chưa một lần đặt chân đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc này.
Là người con sinh ra tại Hà Giang, Lê Hoàng Nam – chủ nhân của kênh Youtube “Challenge Me – Hãy Thách Thức Tôi” với gần 4,1 triệu người đăng ký cũng đã có cách thức quảng bá, truyền thông về Hà Giang theo phong cách riêng của mình. Theo dõi kênh Youtube của anh, có thể thấy một Hà Giang thật chân thực, giản dị và gần gũi qua nhiều clip giới thiệu về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cũng như những câu chuyện thú vị, hấp dẫn của cộng đồng 19 dân tộc nơi đây như: Vì sao người Mông không dám vào hang 9 cửa; Hóa ra đây là lý do hay lên Hà Giang; Hoàn thiện tâm nguyện xây sân chơi thiếu nhi ở Hà Giang; Chết cười vào bản xin Lê ở Tìa Cua Si (Mèo Vạc, Hà Giang);… Bắt đầu đăng tải những video đầu tiên từ tháng 10/2014, đến nay, kênh Youtube này đã sản xuất trên 1,2 nghìn video, clip, trong đó những clip giới thiệu về Hà Giang thu hút hàng triệu lượt xem, góp phần đưa hình ảnh Hà Giang đến gần hơn với du khách thập phương.
Cùng chung tình yêu với mảnh đất nơi biên cương Hà Giang, nhiều kênh truyền thông cộng đồng khác cũng đã lựa chọn những cách riêng để quảng bá về Hà Giang trên nền tảng số như: các kênh cộng đồng Khoai Lang Thang, Chan La Cà, Nắng Cao nguyên, Xuân Hữu Đàn Tính, Tam giác mạch, Nguyễn Tất Thắng, Pheng Pheng Vlog,…; các kênh của nghệ sĩ dân gian như A Páo (Ngô Sĩ Ngọc), người sáng tạo nội dung số với hàng trăm video clip có cảnh quay về Hà Giang có khả năng thu hút du khách trong và ngoài nước rất ấn tượng…, qua đó đã góp phần mạnh mẽ lan tỏa hình ảnh Hà Giang trên môi trường số.
Lê Hoàng Nam – chủ nhân của kênh Youtube “Challenge Me – Hãy Thách Thức Tôi” với gần 4,1 triệu người đăng ký cũng đã có cách thức quảng bá, truyền thông về Hà Giang theo cách riêng của mình. (Nguồn ảnh: hagiangtv.vn)
Ông Đỗ Thái Hòa – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang cho biết, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và xu thế tất yếu của chuyển đổi số, công tác truyền thông nói chung, đặc biệt là truyền thông số nói riêng đã có những đóng góp tích cực trong hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa hình ảnh Hà Giang ra các địa phương trong nước và thế giới.
Nhìn lại thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, khi hầu hết các hoạt động xã hội bị ngưng trệ và cuộc sống của người dân bị đảo lộn, bên cạnh thông tin, tuyên truyền trên các kênh chính thống của các cơ quan báo chí, truyền thông thì từ các cơ quan, đơn vị, địa phương đến các tổ dân phố, thôn, bản, các hội, nhóm trên địa bàn Hà Giang đã hình thành nên các kênh thông tin để kết nối, chia sẻ, tương tác, kịp thời cung cấp những thông tin chính thức trên nền tảng mạng xã hội. Qua đó, tạo ra sự phát triển đa dạng của các kênh thông tin, có sức lan tỏa nhanh chóng, hiệu quả đến với người dân, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội.
Cũng cùng thời điểm đó, khi hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội không thể tổ chức tập trung đông người do dịch bệnh thì Hà Giang đã linh hoạt, sáng tạo tổ chức các chương trình, sự kiện quảng bá, giới thiệu lễ hội, bản sắc văn hóa trên các kênh truyền thông số của tỉnh và liên kết với các kênh truyền thông số của các cơ quan báo chí trung ương với mục đích tạo sự lan tỏa rộng rãi. Trong đó, đáng chú ý là truyền thông, quảng bá những lễ hội thường niên, mang thương hiệu của Hà Giang trên các nền tảng số, mạng xã hội Zalo, Facebook của huyện, tỉnh như: Lễ hội hoa Tam giác mạch; Lễ hội qua những miền di sản bậc thang Hoàng Su Phì; Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; một số lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các tour du lịch online trải nghiệm với nhiều video clip quảng bá về những danh thắng, di sản, các điểm đến hấp dẫn, ẩm thực vùng miền cũng như các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Chuyển đổi số được thực hiện trên 03 trụ cột, trong đó truyền thông là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu.
