BBK -Giai đoạn 2022 – 2023, tỉnh Bắc Kạn phê duyệt, triển khai hơn 400 danh mục các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo các Chương trình MTQG. Tuy nhiên, do nhiều quy định, hướng dẫn chưa kịp thời, rõ ràng dẫn đến việc triển khai các dự án còn chậm.
HTX Toàn Thắng, xã Đồng Thắng (Chợ Đồn) mong muốn sớm được hỗ trợ các hạng mục của dự án sản xuất theo chuỗi liên kết. |
Tổng số vốn phân bổ cho hơn 400 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất là 134 tỷ đồng, trong đó 110 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; 229 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Mục tiêu nhằm hỗ trợ tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân vùng khó khăn. Các lĩnh vực thực hiện chủ yếu về trồng trọt, chăn nuôi, trồng cây dược liệu, phát triển thủy sản.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến nay đã tổ chức thẩm định 242 dự án, trong đó phê duyệt 151 dự án; đang hoàn thiện hồ sơ chưa thẩm định là 163 dự án.
Tại nhiều địa phương, mặc dù nguồn vốn đã được phân bổ, song tiến độ triển khai chậm. Tại huyện Chợ Mới có 10 dự án thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, nhưng đến nay chưa triển khai được dự án nào. Ông Bùi Nguyên Quỳnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Việc triển khai chậm do các quy định về đối tượng được hỗ trợ tại một số văn bản Trung ương không rõ ràng, dẫn đến các cấp, ngành địa phương khá lúng túng khi triển khai. Có dự án liên kết tổ chức đấu thầu dự án nhưng không có đơn vị tham gia bỏ thầu như Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ quả mơ vàng của HTX Cao Kỳ, nên rất khó khăn trong quá trình thực hiện”.
Tại huyện Chợ Đồn, có 13 dự án hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị được trình thẩm định nhưng hiện tại mới có 01 dự án được duyệt triển khai. Còn 44 dự án phát triển sản xuất cộng đồng đang tạm dừng để chờ hướng dẫn mới.
Nguyên nhân triển khai chậm
Nguyên nhân nhiều dự án sản xuất liên kết thuộc các Chương trình MTQG thực hiện chậm được ngành Nông nghiệp lý giải là do văn bản hướng dẫn và giao vốn từ các bộ, ngành Trung ương giai đoạn 2021-2025 ban hành chậm, chưa có hướng dẫn cụ thể nên không thể tổ chức triển khai thực hiện. Một số địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn nhà thầu; chưa rõ việc mua sắm là do các tổ nhóm cộng đồng hay UBND cấp xã thực hiện. Một số dự án hỗ trợ phát triển sản xuất giao cho UBND cấp xã làm chủ đầu tư thực hiện chậm do năng lực cấp xã còn hạn chế, công chức cấp xã kiêm nhiệm nhiều việc chuyên môn khác. Việc cung cấp thông tin về giá (thẩm định giá) mất nhiều thời gian do UBND các xã không tự thẩm định mà phải thuê đơn vị tư vấn thẩm định…
Trước những khó khăn đó, tại Thông báo số 20/TB-HĐND ngày 28/6/2023, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh rà soát toàn bộ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Theo đó, dừng thực hiện các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa triển khai thực hiện, các dự án đang triển khai nhưng quá trình thực hiện không đúng, không hiệu quả hoặc phát hiện có sai phạm.
Sau đó, các địa phương đã tiến hành rà soát toàn bộ nguồn vốn đã phân bổ cho các dự án, xem xét đối với các dự án không có khả năng thực hiện, giải ngân nguồn vốn để kịp thời đề xuất điều chỉnh sang thực hiện nội dung khác.
Đã có hướng tháo gỡ khó khăn
Tại Kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh và ngành chức năng đã có những giải trình làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ và tỷ lệ giải ngân các Chương trình MTQG đạt thấp. Đồng thời, tham mưu điều chỉnh kịp thời một số chính sách để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất. HĐND tỉnh đã nhất trí thông qua Nghị quyết về Sửa đổi bổ sung một số điều của Quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục triển khai dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn ban hành kèm theo Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của HĐND tỉnh.
Với việc ban hành Nghị quyết sửa đổi bổ sung, các trình tự, thủ tục khi thực hiện các dự án phát triển sản xuất đã được quy định cụ thể, chi tiết, tạo sự thống nhất cao trong tổ chức, thực hiện, từ đó giúp cho chủ đầu tư, chủ trì liên kết thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện.
Các đơn vị, địa phương cần khẩn trương triển khai ngay những nội dung, phần việc các dự án hỗ trợ sản xuất đang bị chậm tiến độ, gặp khó khăn do trước đây chưa có quy định rõ ràng. Từ đó, phát huy hiệu quả của các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn./.
MỘT SỐ NGHỊ QUYẾT VỀ CHÍNH SÁCH TRONG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA MỚI ĐƯỢC THÔNG QUA |
|