Cũng theo chia sẻ của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang – Đỗ Thái Hòa, công tác truyền thông số được đẩy mạnh trong lĩnh vực du lịch đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép; góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa và thu hút khách du lịch đến với Hà Giang. Đặc biệt, sau khoảng thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, xu hướng truyền thông có nhiều thay đổi, trong đó chú trọng việc sử dụng các nền tảng xã hội, mạng internet và các thiết bị thông minh. Từ đó, truyền thông qua nền tảng số được xem là cách nhanh nhất giúp độc giả tiếp cận thông tin.
Để thúc đẩy hiệu quả truyền thông trên môi trường số, UBND tỉnh Hà Giang đã chủ động ký kết hợp tác với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT để tăng cường phát triển về hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, tạo điều kiện để đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trên 03 trụ cột, trong đó lĩnh vực truyền thông là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu.
Theo đó, tỉnh Hà Giang đã có những cách tiếp cận phù hợp để đẩy mạnh công tác truyền thông trên các nền tảng công nghệ kỹ thuật số. Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Đề án đổi mới công tác Truyền thông giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2021, UBND tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn FPT tổ chức thành công Hội thảo chuyển đổi số, ngay sau đó Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 29/10/2021 về chuyển đổi số tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Song song với đó, Hà Giang đã tích cực xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai để thúc đẩy báo chí, truyền thông phát triển, như: Kế hoạch tổ chức truyền thông, quảng bá hình ảnh Hà Giang ra nước ngoài, Kế hoạch triển khai chuyển đổi số báo chí tỉnh, Kế hoạch tăng cường công tác truyền thông chính sách…
Truyền thông số với sứ mệnh quảng bá hình ảnh Hà Giang trên nền tảng số đã góp phần định vị thương hiệu Hà Giang, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch
Việc bố trí nguồn kinh phí để đảm bảo công tác thông tin, tuyên truyền ngày càng được tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm. Hiện nay, hầu hết các thôn đã được phủ sóng điện thoại và internet, đã thực hiện hoàn thành Đề án số hóa truyền hình mặt đất, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh là 76,4%. Hệ thống truyền thanh cơ sở được quan tâm đầu tư, nâng cấp đến tận thôn, bản, đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin cho người dân trên toàn tỉnh.
Với những kết quả đạt được, có thể thấy truyền thông số với sứ mệnh quảng bá hình ảnh Hà Giang trên nền tảng số đã góp phần định vị thương hiệu Hà Giang, vươn ra thế giới, thu hút đặc biệt sự chú ý của khách du lịch, đem lại nguồn thu được xem là “trụ đỡ” của nền kinh tế địa phương. Nhờ đó, du lịch Hà Giang những năm gần đây ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng. Trong giai đoạn 2020 – 2022, khách du lịch đến Hà Giang tăng bình quân 39%/năm. Năm 2022, khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, Hà Giang đón trên 2,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế trên 71 ngàn lượt người, khách nội địa khoảng gần 2,3 triệu lượt người.
Tính riêng trong 9 tháng năm 2023, tỉnh đón gần 2,2 triệu lượt du khách, trong đó có trên 218 nghìn lượt khách quốc tế, khách nội địa khoảng 1,9 triệu lượt (tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 86% kế hoạch năm), doanh thu du lịch đạt 5.072 tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ. Ước tính đến hết năm 2023, du khách đến Hà Giang đạt khoảng 3 triệu lượt, đạt 100% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Đặc biệt, nhiều lần liên tiếp, Hà Giang nằm trong danh sách những điểm đến lý tưởng được các tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn. Tờ New York Times xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2023. Tờ báo chuyên du lịch Canada The Travel bình chọn Hà Giang là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam. Gần đây nhất, tháng 9/2023, Hà Giang vinh dự được nhận giải thưởng Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023.
Dangcongsan.vn